Anh Lê Văn Tọa ở đội 4, thôn Hương Quất, xã Thành Công, huyện Khoái Châu (Hưng Yên) là người kế thừa bí quyết chế thuốc trừ sâu “uống được” của thân sinh đã quá cố - lão nông Lê Văn Đáo.
|
Sử dụng thuốc BVTV tự chế trên rau cải bắp cực sớm |
Sau khi cha mất, anh Tọa đã dồn đổi lại ruộng canh tác của gia đình cho gọn vùng liền khoảnh để tiện cấy lúa, trồng rau an toàn và tiếp tục thử nghiệm thuốc trừ sâu “uống được” của thân sinh để lại.
Vì không muốn làm ồn ào dư luận, anh Tọa đã chọn cách âm thầm điều chế lại thuốc trừ sâu “uống được” từ 20 loại thảo mộc khác nhau gồm: tỏi, gừng, ớt, sả, giềng củ, cồn 60 độ… Sau đó thử nghiệm phun trừ sâu bệnh trên các ruộng lúa, vườn rau của gia đình.
Kết quả, hơn 2 năm sử dụng thuốc trừ sâu thảo mộc tự chế, các ruộng rau trồng, lúa cấy của anh Tọa vẫn đảm bảo an toàn dịch bệnh, mà không phải sử dụng bất kỳ loại thuốc hóa học nào khác.
Bã thuốc thải ra từ chế thuốc sâu thảo mộc, khi trộn đều với vôi bột bón lót cho lúa, rau màu và cây ăn quả, đã giúp phòng ngừa khá hiệu quả một số dịch hại cây trồng như ốc bươu vàng, sâu xám, rầy rệp…Nhờ vậy, rau quả sản xuất ra từ gia đình anh Tọa luôn bán được giá cao sản phẩm cùng loại trên thị trường, sản xuất không đáp ứng kịp hợp đồng với thương lái. Có một vài cá nhân buôn bán nhỏ lẻ, đã mượn danh “rau nhà Tọa” để trục lợi.
Theo anh Tọa, để phòng trừ hiệu quả sâu bệnh hại lúa và rau quả bằng thuốc trừ sâu tự chế từ gia đình anh, các nhà nông cần chú ý:
Phun thuốc định kỳ 10 ngày/lần, ngay từ khi cây con bén rễ hồi xanh đến trước thu hoạch nông phẩm 10 ngày. Liều lượng sử dụng 150ml pha cho bình 16 lít nước sạch với ớt và bắp cải, 200ml/ bình 16 lít nước sạch cho cây lúa.
Chú ý pha thuốc đúng liều lượng nồng độ. Phun thuốc pha nồng độ quá cao sẽ làm cháy lá cây. Phun nồng độ quá loãng, thuốc sẽ không phát huy được hiệu quả.
Sử dụng thuốc BVTV tự chế trên rau cải bắp cực sớm
Khi sâu bệnh xuất hiện với mật độ cao cần phun kép 2 lần cách nhau 3 - 4 ngày.
Phòng trừ sớm khi sâu non tuổi 1, tuổi 2 và khi vết bệnh mới xuất hiện.
Sử dụng thuốc thảo mộc vẫn phải tuân thủ các biện pháp phòng trừ sâu bệnh tổng hợp như:
Trồng rau trên đất cát pha, thịt nhẹ.
Sử dụng cây giống khỏe, sạch bệnh.
Bón đủ lượng phân hữu cơ hoai mục hoặc phân hữu cơ vi sinh.
Tăng cường bón tro bếp. Bón cân đối đạm, lân, kali.
Tiêu hủy sạch tàn dư thực vật sau mỗi vụ thu hoạch sản phẩm.
Trồng luân canh, xen canh cây rau với các cây khác họ để giảm thiểu sâu bệnh hại.
Thăm đồng thường xuyên, phát hiện phòng trừ kịp thời các đối tượng dịch hại.
Sau 2 - 3 vụ thu hoạch rau liên tục, cần bơm nước ngập ruộng, rải 20 - 30kg vôi bột, bừa đan trộn đều vôi trong đất, ngâm ruộng 5 - 7 ngày, rút kiệt nước, phơi ruộng, làm đất, trồng rau trở lại.
Anh Tọa cho biết, sử dụng thuốc trừ sâu thảo mộc của gia đình anh có thể sẽ tăng chi phí bảo vệ thực vật khoảng 25 - 30% so với sử dụng thuốc hóa học. Nhưng rau bán được giá cao hơn, sẽ bù đắp đủ phần tăng chi cho dùng thuốc thảo thảo mộc. Sản phẩm an toàn cho người sử dụng. Sản xuất thân thiện với môi trường.
Để gia tăng giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích tác, anh Tọa thường mở rộng diện tích gieo trồng các loại rau trái vụ, giáp vụ.
Bằng cách làm này, mỗi năm gia đình anh Tọa đã thu được gần 200 triệu đồng từ 7 sào chuyên rau bắp cải và ớt cay.
Có nhiều người đã mua thuốc trừ sâu “uống được” của gia đình anh Tọa, thường là được anh cho không thuốc dùng thử nghiệm, có hiệu quả anh mới bán lấy tiền.
Qua thực tế tự chế thuốc trừ sâu thảo mộc, sử dụng hiệu quả tại gia đình anh Lê Văn Tọa, chúng tôi thấy trong sản xuất cánh đồng lớn, khi sâu bệnh có nguy cơ bùng phát dịch bệnh cao, vẫn có thể phải dùng thuốc hóa học đặc hiệu để dập dịch. Nhưng thuốc trừ sâu “uống được” nhà anh Tọa vẫn hữu ích trong phòng trừ sâu bệnh tổng hợp (IPM) trên cây trồng. Đặc biệt là với các vườn rau trồng trong vườn nhà, khuôn viên gia đình... |