Khuyến cáo của Bộ Y tế khiến nhiều người tự hỏi: Làm sao để biết số hải sản đánh bắt được nằm trong hay ngoài 20 hải lý?
|
Ảnh mang tính minh họa |
Bộ Y tế khuyến cáo: “Một số loại hải sản sống ở tầng đáy trong vòng 13,5 hải lý chưa đảm bảo an toàn nên Bộ đề nghị không sử dụng các loại hải sản sống ở tầng đáy trong vòng 20 hải lý”.
Khuyến cáo này lại khiến người ta đặt thêm nhiều câu hỏi mới (!) . Làm sao để biết số hải sản đánh bắt được nằm trong hay ngoài 20 hải lý?
Theo ông Bùi Tuấn Sơn, Giám đốc Ban quản lý cảng cá Hà Tĩnh thì “Kiểm định cá an toàn hay không chủ yếu dựa vào truy xuất nguồn gốc thủy sản, mà truy xuất theo hướng dẫn của Tổng cục Thủy sản chủ yếu dựa vào nhật ký khai thác của chủ tàu và cái này thì hoàn toàn phụ thuộc vào chủ tàu, không kiểm chứng được”.
Trong các chuyến công tác, đi cùng ngư dân trên những chiếc ghe tàu, tôi hiểu việc truy xuất nguồn gốc “phụ thuộc vào cá nhân chủ tàu” là như thế nào? Hai năm trước ở đảo Thổ Chu, cực Tây Nam của đất nước, tôi gặp anh Hiếu.
Anh Hiếu là một trong những ngư dân “sát cá” nhất ở đấy. Tôi lên tàu của anh và hỏi anh bí quyết đánh cá. Anh bảo rằng bí quyết là anh hay đến vùng biển giáp ranh với Malaysia, ở đấy nhiều cá, cá đâu chả là cá, giả sử có bị họ đuổi thì... chạy.
Nhưng mà hàng ngàn những ngư dân khác thì không chạy được như anh Hiếu. Ngày 13/9, tại cảng Pelabuhan Teluk Lampa, Natuna của Indonesia, đã diễn ra lễ trao cho Việt Nam 228 ngư dân có quê ở nhiều vùng khác nhau như Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận, Ninh Thuận... Họ bị bắt và giam giữ chừng 3-6 tháng. Hiện tại thì vẫn còn khoảng hơn 300 ngư dân Việt Nam đang bị tạm giữ tại các đảo ở đây.
Đại sứ Việt Nam tại Indonesia Hoàng Anh Tuấn còn cho biết thêm: “Từ năm 2014 trở về trước, chỉ có khoảng hơn 200 ngư dân được phía Indonesia trả về mỗi năm. Riêng năm 2015, số ngư dân được hồi hương lên tới 700 người”.
Đây mới chỉ là các số liệu ở bên Indonesia. Tôi tự hỏi, nếu nhiều ngư dân đã sang tận những vùng biển của nước ngoài, bất chấp luật lệ quốc tế, thì sao chúng ta lại tin rằng họ sẽ không đi vào những vùng biển trong nước gần hơn, dù đang bị nhiễm độc, để đánh bắt? Vì việc đến những vùng biển gần bờ thả một tấm lưới, thì dễ dàng và chi phí ít hơn nhiều so với việc chạy hàng mấy ngày trời để tới những “vùng biển xa bờ”.
Ngư dân có thể xuất phát từ cửa Sa Kỳ (Quảng Ngãi), nơi không bị ảnh hưởng từ vụ xả thải của Formosa để đánh bắt ở khu vực biển của Hà Tĩnh – nơi bị ảnh hưởng nặng nề, rồi sau đó quay trở lại cảng Sa Kỳ để bán hải sản cho thương lái.
Với các thiết bị định vị hiện nay, cũng rất khó để ngay chính ngư dân có thể biết họ đang cách bờ bao xa? Ví dụ khi đến khu vực của Hà Tĩnh, họ cũng chỉ biết là mình đang ở vị trí nào chứ bảo họ xác định là đang cách bờ bao xa, đã đủ 20 hải lý chưa thì không biết. Thêm nữa, giới hạn ở ngoài biển giữa các tỉnh là gì? Làm thế nào để phân biệt được khu vực giáp ranh giữa Hà Tĩnh và Nghệ An, khu vực giáp ranh giữa Huế và Đà Nẵng?
Thực tế cho thấy, làm một báo cáo có tính khoa học và chính xác đã khó. Nhưng làm một báo cáo có tính thực tế, khả thi còn khó hơn rất nhiều.