|
Nuôi lợn theo hướng công nghiệp là xu hướng phát triển nông nghiệp hiện đại (Ảnh minh họa, nguồn Internet) |
Để khắc phục tình trạng này, hiện chăn nuôi lợn thịt theo hình thức công nghiệp đang được bà con chăn nuôi áp dụng và mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới khi các hiệp định TPP, AFTA…có hiệu lực.
Chăn nuôi lợn theo hình thức công nghiệp đòi hỏi người chăn nuôi cần có kinh nghiệm cũng như nắm được nhu cầu của thị trường chăn nuôi. Tuy phương thức này có chi phí cố định lớn nhưng hiệu quả kinh tế cao do thời gian chăn nuôi thấp khoảng hơn 3 tháng và giá lợn bán được lớn hơn rất nhiều so với giá lợn tại nông hộ (heo lai).
Tại HTX chăn nuôi lợn an toàn Tiên Phong - mô hình HTX kiểu mẫu tại TP HCM, được thành lập vào năm 2007, hiện đã có 8 trang trại của HTX tham gia dự án FAPQDC do chuyên gia Canada chuyển giao, áp dụng theo kinh nghiệm và cách thức quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm tại Canada.
Các trang trại được dự án hỗ trợ tích cực nhằm cải thiện hệ thống chuồng trại theo hướng khép kín, an toàn vệ sinh, quy trình quản lý nghiêm ngặt, con giống tốt, sạch bệnh, TĂCN đảm bảo chất lượng… Hiện HTX có quy mô sản xuất là 3.000 con lợn nái sinh sản và trên 10.000 con lợn thịt. Hàng tháng cung cấp cho thị trường bình quân 450 – 470 con lợn thịt tương đương 45 – 47 tấn thịt. Giá thịt lợn của HTX luôn cao hơn trung bình từ 4 – 5 triệu đồng/tấn và được các siêu thị, tập đoàn, công ty lớn đặt mua với số lượng lớn. Theo anh Trần Quốc Thắng, chủ trang trại lợn Gia Phát (huyện Củ Chi, TP HCM) thuộc HTX, hệ thống chuồng lạnh sinh lời rất lớn. Trung bình giảm được 5% chi phí nuôi (nhân công, thức ăn, thuốc thú y…) và tăng thêm 5% sản lượng thịt mỗi vụ.
Đầu tư 10 tỷ đồng mua máy móc, thiết bị, trang trại nuôi lợn sạch của anh Nguyễn Văn Tuấn (Vĩnh Phúc) với diện tích 2 ha, hiện đang nuôi 500 lợn nái, 1.300 lợn thịt mỗi lứa. Mọi khâu trong quá trình chăn nuôi đều kép kín. Chuồng được xây cao, thoáng mát, máng ăn bán tự động, có thể kiểm soát con nào ăn ít, từ đó sẽ kiểm tra xem nó đang ốm hay có triệu chứng gì để kịp thời điều trị. Chuồng trại còn có những tấm làm mát máy lọc không khí, hệ thống quạt. Hầu hết những vật liệu, thiết bị trang trại đang sử dụng đều là hàng nhập khẩu. Mỗi năm trang trại của anh sản xuất khoảng 12.000 lợn giống, anh để lại 8.000 con nuôi, còn lại bán ra thị trường với giá khoảng 1,5 triệu đồng một con, mang lại doanh thu hàng chục tỷ mỗi năm, trừ chi phí lãi khoảng 2 tỷ đồng. Trang trại đang tạo việc làm cho 20 lao động, với mức lương 3-5 triệu đồng một tháng
Nhờ công nghệ nuôi lợn sạch, khu chuồng trại không ngửi thấy mùi hôi, cũng chẳng thấy phân thải ra. Đó là vì anh Tuấn đã đầu tư cả hệ thống hầm biogas ngầm phía dưới nền chuồng trại. 100% chất thải đều được xả xuống hầm biogas nên chuồng trại rất sạch. Năm 2014, trang trại nuôi lợn sạch của anh Tuấn đã được cấp chứng chỉ VietGAP.
Tại TP.Buôn Ma Thuột, trang trại nuôi lợn công nghiệp của gia đình anh Nguyễn Ngọc Huệ tại thôn 3, xã Cư Êbur với quy mô khoảng 60 lợn nái và 300 con lợn thịt, được thiết kế ô chuồng một cách khoa học, sạch sẽ, ngăn nắp trên diện tích 2.000 m2, phù hợp cho việc chăm sóc lợn hằng ngày. Nuôi lợn theo hướng công nghiệp đã mang lại tổng doanh thu cho gia đình anh hơn 2,5 tỷ đồng mỗi năm, trừ tất cả chi phí, gia đình còn lãi được từ 600 – 700 triệu đồng.
Trang trại nuôi lợn của ông Nguyễn Huy Tưởng (tổ dân phố 4, phường Nghĩa Đức thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông) được đầu tư trên 200 triệu đồng xây dựng hệ thống chuồng trại bài bản, đúng quy trình kỹ thuật theo hướng an toàn. Để đàn lợn phát triển tốt, ông đầu tư các thiết bị công nghệ cao như sàn nhựa, hệ thống máng ăn, uống tự động và xây 2 hầm biogas xử lý chất thải. Hiện nay, trang trại của ông Tưởng có quy mô 450m2, trong chuồng thường xuyên có 20 con lợn nái. Khâu phòng bệnh được thực hiện khoa học. Hàng ngày, đàn lợn được tắm rửa và định kỳ phun hóa chất phòng dịch.
Ông cho biết: Đầu tư hệ thống trang thiết bị công nghệ cao chi phí ban đầu có cao hơn so với cách chăn nuôi nhỏ lẻ nhưng bù lại trong quá trình nuôi sẽ giúp đàn lợn phát triển khỏe mạnh, tránh được rủi ro do bệnh tật, lợi nhuận cũng cao hơn. Năm vừa rồi, tôi xuất bán trên 25 tấn lợn hơi thu về lợi nhuận trên 300 triệu đồng và bán lợn con lợi nhuận khoảng 150 triệu đồng.
Trang trại nuôi lợn của chị Nguyễn Thị Kim Phượng (Mỹ Tho – Tiền Giang) với 500 lợn nái và 3.000 lợn thịt. Chị đầu tư phòng thí nghiệm lưu trữ tinh lợn, máy siêu âm cho lợn nái, lắp đặt cả hệ thống camera để theo dõi các biểu hiện của lợn. Ngoài ra, chị còn cài đặt chương trình quản lý lợn, bấm thẻ cho lợn nái và quản lý lợn vô cùng tỉ mỉ ngay từ lúc lợn còn trong bụng mẹ đến khi xuất chuồng. lợn của trang trại chị được thương lái đánh giá rất cao với trọng lượng xuất chuồng luôn đạt từ 120kg - 130kg (cao hơn khoảng 20kg so với mức xuất chuồng trung bình) nhưng vẫn đảm bảo nạc nhiều, mông nở, lưng rãnh, da hồng hào, khỏe mạnh.
Có thể khẳng định, chăn nuôi theo phương thức công nghiệp là một trong những xu hướng phát triển nông nghiệp hiện đại, tạo ra sản phẩm hàng hóa có chất lượng giá trị cao, gắn với công nghiệp chế biến và thị trường, mang lại nguồn thu nhập lớn cho gia đình và xã hội.