Trong hệ thống biện pháp kỹ thuật thâm canh cây lúa thì giai đoạn mạ có vị trí đặc biệt quan trọng (tốt giống tốt má, tốt mạ tốt lúa).
|
Nông dân chăm sóc mạ dược vụ mùa |
Tiêu chuẩn mạ tốt ở những nhóm giống lúa cực ngắn và ngắn ngày(TGST 90 - 110 ngày) là cây cứng, đanh dảnh, đạt chiều cao trên 35cm và đã đẻ nhánh, số lượng lá mạ nhổ cấy không vượt quá 40% tổng số lá thật trên thân chính, rễ mạ được bảo toàn.
Với mạ cấy ở chân ruộng trũng thì tiêu chuẩn mạ tốt phải là cây mạ đanh dảnh, chiều cao đạt trên 45cm, mạ đã đẻ được 4 - 5 nhánh để khi cấy ra ruộng không cần đẻ thêm nữa và rễ được bảo toàn. Để thâm canh mạ đạt được tiêu chuẩn trên nông dân cần chú ý:
- Bón phân lót cho mạ dược: Cây lúa non có khả năng hút dinh dưỡng từ rất sớm (lúc cây có lá thật thứ nhất), mặc dù giai đoạn này mạ có thể lớn lên nhờ nội nhũ có trong hạt. Song nếu được bón lót đầy đủ thì mọi chỉ tiêu của cây mạ đều cao hơn không bón. Do đó bón lót đủ dinh dưỡng là yêu cầu kỹ thuật bắt buộc trong thâm canh mạ dược nhằm đảm bảo cho cây lúa non phát triển thuận lợi ngay từ khi xuất hiện lá thật đầu tiên.
Mạ non được cung cấp đầy đủ dinh dưỡng sẽ làm lá to hơn, rễ ra nhiều hơn tăng khả năng hút dinh dưỡng cho lúa sau này. Lượng dinh dưỡng cần thiết để bón lót cho mạ dược vụ mùa là: 1,5-2kg phân chuồng mục + 40-50g supe lân + 8-10g urê + 8-10g KCL/m2.
- Mật độ mạ gieo: Thâm canh lúa mới ngắn ngày có tiềm năng năng suất cao đã được phổ biến ra đại trà hiện nay song lối cũ của nông dân nhiều nơi vẫn gieo mạ với mật độ rất dày (70 - 90g/m2). Gieo quá dày nên diện tích dinh dưỡng và ánh sáng cho cây mạ rất thấp dẫn đến dảnh mạ bé, mềm và còi cọc. Loại mạ này khi cấy ra ruộng sản xuất rất lâu bén rễ hồi xanh, dảnh mạ nhỏ khiến cho nông dân phải cấy nhiều dảnh/khóm…
Vì thế, để có mạ tốt trước hết cần bố trí gieo mạ với lượng thưa hơn (15 - 30g/m2). Đồng thời cần gieo trên những chân ruộng vàn để dược mạ được liền bùn, mạ sẽ đẻ nhánh tốt hơn, thành mạ ngạnh trê.
- Chăm sóc mạ: Từ 1-2 ngày sau gieo cần phun thuốc trừ cỏ cho mạ để hạn chế cỏ dại. Mạ có 1 lá thật đưa nước láng mặt ruộng. Khi mạ có 2 lá cần bón thúc khoảng 4-6g urê + 4-6g KCL/m2 và duy trì nước ngập chân mạ. Khi mạ có 4 lá nên tháo nước khoảng 2 ngày rồi đưa nước trở lại 2 - 3cm bón phân thúc với lượng như trên để cây mạ cứng cây và đẻ nhánh đồng loạt.
Với những giống lúa mùa dài ngày cần bón thúc ở các thời điểm: 2 lá, 4 lá và 6 lá (thúc 1,5-2kg urê + 1,5-2kg KCL/sào). Bón tiễn chân trước cấy 7 ngày bằng 1kg urê + 1kg KCL/sào. Cây mạ ra ruộng cấy đảm bảo có 4 - 5 dảnh/thân, một khóm lúa cấy 2 khóm mạ.
Nhờ kỹ thuật thâm canh mạ dược như trên mà nông dân có thể chủ động định lượng số dảnh cấy, số khóm mạ cần cấy ở một khóm lúa để đạt được số bông tối ưu, tính được thời điểm trổ bông, phơi màu của lúa. Đặc biệt trên những chân ruộng để phát triển cây vụ đông sớm là rất phù hợp vì vụ lúa mùa được rút ngắn thời gian hơn nhiều.
Mặt khác, những chân ruộng trũng khi cấy được mạ dược đã đẻ nhánh sẽ giúp cho nông dân hoàn toàn chủ động điều khiển cây lúa để đạt được số nhánh theo ý muốn đẫn đến năng suất ở những chân ruộng này luôn cao hơn trước thậm chí bằng năng suất ở những ruộng chân vàn và vàn cao.
- Nhổ mạ cấy: Trước khi nhổ mạ cần đưa nước sâu 7-10cm để dễ nhổ và rũ bớt bùn. Cần nhổ mạ nhẹ nhàng theo kiểu nhổ cây rau non để tránh làm tổn thương thân lá và rễ mạ. Tuyệt đối không nên nhổ mạ đập kỹ rồi bó chặt để qua đêm như nhiều nông dân vẫn làm. Vì làm vậy sẽ làm gãy thân, nát lá mạ, rễ bị đứt nhiều và việc để qua đêm trong điều kiện vụ mùa nắng nóng, mạ lại bị bó chặt nên cây mạ dễ bị úa vàng, mạ ra ruộng cấy bị ngừng sinh trưởng và rất lâu bén rễ.