Nỗ lực phòng trừ bệnh trắng lá mía ở Ia Pa
11:08 - 16/08/2016
Là huyện được xem là khó khăn nhất của tỉnh Gia Lai, nông dân huyện Ia Pa chủ yếu thu nhập từ hai loại cây trồng là mía và sắn. Tuy nhiên thời gian gần đây, nhiều ruộng bị nhiễm bệnh trắng lá mía, nguy cơ ảnh hưởng lớn đến năng suất và thu nhập của nông dân.
Cánh đồng mía bị bệnh trắng lá ở huyện Ia Pa (Gia Lai)


Nông dân Kpăh Khanh (xã Pờ Tó, huyện Ia Pa) cho biết, vụ mía năm nay, gia đình ông trồng được hơn 3,5ha. Thời gian đầu, ruộng phát triển bình thường như mọi năm. Tuy nhiên sau đó, gần một nửa diện tích nói trên bị nhiễm bệnh trắng lá.

Mặc dù đã báo với Hội Nông dân xã, huyện, đã được cán bộ nông nghiệp của huyện hướng dẫn các biện pháp khắc phục nhưng vẫn chưa có hiệu quả. "Chắc là phải phá bỏ ruộng mía để trồng lại thôi!", ông Khanh nói với vẻ chua xót.
 

Cũng ở xã Pờ Tó, gia đình ông Nguyễn Văn Đệ (thôn 3) có 6ha mía. Ông Đệ đặt rất nhiều kỳ vọng vào diện tích mía này như sửa nhà, chuẩn bị cho con đi học. Ấy vậy mà cách đây mấy hôm, ra thăm ruộng, ông vô cũng bàng hoàng khi 3/6ha mía nhà ông đã bị nhiễm bệnh trắng lá.

Ông Đệ cho biết, mặc dù đã áp dụng nhiều biện pháp xử lý như phun thuốc, bón phân nhưng vẫn không thể cứu vãn. Ông nói: "Đành phải phá bỏ thôi chú ơi. May mà năm nay chưa muộn nên vẫn còn kịp trồng lại được".
 

Phá bỏ, là biện pháp mà không ít nông dân ở xã Pờ Tó này đã làm trong mấy ngày qua, bởi ruộng mía của gia đình họ bị nhiễm bệnh trắng lá. Với những diện tích bị nhiễm nhẹ, năng suất sẽ bị giảm từ 30 - 40%. Còn nếu bị nặng, buộc phải phá bỏ thì nông dân thiệt hại từ 25 - 30 triệu đồng/ha. Số tiền hoàn toàn không nhỏ với nông dân nơi đây.
 

Chia tay với những cánh đồng mía... trắng của xã Pờ Tó, chúng tôi đến với đồng mía ở xã Kim Tân. Ông Trương Minh Khang, Chủ tịch UBND xã này cho biết, người dân trong xã chủ yếu phát triển kinh tế nông nghiệp bằng hai loại cây là mía và sắn.

Tuy nhiên ngay từ đầu vụ đến nay, đã có khoảng 300ha mía của xã bị nhiễm bệnh trắng lá. Đến thời điểm này, cơ bản nông dân đã khống chế được bệnh. Với những diện tích bị nặng, chủ ruộng đã cày bỏ và trồng lại cây trồng khác, nhằm vớt vát phần nào thiệt hại.
 

Báo cáo từ Trạm Trồng trọt và bảo vệ thực vật huyện Ia Pa cho biết, từ đầu vụ đến nay, toàn huyện có gần 1.300ha mía bị nhiễm bệnh trắng lá, trong đó trên 570ha mía lưu gốc và 150ha mía tơ. Diện tích mía bị nhiễm bệnh trắng lá tập trung chủ yếu ở các xã như Kim Tân, Pờ Tó, Chư Răng, Ama Rơn...

Tỷ lệ bị nhiễm 1 - 29% khoảng 550ha, tỷ lệ nhiễm 30 - 60% chiếm gần 120ha, tỷ lệ nhiễm trên 60% khoảng 60ha. Với những diện tích bị nhiễm nhẹ, nông dân đã xử lý tương đối sạch bệnh khoảng 280ha. Riêng 96ha bị nhiễm nặng, nông dân đã phải cày phá bỏ hoàn toàn, trồng lại loại cây trồng khác. Khoảng 350ha còn lại, cơ quan chuyên môn và chủ ruộng đang tiếp tục triển khai các biện pháp xử lý khống chế bệnh.
 

Ông Nay Phul, cán bộ Trạm Trồng trọt và bảo vệ thực vật huyện Ia Pa cho biết, sau khi phát hiện bệnh trắng lá mía trên địa bàn huyện, trạm đã cử cán bộ về từng chân ruộng bị bệnh nắm bắt tình hình, hướng dẫn nông dân các biện pháp xử lý bệnh.

Đối với bệnh trắng lá mía, hiện chưa có thuốc đặc trị nên ngành nông nghiệp huyện hướng dẫn nông dân các biện pháp phòng trừ là chính. Với những diện tích mía đang thời cây con, bị nhiễm bệnh nhẹ (từ 1 - 29%), trạm hướng dẫn nông dân nhổ tiêu hủy, rắc vôi bột vào hốc những cây bị bệnh để tránh lây lan, Còn với những diện tích mía bị nhiễm nặng (30% trở lên), cần tiến hành cày tiêu hủy, sau đó luân canh 1 - 2 năm bằng các loại cây trồng khác trước khi trồng lại mía. Đặc biệt, nông dân tuyệt đối không được sử dụng hom giống ở những ruộng bị bệnh làm giống cho vụ sau.
 

Những nỗ lực của ngành nông nghiệp cũng như chính quyền địa phương huyện Ia Pa, phần nào đã giảm bớt nỗi lo của nông dân. Tuy nhiên nếu không quyết liệt thì nguy cơ trắng đồng trên những ruộng mía là rất lớn. Theo đó, nông dân Ia Pa cũng sẽ phải chịu một vụ mía... trắng tay.

Biểu hiện của bệnh trắng lá mía là tất cả các lá trên cây đều bị trắng, có biểu hiện bị hoại tử từ đầu mép trở vào. Trên nền trắng có các vết màu đỏ. Cây bị bệnh còi cọc, sau đó lụi dần và chết.

Tại vựa mía Ia Pa, bệnh trắng lá mía xuất hiện từ niên vụ 2012 - 2013. Ban đầu chỉ với diện tích vài héc- ta, sau đó phát triển mạnh qua các năm. Nguyên nhân bệnh lây lan nhanh và phát triển mạnh là do nông dân còn chủ quan, thiếu hiểu biết trong khâu chọn giống. Có người sau khi cày bỏ diện tích mía bị bệnh, tiếp tục trồng lại ngay vụ tiếp theo, làm cho mầm bệnh không được giải quyết triệt để.


Nguồn: NNVN
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo