Thâm canh sắn bền vững tại Gia Lai
17:25 - 28/11/2016
Tây Nguyên có diện tích trồng sắn lớn thứ hai cả nước. Chỉ tính riêng tại tỉnh Gia Lai, diện tích trồng sắn đã lên đến hàng chục ngàn ha tập trung ở các huyện như Kbang, Kông Chro, Iagrai, Krông Pa và An Khê.
Giống sắn mới trồng tại mô hình cho năng suất cao

Cây sắn không chỉ giữ vai trò là cây lương thực, cây thức ăn gia súc mà còn là cây trồng xóa đói giảm nghèo cho nhiều hộ nông dân. Trước đây người dân vẫn quan niệm sắn dễ trồng, không kén đất, nên ít đầu tư chăm sóc, chủ yếu trồng trên đất dốc nghèo dinh dưỡng với các giống sắn địa phương và giống đã thoái hóa như gòn, Ấn Độ, mỳ nhật, lá tre, KM94; năng suất chỉ đạt từ 12 - 20 tấn/ha.

Để thay đổi nhận thức và nâng cao trình độ, kỹ năng cho người trồng sắn theo hướng thâm canh bền vững tại Gia Lai, trên cơ sở áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật, năm 2016 Trung tâm Nghiên cứu Thực nghiệm Nông nghiệp Hưng Lộc đã triển khai dự án “Xây dựng và nhân rộng mô hình trồng giống sắn mới và thâm canh bền vững tại vùng nguyên liệu của nhà máy chế biến” tại xã Cửu An, TX An Khê.

Quy mô sản xuất 15ha, số hộ tham gia mô hình 30 hộ, các giống sắn tham gia mô hình gồm KM 140, KM 419, HL-S10, HL-S11. Các hộ tham gia được hỗ trợ 100% giống sắn; giống cây trồng xen (lạc, đậu xanh, hạt cỏ Paspalum); hỗ trợ 50% vật tư, phân bón, thuốc BVTV (50% còn lại do người tham gia tự nguyện đóng góp).

Dự án đã tổ chức 1 lớp tập huấn cho các hộ tham gia mô hình; 1 lớp tập huấn cho các hộ ngoài mô hình; cử cán bộ kỹ thuật hướng dẫn, chỉ đạo theo đúng quy trình kỹ thuật; tổ chức 1 hội nghị sơ kết mô hình. Ngoài ra còn xây dựng các pano quảng cáo, phát quy trình canh tác sắn, giới thiệu mô hình trên báo, đài.

Kỹ thuật trồng xen canh được áp dụng triệt để. Cụ thể đối với đất bằng (độ dốc <8%) trồng xen 1 hàng lạc hoặc đậu xanh giữa 2 hàng sắn. Trên đất dốc (>15%) được trồng cỏ Paspalum làm hàng rào chắn theo đường đồng mức, khoảng cách giữa các băng cỏ 10 - 20m để chống xói mòn, đồng thời làm thức ăn cho gia súc.

Mô hình được triển khai trồng từ tháng 5/2016 đến nay mới đạt 6 tháng. Tuy nhiên, qua kiểm tra đánh giá sơ bộ một số mô hình tại hộ nông dân, chúng tôi nhận thấy các mô hình trồng giống sắn mới kết hợp với thâm canh bền vững cho kết quả rất khả quan:

- Các cây họ đậu trồng xen giúp tiết kiệm được công làm cỏ, đồng thời giảm xói mòn đất ở giai đoạn 3 tháng đầu khi sắn chưa khép tán. Sau 3 tháng cây trồng xen cho thu hoạch từ 1,6 - 1,8 tấn quả khô/ha. Phần thân lá được khuyến cáo để tủ lại trong đất nhằm cải thiện dinh dưỡng cho đất.

- Các giống sắn mới thích hợp với điều kiện sinh thái của đồng đất Gia Lai, cây sinh trưởng, phát triển tốt, chưa thấy hiện tượng sâu bệnh rệp sáp bột hồng và chổi rồng như những năm trước.

- Dự kiến khi sắn sẽ thu hoạch vào khoảng tháng 3/2017, năng suất ước đạt 30 - 35 tấn/ha với giá bán hiện tại 1.000 đ/kg, thu được 35 triệu đồng/ha. Ngoài phần thu từ sắn, mô hình có thể thu thêm 6 triệu đồng/ha từ cây trồng xen. Như vậy lợi nhuận 1ha mô hình thâm canh sắn có thể đạt 41 triệu đồng, vượt 50 - 64% so với mô hình trồng thuần giống KM94 (25 tấn/ha).

Trên địa bàn của tỉnh Gia Lai tập trung khá nhiều NM chế biến tinh bột sắn, hiện 3 NM lớn nhất đặt tại các TX An Khê, huyện Krôngpa và huyện Mang Yang, tổng công suất chế biến 550.000 tấn sắn củ/năm, sẽ là những địa chỉ tiêu thụ sắn ổn định cho nông dân.

Với chủ trương của tỉnh không tăng diện tích trồng sắn thì việc áp dụng giống mới cùng với kỹ thuật thâm canh bền vững cho năng suất cao sẽ tạo được vùng nguyên liệu sắn ổn định cho các nhà máy sắn.

 

THANH BÌNH
Nguồn: NNVN
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo