Thương mại điện tử giúp giảm bớt khâu trung gian trong tiêu thụ nông sản
16:53 - 25/08/2016
(TNNN)- Hiện nay giá bán nông sản từ vườn đến tay người bán lẻ tăng nhiều lần, do có quá nhiều khâu trung gian khiến thiệt thòi nhất lại là người sản xuất và người tiêu dùng.
Thương mại điện tử giúp giảm bớt khâu trung gian trong tiêu thụ nông sản (Ảnh minh họa, nguồn Internet)


Điển hình như quả thanh long, vì sản lượng ít, đường vận chuyển xa nên người dân phải bán cho các thương lái tại địa phương. Qua thương lái, giá trái cây bị cộng thêm ít nhất vài nghìn đồng/kg. Các thương lái bán cho các chủ vựa để vận chuyển lên TP HCM, chỉ riêng chi phí vận chuyển (gồm bốc vác, thuê xe) của chủ vựa đã mất khoảng 2.000 đồng/kg. Phần lời của chủ vựa là 500 đồng/kg nữa, tổng cộng giá đã đội thêm 2.500 đồng/kg.
 
 
Từ trái thanh long, trái cam, quýt hay lớn hơn là lúa gạo, thủy sản, chúng ta thấy rằng hệ thống lưu thông phân phối quá nhiều khâu trung gian: Từ nông dân đến thương lái cấp 1, thương lái cấp 2, đến chế biến và khâu tiếp cận thị trường. Vấn đề này đã tạo nên những bất hợp lý trong lưu thông phân phối hàng hóa nông sản hiện nay. Điệp khúc được mùa rớt giá và ngược lại cứ lặp đi lặp lại, điều này làm ảnh hưởng đến thu nhập và đời sống nông dân.
 
 
Từ sản xuất đến hệ thống lưu thông phân phối nông sản đang có nhiều vấn đề phải tổ chức lại. Để giảm khâu trung gian thì điều quan trọng là nhà chế biến, tiêu thụ phải liên kết với nhà sản xuất (nông dân). Muốn vậy, nông dân phải tham gia vào các tổ chức sản xuất theo hình thức khoa học và tiên tiến. Doanh nghiệp và nông dân hoặc các tổ chức sản xuất phải có hợp đồng.
 
 
Điển hình như tại Long An, thông tin từ Sở Công Thương cho biết, phần lớn trứng gà của tỉnh được cung cấp cho thị trường TP.HCM, trong đó Công ty TNHH Ba Huân chiếm phần lớn. Để có nguồn cung ổn định cho khách hàng, Công ty TNHH Ba Huân ký hợp đồng thu mua trứng trên địa bàn các huyện Cần Đước, Cần Giuộc, Tân Trụ, Châu Thành. Theo đó, trong năm 2013 và 2014, công ty này thu mua 33 triệu trứng gà mỗi năm; từ năm 2015 đến nay, công ty thu mua khoảng 130.000 trứng/ngày.
 
 
Nếu như Công ty Ba Huân chọn nguồn cung trứng thì Công ty TNHH San Hà lại tin chọn sản phẩm thịt gà, vịt của Long An. Bà Phạm Thị Ngọc Hà - Giám đốc Công ty cho biết, sản phẩm thịt gà ta được nuôi trên địa bàn tỉnh Long An tạo được sự hài lòng của khách hàng. Vì vậy, công ty ký hợp đồng với Hợp tác xã (HTX) Kim Kê Phát, xã Phước Hậu, Cần Giuộc cung cấp hàng tháng khoảng 100.000 con gà thịt. Ngoài ra, vịt trời được nuôi tại Cần Giuộc cũng được công ty đặt hàng, hướng đến tiêu thụ lâu dài.
 
 
Ngoài ra, Long An còn nhiều hình thức liên kết chăn nuôi và tiêu thụ đầu ra sản phẩm giữa người chăn nuôi và doanh nghiệp tiêu thụ như heo, vịt, rau, củ, quả,… nhưng chưa chiếm số lượng lớn. Hình thức hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ này vẫn chưa trở thành thói quen của người sản xuất và doanh nghiệp.
 
 
Một hướng mới hiện nay là ứng dụng tiến bộ công nghệ, thương mại điện tử phát triển, người tiêu dùng chỉ cần gõ trên bàn phím, hàng hóa đặt mua sẽ được giao tới tận nơi. Như Công ty Cổ phần Báo Thanh Niên vừa giới thiệu bản thử nghiệm trang thương mại điện tử muahangviet.com.vn nhằm kết nối nhà nông và doanh nghiệp Việt, hiện cung cấp hơn 50 mặt hàng nông sản với 2 phân khúc sản phẩm: Hàng an toàn và hàng sản xuất theo chuẩn hữu cơ (organic) có giấy chứng nhận của tổ chức an toàn thực phẩm quốc tế.
 
 
Với mô hình đặt hàng trước (pre-order) không lưu kho, các sản phẩm này được đảm bảo tươi sạch, thu hoạch tại nhà vườn ngay sau thời điểm khách đặt hàng để giao đến tận tay người tiêu dùng trong vòng 24 giờ. Để sản phẩm được lựa chọn, các nhà cung cấp phải đang áp dụng một quy trình sản xuất nhất định (VietGAP/GlobalGAP), tất cả các mặt hàng nông sản đều trải qua ba bước kiểm định theo lô: Tiền kiểm, kiểm tại chỗ và hậu kiểm. Mô hình này giúp cắt giảm các khâu trung gian và thời gian trong quá trình phân phối nông sản, giúp giải quyết các vấn đề về chất bảo quản, người tiêu dùng có cơ hội mua trái cây, rau, củ an toàn ngay tại vườn đúng nghĩa “từ vườn đến bếp”.
 
 
Để giảm được các khâu trung gian không phải dễ vì hiện nay đất đai và vườn cây trái của ta còn khá manh mún, việc tập hợp nông dân vào các tổ chức HTX, tổ đoàn kết, vùng sản xuất còn nhiều khó khăn trở ngại. Điều kiện để có sự gắn kết giữa doanh nghiệp và nông dân còn bao gồm hành lang pháp lý, quy hoạch vùng tập trung, hợp tác với ngân hàng… theo hình thức doanh nghiệp và nông dân cùng có lợi trên đường phát triển. Do vậy thương mại điện tử phát triển, nhờ điện toán đám mây, internet vạn vật, các APP…, việc phân phối chỉ cần thiết bị thông minh là có thể bán được sản phẩm trực tiếp sẽ mở ra một xu hướng mới trong tiêu thụ nông sản hiện nay.

Phi Bằng
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo