Nuôi thủy sản VietGAP – xu hướng tất yếu để hội nhập
15:59 - 23/06/2016
(TNNN)- Các sản phẩm thủy sản của Việt Nam, nhất là tôm nước lợ và cá tra chủ yếu phục vụ xuất khẩu. Trong khi đó, người tiêu dùng ở các thị trường trên thế giới yêu cầu sản phẩm thủy sản phải đạt được các chứng nhận khác nhau…
Nuôi trồng thủy sản theo tiêu chuẩn VietGAP giúp các cơ sở nuôi dễ dàng tiếp cận được các thị trường quốc tế và phát triển bền vững (Ảnh minh họa, nguồn Internet)

Cụ thể, người tiêu dùng Tây Âu yêu cầu sản phẩm phải dán nhãn GlobalGAP; còn thị trường Mỹ yêu cầu chứng nhận GAA; và hiện nay, các nước Hà Lan, Đức, Thụy Sỹ đang đặc biệt quan tâm đến tiêu chuẩn dán nhãn ASC. Trong khi đó, thị trường Đông Âu, châu Phi… lại không cần sản phẩm phải đạt được chứng nhận nuôi trồng thủy sản bền vững mà quan trọng nhất là sản phẩm phải đạt chất lượng theo yêu cầu của họ.
 
 
Những yêu cầu khác nhau này không chỉ gây bối rối cho người nuôi thủy sản mà ngay cả cơ quan quản lý cũng khó khăn trong việc định hướng cho người nuôi thủy sản áp dụng tiêu chuẩn nào hiệu quả nhất.
 
 
Để gỡ khó, đối với hộ nuôi cá tra, Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành bộ tiêu chuẩn VietGAP cho cá tra, với tổng cộng 104 tiêu chí phải đáp ứng. Trong đó có đầy đủ những yêu cầu nuôi thủy sản bền vững của các bộ tiêu chuẩn quốc tế khác. Mục đích của VietGAP là giúp nâng cao chuỗi giá trị cho cá tra từ trang trại đến bàn ăn, góp phần để cá tra phát triển ổn định và bền vững, đảm bảo lợi ích người nuôi cũng như nhà chế biến xuất khẩu, là cơ sở để người nuôi cá tra trong nước tiến tới thực hiện các tiêu chuẩn quốc tế khác như GlobalGAP, GAA, ASC,...
 
 
Điển hình như tiêu chí hệ thống xử lý chất thải, hộ nuôi cá tra phải có ao xử lý nước thải, ao chứa bùn để xử lý chất thải. Trong quy trình xử lý nước sinh học trong ao lắng với cá, rong, cỏ… cần thời gian ít nhất 7 ngày, đồng thời, lấy mẫu nước thải để kiểm tra đạt chất lượng thì mới được đưa ra môi trường.
 
 
Ngoài ra, hộ nuôi cá tra thực hiện VietGAP phải đặt các biển báo, cảnh báo nguy hiểm, nâng cấp nhà kho, nhà ở, nhà vệ sinh công nhân; xây dựng quy trình nuôi tốt, quy trình vệ sinh, bảo vệ sức khỏe động vật thủy sản; ký hợp đồng lao động, lập bảng chấm công, bảng lương cho người lao động làm thuê…
 
 
Tuy nhiên, đến nay nhiều hộ nuôi cá tra vẫn chưa mặn mà với việc áp dụng nuôi theo quy trình VietGAP, bởi sản phẩm cá tra VietGAP vẫn chưa được thị trường thế giới công nhận và giá bán cá tra VietGAP không khác cá tra nuôi theo kiểu truyền thống. Trong khi đó, các hộ nuôi cá tra VietGAP phải đầu tư thêm không ít công sức, tiền của vào cùng một diện tích nuôi cá tra nhưng sản lượng lại giảm do phải dành một diện tích ao nuôi làm ao xử lý nước thải. Một số nghiên cứu, tổng kết đã chỉ ra, chi phí sản xuất cho việc ứng dụng các VietGAP sẽ tăng lên so với thông thường từ 20 - 30%.
 
 
Tương tự như cá tra, ở những hộ nuôi tôm được đầu tư bài bản, có kinh nghiệm, các chủ hộ cho rằng, VietGAP khó ứng dụng, hơn nữa, lại chưa được quốc tế công nhận cũng như chưa được chuyển đổi ngang bằng với các tiêu chuẩn GAP khác nên việc tìm đầu ra cho sản phẩm thực sự không dễ.
 
 
Khi sản phẩm xuất khẩu ngày càng chịu sự kiểm tra gắt gao của các nước trên thế giới, giá tôm sú và tôm thẻ bấp bênh, quy trình sản xuất sạch của mô hình nuôi tôm công nghiệp và quảng canh cải tiến theo hướng VietGAP sẽ tạo bước đột phá cho nghề nuôi tôm phát triển bền vững.
 
 
Nuôi tôm theo quy trình VietGAP được kiểm tra và áp dụng các loại thuốc, hóa chất từ khâu đầu vào đến khâu đầu ra và được hộ nuôi ghi chép cẩn thận, đáp ứng tốt cho nhu cầu truy nguyên nguồn gốc của sản phẩm và dùng làm tư liệu so sánh, đúc kết kinh nghiệm cho vụ nuôi sau. Từ đó, từng bước nâng cao giá trị sản phẩm, đáp ứng nhu cầu nguồn nguyên liệu ổn định cho các nhà máy chế biến xuất khẩu.
 
 
Với 2 mô hình nuôi tôm sú quảng canh cải tiến và nuôi tôm công nghiệp theo hướng VietGAP, các hộ nuôi tôm có thể khắc phục hiện tượng suy thoái môi trường bị ô nhiễm lâu nay. Đồng thời, thông qua phương án này, các hộ dân được nâng cao trình độ sản xuất, từng bước nhân rộng mô hình, chuyển đổi sản xuất phù hợp với điều kiện tự nhiên đặc thù của địa phương.
 
 
Đặc biệt, tạo sự chuyển biến tích cực trong việc chuyển đổi mô hình nuôi tôm thâm canh theo hướng sản xuất tôm sạch, mang lại giá trị cao từ tính ổn định và hiệu quả của mô hình VietGAP.
 
 
Từ năm 2014, dự án nuôi tôm thẻ chân trắng theo quy trình VietGAP do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (TTKNQG) thực hiện ở 6 tỉnh, thành phố với 9 mô hình đã thu được kết quả khả quan. Điển hình như: Tại Thanh Hóa, mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng theo quy trình VietGAP sau hơn 5 tháng nuôi, cỡ tôm thu hoạch trung bình đạt 20,4g/con; tỷ lệ sống trung bình 68,2%; sản lượng 21.844kg/2ha; năng suất 10,9 tấn/ha; lãi ròng 750 triệu đồng/ha.
 
 
Từ kết quả thực tế 100% mô hình thuộc dự án đã thu được kết quả khả quan với năng suất trên 10 tấn/ha, tỷ lệ sống đạt tới 80%, cỡ thu hoạch trung bình 53 con/kg. Lợi nhuận tính trên quy mô 1 ha đạt trung bình gần 700 triệu đồng, tăng hơn so với mô hình không nuôi theo VietGAP là 35%. Trong bối cảnh thị trường xuất khẩu ngày càng có những đòi hỏi khắt khe về chất lượng sản phẩm thì việc thực hiện nuôi trồng thủy sản theo hướng VietGAP là hướng đúng đắn để nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm và phát triển bền vững.
 
 
TS Nguyễn Huy Điền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho rằng, việc nuôi tôm theo tiêu chuẩn VietGAP ngoài việc xử lý tốt các yếu tố như dịch bệnh, môi trường, còn có tác dụng tích cực trong việc giúp sản phẩm tôm Việt Nam vượt qua các rào cản thương mại quốc tế, nhất là khi Việt Nam thực hiện Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương (TTP). Vì vậy nuôi tôm theo tiêu chuẩn VietGAP sẽ tiếp tục được triển khai, tổng kết và nghiên cứu để đưa ra quy trình khoa học và phù hợp với thực tiễn hơn nữa.
 
 
Ông Kim Văn Tiêu – Phó Giám đốc TTKNQG khẳng định, nuôi tôm theo VietGAP đảm bảo chi phí thấp nhất mà hiệu quả cao nhất. Theo số liệu so sánh của TTKNQG, hiệu quả kinh tế/ha đối với hộ áp dụng VietGAP so với hộ không áp dụng VietGAP năm 2014 tại một số địa phương hầu hết đều tăng hơn 30% (Quảng Ninh tăng 35%, Hải Phòng 36%, Khánh Hòa 35%).
 
 
Theo ông Tiêu, khi người nuôi tôm thực hiện đúng theo quy trình của VietGAP, họ sẽ tiết kiệm được thời gian nuôi (rút ngắn khoảng 20 -30 ngày so với nuôi tôm không theo VietGAP), hạn chế dịch bệnh, giảm chi phí thức ăn và tăng tỷ lệ sống, tăng hiệu quả sản xuất, kiểm soát an toàn thực phẩm.
 
 
Đối với doanh nghiệp, khi thu mua sản phẩm tôm nuôi theo VietGAP, họ có được sản phẩm an toàn, vừa tiết kiệm chi phí kiểm dịch, vừa đảm bảo uy tín chất lượng của doanh nghiệp. Còn đối với người tiêu dùng, sẽ không còn phải lo lắng về vấn đề an toàn thực phẩm, được sử dụng sản phẩm đảm bảo chất lượng với giá thành tốt nhất.
 
 
Sự thiếu đồng bộ và mất cân đối giữa quy hoạch và phát triển trong nhiều năm của nghề nuôi tôm là một trong những nguyên nhân làm cho việc triển khai và ứng dụng VietGAP cũng như các bộ tiêu chuẩn khác trở nên khó khăn hơn. Đến nay, diện tích nuôi tôm quảng canh, quảng canh cải tiến vẫn chiếm 75% tổng diện tích nuôi tôm ở nước ta. Phần lớn cơ sở hạ tầng ở các vùng nuôi tôm tập trung chưa đáp ứng được những điều kiện đặt ra cho việc ứng dụng các bộ tiêu chuẩn nhằm có được những sản phẩm tốt, sạch, an toàn hơn…Ngoài ra, sản phẩm khi nuôi VietGAP và sản phẩm nuôi không áp dụng VietGAP không có sự chênh lệch rõ ràng về chất lượng cũng như giá trị sản phẩm; đa số các hộ dân nuôi nhỏ lẻ đều không muốn áp dụng VietGAP; các tiêu chí còn rườm rà và nhiều tiêu chí không thực hiện được vì khi thực hiện cần phải có kinh phí và có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng…
 
 
Để VietGAP được người nuôi thủy sản đồng tình ủng hộ thì các bộ, ngành cần có giải pháp giải quyết đầu ra ổn định. Cần nhanh chóng xúc tiến khâu quảng bá, đàm phán và thừa nhận của quốc tế đối với VietGAP để giúp giá trị thủy sản VietGAP tăng lên, từ đó người dân mới toàn tâm toàn ý vào VietGAP bên cạnh những tiêu chuẩn khác như BAP, GlobalGAP, ASC... Ngoài ra, nhà nước cần có chính sách khuyến khích, hỗ trợ các hộ nuôi thủy sản VietGAP và các nhà máy chế biến xuất khẩu liên kết với nhau theo quy trình khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ thì các mô hình nuôi thủy sản VietGAP mới tồn tại bền vững.
 
 
Gần đây, Tổng cục Thủy sản (Bộ NN và PTNT) đã ký bản ghi nhớ (MOU) với Hội đồng quản lý nuôi trồng thủy sản quốc tế (ASC) về việc cam kết thúc đẩy nuôi trồng thủy sản có trách nhiệm tại Việt Nam thông qua phương pháp tiếp cận từng bước từ VietGAP sang chứng nhận ASC. Trong đó, Chính phủ Việt Nam cam kết sẽ giảm thiểu các tác động đến môi trường từ việc nuôi trồng thủy sản. Tùy theo nhu cầu, các trang trại đã được chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP có thể đạt được một tiêu chuẩn quốc tế khác như ASC, giúp các cơ sở nuôi dễ dàng tiếp cận được các thị trường quốc tế và bảo đảm cho nghề nuôi trồng thủy sản có trách nhiệm hơn.
 
Để khích lệ người nuôi tham gia tích cực hơn trong việc ứng dụng bộ tiêu chuẩn VietGAP, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm cũng như thương hiệu của các sản phẩm thủy sản Việt Nam trên thị trường thế giới, ngày 09/01/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 01/2012/QĐ-TTg về một số chính sách hỗ trợ việc áp dụng Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP) trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản.

Văn Minh
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo