Vài kỹ thuật khôi phục vườn cà phê sau hạn hán
22:20 - 30/06/2016
Đợt hạn hán khốc liệt nhất chưa từng có từ trước đến nay đã khiến 110.766ha cây công nghiệp, cây ăn quả trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên bị ảnh hưởng nặng nề, trong đó mất trắng 7.586ha. Hiện, việc khôi phục diện tích cây trồng, đặc biệt là cà phê, đang được các địa phương chú trọng.
 

Theo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, để khôi phục  sản xuất đối với các diện tích càphê bị thiệt hại do hạn hán, cần áp dụng cho từng vườn cây cụ thể, căn cứ theo mức độ thiệt hại.

Đối với diện tích cà phê bị khô chết toàn bộ cành cơ bản: Giải pháp duy nhất là cưa đốn phục hồi. Vào đầu mùa mưa, tiến hành cưa bỏ toàn bộ thân cây cách mặt đất 30 - 40cm, sau đó nuôi từ 1-2 chồi/gốc để thay thế cho thân cũ bị cắt bỏ, hoặc có thể tiến hành ghép bằng các dòng vô tính khác có năng suất, chất lượng tốt hơn nhằm cải tạo lại vườn cây. Sau  khi cưa xong, đưa toàn bộ thân cành ra khỏi lô, tiến hành cày bừa giữa hai hàng cà phê ở độ sâu khoảng 25-30cm để trồng cây ngắn ngày nhằm tăng thêm thu nhập; trồng bổ sung cây che bóng cho vườn cây bằng các loại cây ăn trái như sầu riêng, bơ,…

Đối với diện tích cà phê chỉ bị khô chết những cành thứ cấp, nhưng cành cơ bản vẫn còn khả năng tái sinh: Do phần lớn những cành thứ cấp mang quả đều bị khô héo, hoặc chết nên sản lượng bị giảm sút nghiêm trọng hoặc không có khả năng cho sản lượng trong vụ tới. Vì vậy, đối với những diện tích cà phê đã có tuổi đời trên 20 năm nên áp dụng biện pháp cưa đốn phục hồi, hoặc cưa ghép cải tạo bằng các dòng cà phê vối mới. Đối với những diện tích cà phê dưới 20 năm tuổi thì sau 1-2 cơn mưa đầu, lá non hoặc chồi non sẽ phát triển, dễ phân biệt các cành bị khô chết và cành còn khả năng tái sinh. Tiến hành cắt bỏ những cành khô, những đoạn cành cơ bản quá già nằm xa thân chính để tái tạo bộ tán mới.

Đối với diện tích cà phê chỉ bị rụng lá, khô quả: Phần lớn những diện tích này chỉ bị thiếu hụt nước tưới vào giai đoạn cuối mùa khô, hoặc ở  vườn cây không có cây che bóng. Do quả bị khô chết nên tại các đốt đó sẽ phát sinh ra nhiều cành thứ cấp, vì vậy, trong những tháng mùa mưa, cần thường xuyên vặt tỉa bớt các cành thứ cấp này, đặc biệt là những cành trên đỉnh tán, tạo sự thông thoáng cho cây, hạn chế sâu bệnh hại. Trồng bổ sung kịp thời cây che bóng vào đầu mùa mưa.

Đối với vườn cà phê không bị ảnh hưởng nhiều do khô hạn, bà con cần lưu ý một số vấn đề sau:

Phòng trừ sâu, bệnh: Rệp vẩy xanh và rệp sáp thường phát triển rất mạnh trong những tháng mùa khô và sau đó giảm dần trong những tháng mùa mưa khi thiên địch (các loại côn trùng ăn thịt rệp) xuất hiện nhiều. Rệp chích hút nhựa ở trên những đoạn thân, cành non của cây làm cho cây bị suy yếu. Rệp phát triển luôn kèm theo sự có mặt của kiến và bệnh muội đen khiến cây không quang hợp được. Vì vậy, trong những tháng mùa khô, phải thường xuyên kiểm tra vườn cây để kịp thời có biện pháp phòng trừ rệp. Có thể sử dụng một trong các loại thuốc như Supracide, Sumithion, Ofatox...

Bón phân: Chỉ bón phân sau khi đã có một vài trận mưa lớn, đất đủ ẩm. Đối với phân lân nên bón một lần vào đầu mùa mưa với lượng từ 500 - 800kg/ha, bằng cách rải đều trên mặt đất. Riêng đối với phân đạm và kali, có thể trộn chung với nhau để bón. Trước khi bón, đào rãnh xung quanh mép tán lá rộng khoảng 20cm, sâu 10cm, sau đó rải phân đều  xung quanh rãnh rồi lấp đất trở lại. Trong điều kiện ở Tây Nguyên, do mưa lớn và tập trung trong một số tháng, để hạn chế sự rửa trôi, đồng thời tiết kiệm được công lao động, nên sử dụng các loại phân bón viên tổng hợp chuyên dùng cho cà phê như NPK 16-8-16-13S; NPK 16-8-18 +7S+ B2O3 +TE… với lượng khoảng 1.500 - 1.800kg/ha, bón làm 3 - 4 lần trong những tháng mùa mưa.

Đánh bỏ chồi vượt và rong tỉa cây che bóng để cây tập trung chất dinh dưỡng nuôi những cành mang quả.

Theo TS.Trương Hồng, Viện Khoa học Kỹ thuật nông - lâm nghiệp Tây Nguyên, thời điểm cưa đốn vườn cây bị ảnh hưởng nặng nên bắt đầu ngay trong tháng 5, cưa càng sớm càng tốt để tranh thủ thời gian dài trong mùa mưa giúp cây sinh trưởng tốt và  sớm cho quả.

Kỹ thuật cưa: Cưa cách mặt đất từ 35 - 40cm và nghiêng khoảng 40-45 độ.  Sau khi cưa đốn phục hồi thì áp dụng chế độ cải tạo hệ thống rễ, trồng xen cải tạo đất, nuôi chồi, tạo hình, bón phân, phòng trừ sâu bệnh theo quy trình đã khuyến cáo. Đối với chế độ tạo hình đơn thân có hãm ngọn nên nuôi 2 chồi phân bố đều 2 bên gốc và cách vết cưa khoảng 10cm. Đối với chế độ tạo hình đa thân không hãm ngọn nuôi từ 4-5 chồi và phân bố đều quanh gốc ghép.

Trường hợp ghép cải tạo khi vườn cà phê có bộ giống không tốt thì việc ghép cải tạo thay giống tốt nhất đối với vườn cà phê nhỏ hơn 20 năm tuổi, cây sinh trưởng khỏe. Sau khi cưa, chọn chồi khỏe và nuôi ở vị trí cách vết cưa khoảng 10cm. Số lượng chồi nuôi làm gốc ghép từ 4-5 chồi. Dùng các giống cà phê vối chọn lọc đã được Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận như TR4, TR5, TR6, TR7, TR8, TR9... Áp dụng kỹ thuật ghép nêm nối ngọn, có thể áp dụng phương pháp ghép kín hoặc ghép hở. Sau khi ghép sống thì chăm sóc theo quy trình đã khuyến cáo. Cần nhổ bỏ cây cà phê sinh trưởng kém, có biểu hiện bị bệnh rễ, sau đó xử lý đất và tiến hành tái canh. Cần duy trì hoặc tái lập hệ thống cây đai rừng và cây che bóng lâu dài (muồng đen, keo dậu Cu Ba hoặc các loại cây ăn quả...) cho vườn cà phê.

Đối với vườn cà phê bị ảnh hưởng của hạn hán ở mức độ nhẹ, năng suất có thể bị giảm từ 20-50%: Duy trì hệ thống cây bóng, đai rừng (không rong tỉa) và lớp thảm tàn dư thực vật trên lô để giữ ẩm, hạn chế bốc thoát hơi nước. Cắt bỏ cành khô, cành bị rụng lá, cành vòi voi để giúp cây cà phê tập trung dinh dưỡng nuôi các cành mang quả, hạn chế rụng quả. Lưu ý đánh chồi vượt kịp thời để giúp cây cà phê sinh trưởng khỏe. Trường hợp cây bị khuyết tán, cần tạo hình bổ sung tán. Phun phân bón lá chuyên dùng cho cây (như NUCAFE) trong trường hợp đất không đủ ẩm nhằm cung cấp dinh dưỡng cho cây phục hồi tình trạng sức khỏe sau khô hạn và hạn chế rụng quả cà phê. Nên phun ít nhất 2 lần, mỗi lần cách nhau khoảng 15 - 20 ngày, nồng độ theo khuyến cáo của nhà sản xuất.

Sau khi đất đủ ẩm thì bón phân cho cây. Lượng phân theo khuyến cáo của từng địa phương hoặc các cơ quan khoa học và nên chia làm 2 lần bón (đối với đạm và kali) cho đợt phân đầu mùa mưa để giúp cây cà phê nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón, cây hấp thụ được nhiều dưỡng chất và sẽ phục hồi nhanh. Lân bón 100% ở lần bón đầu tiên. Nếu sử dụng các loại phân hỗn hợp NPK cần chọn loại phân phù hợp với cà phê kinh doanh giai đoạn đầu mùa mưa có hàm lượng đạm và lân cao, kali thấp hơn.

Trường hợp thời tiết tiếp tục nắng hạn phải thường xuyên tưới nước, song lượng nước bằng 40-50% so với bình thường. Không nên tưới lượng nước cao.

Trồng bổ sung cây che bóng tầng cao hoặc các loại cây trồng xen khác như bơ, sầu riêng... (nếu mật độ không đủ so với quy trình).

Đối với các vườn cà phê có điều kiện tưới nước đầy đủ, ít bị ảnh hưởng của tình trạng khô hạn:  Lưu ý đánh chồi vượt kịp thời giúp cây tập trung dinh dưỡng nuôi quả. Cắt bỏ cành tăm, cành vô hiệu. Phun phân bón lá chuyên dùng cho cà phê (NUCAFE) trong trường hợp đất không đủ ẩm nhằm cung cấp dinh dưỡng cho cây, hạn chế rụng quả cà phê. Nên phun ít nhất 2 lần, cách nhau khoảng 25 - 30 ngày.

Sau khi đất đủ ẩm thì bón phân đợt 1cho cây. Lượng, tỷ lệ N:P:K theo khuyến cáo của từng địa phương hoặc cơ quan khoa học. Vào tháng 6-7 nên phun bổ sung phân bón lá chuyên dùng cho cà phê giúp cây sinh trưởng khỏe, giảm rụng quả và tăng quá trình tích lũy chất khô, tăng trọng lượng hạt.

Trường hợp thời tiết vẫn nắng hạn thì phải tiếp tục tưới nước, song lượng nước bằng 30-40 % so với bình thường. Không nên tưới lượng nước cao.

Cần kiểm tra vườn cây thường xuyên để phát hiện kịp thời rệp sáp xuất hiện gây hại nhằm có kế hoạch phòng trừ đạt hiệu quả kinh tế và môi trường. Khi rệp mới xuất hiện với tỷ lệ cành bị hại còn thấp có thể cắt bỏ cành bị rệp, thu gom và đưa ra ngoài vườn để tiêu hủy. Khi thấy khoảng 10% số chùm quả trên cây có rệp thì tiến hành phun thuốc. Sử dụng một trong các loại thuốc sau: Chlopyrifos Ethyl (Mapy 48 EC), Profenofos (Selecron 500 EC); Cypemethrin + Profenofos (Polytrin P 440 EC); Spirotetramat (Movento 150 OD); Chlorpyrifos ethyl  + Imidacloprid (Fidur 220 EC)… theo nồng độ hướng dẫn trên bao bì. Phun  2-3 lần, mỗi lần cách nhau 7-10 ngày.

Nguồn: KTNT
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo