|
Ứng dụng CNTT trong trồng dưa lưới sẽ giúp tối ưu hóa năng suất thu hoạch |
Có thể nói, CNTT đã đi vào mọi ngõ ngách của đời sống xã hội. Trong ngành nông nghiệp, các chuyên gia nhận định, khi CNTT kết hợp với điện tử, viễn thông, tự động hóa sẽ tạo ra các hệ thống tự động tính toán nhu cầu nước, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và các vật tư khác một cách chính xác, điều hành cung cấp các loại vật tư vừa đủ cho cây trồng, vật nuôi bằng các thiết bị tự động để nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm dư lượng các chất độc hại.
Bên cạnh đó, CNTT sẽ thực hiện các bài toán dự báo lũ, mực nước các hồ chứa, ngập lụt ở hạ du do mưa và xả lũ gây ra, ngập lụt vùng ven biển do nước biển dâng; dự báo về dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi; dự báo thị trường nông sản…
Đặc biệt, CNTT kết hợp với công nghệ viễn thám tạo thành các hệ thống thông tin cho phép theo dõi tiến độ mùa vụ, xác định từng giai đoạn sinh trưởng của cây trồng, từ đó tính đúng, đủ nhu cầu nước, phân bón các loại, đánh giá mức độ nhạy cảm của cây trồng với những loại sâu bệnh, đưa ra dự báo sâu bệnh, từ đó giúp người dân chủ động được việc chăm sóc, phòng trừ hiệu quả.
Những năm qua, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã xây dựng thí điểm hơn 300 mô hình ứng dụng CNTT của nông dân tại các xã, phường với hơn 3.000 thành viên được tập huấn, đào tạo sử dụng máy vi tính và khai thác, sử dụng mạng internet.
Dự án “Ứng dụng công nghệ thông tin cho cán bộ, đoàn thể và nông dân” được triển khai rộng khắp và bước đầu mang lại nhiều kết quả khả quan. Tại 71 xã thuộc địa bàn nông thôn tỉnh Cà Mau để cung cấp kiến thức về khoa học công nghệ phục vụ sản xuất, mỗi năm tỉnh này có trên 100.000 hộ đạt danh hiệu Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, mức thu nhập bình quân từ 60 - 300 triệu đồng/hộ/năm, có hộ đạt trên 1 tỷ đồng/năm.
Xác định thế mạnh của mình huyện Yên Thế (Bắc Giang) đã lựa chọn 06 cây và 04 con để xây dựng chương trình phát triển nông - lâm nghiệp hàng hóa, trong đó tập trung chủ đạo là chăn nuôi gà đồi và phát triển cây chè chất lượng cao. Riêng sản phẩm “gà đồi Yên Thế”, mỗi năm cung ứng ra thị trường từ 13-15 triệu con gà đồi thương phẩm, giá trị sản xuất ước đạt 1.300 tỷ đồng.
Kết quả trên có sự đóng góp quan trọng, kịp thời và hiệu quả của CNTT. Cụ thể, thời gian qua, Yên Thế đã tập trung chỉ đạo ứng dụng CNTT vào sản xuất, kinh doanh và quảng bá các sản phẩm tiêu biểu của địa phương và đạt được kết quả đáng khích lệ. Đường cáp quang đã kéo đến 212/212 thôn, bản, phố trên địa bàn, đáp ứng được nhu cầu sử dụng các dịch vụ viễn thông của nhân dân.
Ứng dụng CNTT trong nông nghiệp, nông thôn kết quả bước đầu là vậy, nhưng trên thực tế vẫn còn nhiều bộ, ngành, doanh nghiệp và người dân chưa nhận thức đúng vai trò của CNTT, đa phần chỉ coi CNTT là một công cụ được sử dụng đơn lẻ, manh mún, chỗ nào mạnh thì triển khai, chỗ nào yếu thì không áp dụng, thiếu tính kết nối đa chiều, đa lĩnh vực.
CNTT không tác động trực tiếp lên giá trị sản phẩm nông nghiệp, nhưng tác động gián tiếp và đem lại lợi ích lâu dài nếu áp dụng vào sản xuất, phân phối sản phẩm một cách hệ thống, đúng hướng, kết quả thu được là rất lớn, nó không dừng lại ở việc tăng giá trị sản phẩm hay tăng năng suất lao động. Hiện nay, nước ta đang thiếu một định hướng lâu dài, quy hoạch đồng bộ để phát triển và ứng dụng CNTT cho nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Bên cạnh đó, cơ sở vật chất, mức độ đầu tư cho công nghệ thông tin còn hạn chế nên việc quản lý, vận hành hệ thống mạng còn nhiều khó khăn. Nguồn lực cho CNTT còn hạn chế, chủ yếu trông vào ngân sách, nhưng chưa có mục lục ngân sách riêng lại trong bối cảnh suy thoái kinh tế, nguồn lực cho CNTT vừa thiếu, vừa chậm. Mặt khác chưa vận động được doanh nghiệp đầu tư xã hội hóa trong lĩnh vực này.
Vì vậy, để ứng dụng thành công CNTT vào tái cấu trúc ngành ngành nông nghiệp Chính phủ, bộ ngành, cấp ủy chính quyền địa phương cần tăng cường chỉ đạo công tác tuyên truyền về ứng dụng CNTT vào sản xuất NN và đảm bảo an toàn thực phẩm.
Để đáp ứng nhu cầu ứng dụng công nghệ thông tin rộng rãi trong nhân dân phục vụ phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn, Nhà nước cần đầu tư hạ tầng CNTT đồng bộ từ thành thị đến nông thôn; hỗ trợ các làng nghề, vùng sản xuất hàng hóa tập trung, hộ sản xuất kinh doanh giỏi ứng dụng CNTT trong việc quản lý hàng hóa, dịch vụ cũng như quảng bá các sản phẩm của mình trên internet.
Cần có cơ chế chính sách hỗ trợ các địa phương, các cấp, ngành để tăng cường công tác đào tạo, tấp huấn CNTT giúp nông dân nâng cao trình độ sử dụng, khai thác thông tin hữu ích trên mạng internet phục vụ phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới. Vì hiện nay, số hộ biết sử dụng CNTT còn rất ít, mới chiếm 30-40%.
Chính phủ và các bộ, ngành tiếp tục quan tâm, ban hành chủ trương, cơ chế, chính sách hỗ trợ nông dân ứng dụng CNTT vào sản xuất và đời sống; doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ công nghệ thông tin có gói cước riêng cho nông dân bằng 50% giá bình quân, như “gói cước thông tin di động dành cho 25 triệu lao động nông nghiệp”, gói cước internet,…
Bộ Thông tin và Truyền thông cần tích cực hơn nữa trong việc phối hợp với các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ thúc đẩy ứng dụng CNTT trong các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế, trong đó có nông nghiệp. Đồng thời kêu gọi, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tiếp tục nghiên cứu, xây dựng, triển khai và nhân rộng các mô hình giải pháp mới về ứng dụng CNTT trong nông nghiệp.