Giấc mơ trực thăng phun thuốc trừ sâu
10:21 - 26/10/2016
Về Quỳ Hợp (Nghệ An), hỏi nhà ông Lê Văn Thỏa, từ già cả đến trẻ nhỏ không ai là không biết. Ông không chỉ nổi tiếng với tay nghề của thợ cơ khí...

Ông không chỉ nổi tiếng với tay nghề của thợ cơ khí thuộc hàng “thượng thừa” ở vùng đất này mà còn được biết đến là một “kỹ sư không bằng cấp” có số má.
 

Sinh ra để sáng chế

Sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo miền núi huyện Quỳ Hợp, do hoàn cảnh khó khăn, học hết lớp 7, ông Lê Văn Thỏa (SN 1965, trú Khu Công nghiệp thị trấn Quỳ Hợp, huyện Quỳ Hợp) tạm gác chuyện học hành gia nhập quân ngũ. Năm 1987, ông xuất ngũ, ra Hà Nội tìm việc làm.

Duyên số đưa người đàn ông này đến với nghề sửa chữa xe đạp. Làm thuê được một thời gian, ông mua một bộ đồ nghề về quê mở tiệm kiếm sống. Khi nghề sửa chữa xe đạp dần thưa khách, ông xoay ra sửa chữa xe máy. Ai cũng bất ngờ khi chỉ một thời gian sau, ông lại chuyển sang nghề sửa chữa ô tô, sửa chữa máy công trình mà không một ngày ngồi trên trường đào tạo.

“Thật ra, lúc đó tôi mua một chiếc xe tải để chở hàng thuê nhưng không ăn thua, xe lại hỏng hóc nhiều quá. Mỗi lần xe gặp sự cố, tôi lại tự sửa chữa nên thành ra quen việc luôn. Cũng từ đây, tôi bắt đầu ấp ủ thực hiện những ý tưởng sáng chế”, ông Thỏa kể.

Năm 2013, sau một thời gian tìm hiểu, mày mò, ông Thỏa cho ra đời máy búa rèn chạy bằng động cơ điện. Đây là công cụ quan trọng trong nghề rèn giúp giảm đáng kể nhân công, sức người.

13-01-04_ong-tho-v-my-bu-ren
Máy búa rèn

 

Năm 2014, ông tiếp tục sản xuất thành công máy tiện đá và máy cắt đá bằng dây chạy bằng điện. Nếu trước đây, thợ thủ công mỹ nghệ quê ông phải hì hục đục đẽo trên đá thì nay, sức lao động được giải phóng đáng kể và độ chính xác cao hơn rất nhiều khi sử dụng máy tiện đá. Giá của máy tiện đá cũng phù hợp với các xưởng chế tác nhỏ, giá từ 70-120 triệu đồng.

13-01-04_my-ct-d-bng-dy
Máy cắt đá bằng dây
 

13-01-04_my-tien-d
Máy tiện đá

 

Ông Thỏa khép lại năm 2015 với công trình máy doa lỗ di động. Thiết bị này nhiều ưu điểm như có thể sử dụng nguồn điện 220 V, tận dụng được ổ bi, gối bạc, lỗ trụ ắc trong máy công trình, nhỏ gọn, tính cơ động cao. Máy doa lỗ di động do ông sáng chế chỉ bán với giá 50 triệu đồng thì sản phẩm cùng chức năng của Úc được bán trên thị trường với giá 150 triệu đồng...

Điều đáng nói là, tất cả các công trình do ông sáng chế đến nay đã được Cục Sở hữu Trí tuệ chấp nhận Đơn hợp lệ; nhiều sản phẩm do ông sáng chế đã được sản xuất tại xưởng và được người tiêu dùng đón nhận với nhiều lời khen ngợi.
 

Khát vọng sáng tạo vì nhà nông

Cảm nhận đầu tiên khi tiếp xúc, ông thực sự là con người của công việc, nói với đi đôi với làm và không ngừng sáng tạo.

Ông có những trăn trở hướng về sản xuất nông nghiệp rất đáng trân trọng khi đang ấp ủ giấc mơ sáng chế ra loại máy cày và máy chặt mía, gặt lúa loại nhỏ có thể vận hành ở mọi địa hình miền núi ruộng đồng vốn manh mún. Đây chính là điều mà các loại máy nông nghiệp hiện nay được bán trên thị trường hiện chưa đáp ứng được.

13-01-04_mo-hinh-my-by-truc-thng-phun-thuoc-tru-su
Mô hình máy bay trực thăng phun thuốc trừ sâu
 

Nhưng đó vẫn chỉ là những dự định, bởi theo ông, để thực hiện mất rất nhiều thời gian và quan trọng hơn, kinh phí thử nghiệm không hề nhỏ. Trước mắt, người đàn ông này khiến mọi người bất ngờ khi đang trong quá trình hoàn thiện mô hình máy trực thăng phun thuốc trừ sâu và chữa cháy.

Mô hình trực thăng ông đang thực hiện, bộ phận chính gồm động cơ ô tô 4 chỗ cũ; hai cánh quạt chính có chiều dài 5m được đặt đúc ở Nam Định; thân máy dài 3,5m; cao 2,7m; phần rộng nhất là 2,2m. Theo ông Thỏa, nếu được đưa vào sản xuất, chiếc máy bay khi hoàn thiện có thể bay cao 300m trong khoảng 3 giờ liên tục và chở được 200kg. Nếu sử dụng các loại vật liệu chuyên dụng trong ngành hàng không, chiếc máy bay này có giá từ 350-400 triệu đồng, có thể phun thuốc trừ sâu với diện tích 3-5 ha cây trồng trong vòng 1 giờ đồng hồ.

13-01-04_mo-hinh-truc-thng-phun-thuoc-tru-su-nhin-tu-phisu
Mô hình máy bay trực thăng phun thuốc trừ sâu nhìn từ phía sau
 

Ý tưởng hết sức độc đáo này bắt đầu được nhen nhóm từ lúc ông tình cờ xem được đoạn video một ông lão chế tạo máy bay trực thăng trên mạng internet một ngày đầu năm 2015. Sau khi phác thảo bản vẽ trên giấy, tháng 8/2015, ông Thỏa bắt đầu đi đến các quán phế liệu thu mua lại các đồ vật có thể làm phụ kiện cho chiếc máy bay của mình.

“Lúc đó cũng có người chế tạo ra máy phun thuốc rồi nhưng vẫn không hiệu quả lắm. Tôi nghĩ máy bay trực thăng có thể bay được ở tầm thấp sẽ rất phù hợp trong việc phun thuốc trừ sâu cho những cánh đồng rộng lớn. Nó cũng có thể sử dụng để chữa cháy rừng hiệu quả ở những cánh rừng có địa hình phức tạp mà con người khó tiếp cận", ông Thỏa cho biết.

Hiện mô hình do ông sáng chế, thực hiện đã hoàn thành được 70% khối lượng công việc. Tuy nhiên, sau khi kiểm tra, phần cách quạt đẩy phía sau chưa được ổn định do còn quá yếu nên ông Thỏa phải tạm dừng kế hoạch xin bay thử để khắc phục. Bên cạnh đó, do thiếu kinh phí, hệ thống bình chứa nước cũng chưa được lắp đặt.

“Với những sáng chế khác, việc thử nghiệm không có gì khó nhưng với mô hình này, muốn bay thử không phải muốn là được ngay. Bản thân tôi, vì đam mê, chạy theo đam mê vẫn không ngừng sáng tạo nhưng quy định bay thử thế nào cũng không rành, phải xin ai, địa hình thế nào mới được thử nghiệm?

Một phần vì kinh phí cho những mô hình này không hề nhỏ nên làm được đồng nào tôi lại nướng vào những đam mê. Một phần chỉ làm theo kinh nghiệm chủ quan của cá nhân, không có khoa học dẫn đường nên thời gian hoàn thiện rất lâu. Bản thân tôi thấy ý tưởng rất có tính khả thi nên rất mong được cơ quan chức năng, tổ chức, các nhà khoa học hỗ trợ thực hiện đến cùng”, ông Thỏa chia sẻ.

Ông Lê Văn Thỏa, tác giả của Giải pháp hữu ích máy búa rèn tham gia chương trình Sáng tạo Việt Năm 2016 và nhiều sản phẩm giải pháp hữu ích khác; sản phẩm công nghiệp tiêu biểu huyện Quỳ Hợp 2016; sản phẩm máy doa lỗ di động được người tiêu dùng Tạp chí Công thương bình chọn vào top “100 thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ nổi tiếng tại Việt Nam 2016.

 

VÕ VĂN DŨNG
Nguồn: NNVN
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo