Nuôi nhốt chim bồ câu cho hiệu quả kinh tế cao
09:36 - 29/08/2016
(TNNN) - Hiện nay, nhiều gia đình tại Việt Nam rất ưa chuộng mô hình nuôi chim bồ câu bởi đây là loại chim dễ nuôi mà lại có thể mang lại hiệu quả kinh tế cao. 
 

Mô hình nuôi nhốt chim bồ câu khá phổ biến hiện nay



Cũng giống như nuôi các loài vật nuôi khác, nơi ở phải rộng thì chim bồ câu mới có đủ không gian sống, hoạt động và phát triển một cách khỏe mạnh. Cho dù là nuôi chim thả tự do hay cách nuôi chim bồ câu nhốt thì cũng cần phải có chuồng để chúng ra vào trú ngụ và đẻ trứng.


Để có một chiếc chuồng phù hợp, bà con có thể mua sẵn các loại chuồng sắt, chuồng gỗ hay tự tay đóng chuồng bằng nan tre ghép lại. Dù là loại chuồng bồ câu nào đi chăng nữa thì nó cũng phải thỏa mãn đủ các tiêu chí cần thiết cho sự phát triển tự nhiên của chim. Do vậy, bà con cần lưu ý các vấn đề sau: Chuồng được thiết kế thông thoáng, sạch sẽ, có nơi để ánh mặt trời chiếu vào.




 Các cặp chim bồ câu không nên cùng chung sống với nhau, như thế sẽ làm giảm hiệu quả sinh sản. Đó là lý do mà chuồng chim bồ câu cần phải chia thành nhiều ngăn nhỏ với kích thước phù hợp cho mỗi cặp chim. Thường thì các ô này sẽ có kích thước chuẩn là cao 40 cm, rộng 50 cm và sâu 40 cm; Trong mỗi ô được chia nhỏ, bạn cần sắp đặt hai ổ, một là ổ để chim đẻ và ấp trứng, hai là ổ để chim nuôi con.



Máng để thức ăn và nước uống cho chim bồ câu nên được thiết kế bằng gỗ hoặc chất liệu nhựa dẻo để đảm bảo vệ sinh và tránh làm tổn thương cho chim. Ổ nuôi chim sinh sản (dành cho một cặp chim trên 6 tháng tuổi) có kích thước cao x sâu x rộng là 40 cm x 40 cm x 50 cm.



Chuồng nuôi chim tiền sinh sản (từ 2 - 6 tháng tuổi) có kích thước cao x sâu x rộng là 5,5 m x 6 m x 3,5 m. Chuồng nuôi chim để thịt (nuôi đến khoảng 21 - 30 ngày tuổi) có kích thước cao x sâu x rộng là 40 cm x 60 cm x 50 cm với mật độ khoảng 45 - 50 con/m2; Ổ đẻ cho chim sinh sản có đường kính từ 20 - 25 cm và cao khoảng 7 - 8 cm.



Cũng giống như việc trồng cây, nếu trồng các cây quá gần nhau thì chúng sẽ chậm lớn, chim bồ câu cũng vậy, trong tình trạng nuôi nhốt, nếu bạn để mật độ chim quá dày thì chúng sẽ không có đủ điều kiện phát triển tốt dẫn đến còi cọc, chậm lớn và hiệu quả kinh tế không cao.Theo khuyến cáo của các chuyên gia thì chỉ nên nuôi nhốt chim theo cặp trong mỗi ô tiêu chuẩn (như đã nói ở phần trên), còn nếu nuôi thả trong chuồng thì chỉ nên để khoảng 6 - 8 con/m2 đối với chim sinh sản và khoảng 10 - 14 con/m2 đối với chim dò (chim dò là chim non sau khi tách mẹ).



Về phần thức ăn, chim bồ câu ưa chuộng các loại thức ăn như ngô, thóc, gạo, đậu xanh, đỗ tương... Lượng thức ăn không cố định, tùy thuộc vào nhu cầu dinh dưỡng trong mỗi giai đoạn phát triển của chúng. Để việc nuôi chim trở nên quy củ hơn, bạn nên rèn thói quen cho chúng ăn vào một giờ quy định nào đó, thường là cho ăn hai lần vào 6 - 7 giờ sáng và 1 - 2 giờ chiều. Trong những khoảng thời gian khác, nếu được thả tự do, chim bồ câu hoàn toàn có thể tự kiếm ăn thêm ở ngoài tự nhiên.



Ngoài các loại thức ăn chính được liệt kê ở trên thì cũng nên bổ sung thêm cho chim bồ câu các loại chất khoáng theo công thức pha trộn 85% khoáng Premix, 5% muối ăn và 5% sỏi nhuyễn.Bên cạnh thức ăn là nước uống. Riêng khoản này thì cần phải đảm bảo vệ sinh tuyệt đối bằng cách cho chim uống nước sạch pha lẫn vitamin và nước được thay đều đặn, thường xuyên.


 

Cách nuôi chim bồ câu nhốt hiệu quả nhờ việc phòng và trị bệnh: Mặc dù chim bồ câu là loại chim khỏe mạnh có sức đề kháng rất tốt nhưng không nên vì thế mà lơ là khâu chăm sóc và phòng trị bệnh cho chúng. Để làm được điều đó thì trước hết là phải tạo cho chúng một môi trường phát triển tốt, không gian thông thoáng, thoải mái, thức ăn đầy đủ cả về lượng và chất.



Ngoài ra thì khâu chăm sóc, phòng trị bệnh cho chim bồ câu cũng cần lưu tâm đến một số hoạt động sau: Đăng ký tiêm vắc xin 3 lần trong giai đoạn phát triển để phòng bệnh cho chim; Tiến hành vệ sinh chuồng chim, phun thuốc sát trùng định kỳ khoảng 2 - 3 tháng một lần để tiêu diệt mầm bệnh.




Đồng thời là sửa chữa những chỗ hư hỏng của chuồng (nếu có); Vệ sinh máng chứa thức ăn, nước uống mỗi ngày; Không cho chim bồ câu lạ vào chuồng để tránh lây lan mầm bệnh; không cho các loại động vật khác như chó, mèo, chuột... đến gần tấn công chim.



Theo dõi trạng thái của chim thường xuyên để nhanh chóng phát hiện các dấu hiệu của bệnh kẹt trứng, bệnh cầu trùng, đậu mùa, bệnh đường hô hấp, hay bệnh herpes... Nếu chim có dấu hiệu bệnh thì phải nhanh chóng nhờ đến sự hỗ trợ của cơ sở thú ý để điều trị kịp thời. Trên đây là chi tiết cách nuôi chim bồ câu nhốt hiệu quả giúp mang lại hiệu suất kinh tế cao. 
 

Bùi Ly
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo