Bà con ở ĐBSCL đã sử dụng phân khoáng bón cho lúa trong nhiều vụ, nhiều năm, giúp nâng cao năng suất lúa lên đáng kể. Những hộ có diện tích nhiều thì cây lúa cũng đã góp phần thay đổi mức sống của họ trở nên đầy đủ và khá giả hơn.
|
Ảnh minh họa |
Nhưng đứng trước thực trạng giá lúa thấp, giá vật tư và công lao động cao nên lợi nhuận thu lại từ ngành trồng lúa quá thấp so với các cây trồng khác.
Tuy nhiên, là vùng đất chuyên lúa, nhiều diện tích bị ngập nước quanh năm muốn chuyển đổi qua trồng cây khác, nuôi con khác không phải là công việc một sớm, một chiều. Trồng cây gì, nuôi con gì, sản phẩm bán ở đâu để có lời, vẫn là câu hỏi không dễ trả lời. Vì vậy, tìm cách nâng cao hiệu quả cho cây lúa là biện pháp thực tiễn.
Ngoài các biện pháp 3 giảm 3 tăng, rồi 1 phải 5 giảm và 1 phải 6 giảm thì còn giảm gì được nữa? Câu trả lời là có. Ngay trong các biện pháp nói trên từng khâu, từng kỹ thuật, ta vẫn còn có thể giảm được. Đã có nhiều bài báo mách bà con các kỹ thuật làm giảm đầu tư để tăng lợi nhuận. Ví dụ, ngay như số lượng và tỷ lệ các chất dinh dưỡng vẫn còn có thể thay đổi để giảm bớt chi phí đầu tư. Cty CP Phân bón Bình Điền đã có nhiều chủng loại phân để giảm số lượng bón như dùng phân đạm 46A+ thay Ure thường giảm được bình quân 30% lượng phân Ure hay dùng phân DAP-Avail cũng giảm được trên 30% lượng P cần bón.
Tiếp đó là các loại phân NPK loại A1 và A2 hay Đầu Trâu 215 và Đầu Trâu 215 + TE đều đạt được mục tiêu làm giảm lượng N, P và K nhưng năng suất vẫn cao hơn và lợi nhuận thu được cũng cao hơn so với nền phân bà con đang sử dụng.
Tuy nhiên, do số lượng phân Đầu Trâu này chưa thể thỏa mãn được cho diện tích lúa ở ĐBSCL nên nhiều bà con buộc phải sử dụng nguồn phân đơn hay nguồn NPK khác. Khi dùng phân đơn hay cả phân DAP thường bà con chưa điều chỉnh được lượng phân bón, vẫn bón quá liều loại này hay loại khác nên vẫn tăng chi phí, làm cho giá thành cao, lợi nhuận bị giảm sút. Đã có một số tác giả nghiên cứu tình trạng chất P trên đất lúa và đất màu ở ĐBSCL và cho thấy rằng, bón P trên nhiều loại đất lúa và rau màu cho hiệu quả thấp, hay không có hiệu quả.
Vì tình trạng P đã bị bão hòa do được bón tích lũy nhiều năm gây ra. Trong một nghiên cứu hiệu lực trực tiếp, hiệu lực tồn dư và cộng dồn của phân P và K trên đất lúa thuần tại Cần Thơ đã có nhận xét: Trên đất 3 vụ lúa vùng phù sa tây sông Hậu, vụ xuân hè nền phân bón 90-50-30 N-P205-K20/ha. Nếu chỉ bón P và K mà không bón N thì năng suất chỉ tương đương với nền đối chứng không bón hạt phân nào.
Trong lúc đó có bón NP và NK (tức là thiếu P và thiếu K) thì năng suất lúa không bị giảm so với nền bón phân đầy đủ NPK. Điều này có nghĩa rằng dù là đất phù sa nhưng cây lúa vẫn cần bón N từ vụ này qua vụ khác, còn P và K thiếu trong 1 vụ đầu chưa có ảnh hưởng gì đến năng suất. Đến vụ thứ 4 công thức thiếu P mới bị ảnh hưởng còn thiếu K vẫn chưa biểu hiện rõ.
Còn trên đất phèn tại Hậu Giang, kết quả nghiên cứu đến vụ thứ 5 cũng có bức tranh như vậy. Trên đất phù sa, tác giả nghiên cứu đến vụ thứ 12, còn trên đất phèn là vụ thứ 8. Từ kết quả thu được trong các vụ khác nhau, tác giả đã tạm kết luận:
Về lân: Tần suất bón P 1 vụ rồi vụ tiếp không bón thì không thấy ảnh hưởng nhiều đến năng suất lúa của các vụ trong năm đối với cơ cấu 3 vụ lúa vùng phù sa tây sông Hậu, cũng như cơ cấu 2 vụ lúa vùng đất phèn Hậu Giang.
Trên cơ cấu 3 vụ lúa, nếu 2 vụ liên tục không bón P mà vụ cuối rơi vào xuân hè hoặc hè thu thì năng suất đều bị giảm so với bón P liên tục. Trường hợp 2 - 4 vụ trước đó không bón P, nhưng khi bón P lại, dù đó là xuân hè, hè thu hoặc đông xuân thì năng suất vẫn đạt ngang với lô bón P liên tục.
Đối với vụ ĐX năng suất lúa chỉ giảm sau 3 vụ liên tục không bón P. P được coi là yếu tố hạn chế chính tới năng suất lúa ở các vụ XH và HT trên cơ cấu 3 vụ lúa vùng phù sa tây Sông Hậu. Năng suất lúa cộng dồn của các nghiệm thức bón P qua 11 vụ (4 vụ XH + 3 vụ HT + 4 vụ ĐX), bắt đầu từ vụ XH năm 2011 và kết thúc là vụ ĐX 2014 - 2015 được sắp xếp theo thứ tự giảm dần như sau: P (bón liên tục qua 11 vụ) > P (tồn dư 1 vụ) > P (tồn dư 2 vụ) > P (tồn dư 3 vụ) > P (tồn dư 4 vụ) > P (tồn dư -11 vụ). Nghĩa là ở công thức có nhiều vụ không bón P thì năng suất giảm nhiều nhất.
Về kali: Kali ảnh hưởng không rõ tới năng suất lúa, kết quả nhận thấy chiều hướng giống nhau ở cả 2 cơ cấu 3 vụ lúa trên đất phù sa tây Sông Hậu và 2 vụ lúa trên vùng đất phèn của tỉnh Hậu Giang.
Từ kết quả nói trên có thể tóm tắt là ở vùng ĐBSCL do P được bón tích lũy trong nhiều vụ với liều lượng cao, nên trong vùng đất phù sa và cả vùng đất phèn đã được cải tạo trồng lúa nhiều vụ thì trong đất đã chứa khá nhiều P tổng số, nên lượng P bón bổ sung không cần nhiều.
Vì vậy, trong 3 yếu tố N-P-K thì lượng N cần bón đủ theo khuyến cáo, lượng P cần giảm xuống chỉ bón khoảng khoảng 100 - 150kg super hay lân nung chảy/ha/vụ (khoảng 20 - 25kg P205/ha/vụ), hoặc 1 vụ bón P, 1 vụ khác nghĩ không bón P. Còn kali thì trên các loại đất này có thể không cần bón, hoặc sau 4 - 5 vụ bón lại 1 lần là vừa, lượng bón khoảng 1 bao kali/ha/vụ, không cần bón nhiều hơn.
Trên diện tích rộng do có nhiều đơn vị đất đai mà đặc điểm hóa lý khá phức tạp thì khi chế loại phân NPK vẫn cần bổ sung một ít P và K để bảo đảm tính an toàn tuyệt đốí và bền vững cho người sản xuất. Còn chất N chỉ cần bón trong khoảng 80 - 100kg N/ha tùy đất và tỳ thời vụ (1kg N tương đương 2,17kg ure).