Giảm chi phí, tăng lợi nhuận
16:21 - 08/04/2016
Trong điều kiện thời tiết nhiều bất lợi như hiện nay, nông dân ĐBSCL làm thế nào để canh tác lúa an toàn và có lợi nhuận?

Ông Phan Huy Thông (ảnh), GĐ Trung tâm Khuyến nông Quốc gia trả lời NNVN câu hỏi mà rất nhiều nông dân đang quan tâm.

Thưa ông, Trung tâm KNQG phối hợp với Cty CP Phân bón Bình Điền vừa ra mắt chương trình canh tác lúa thông minh ứng phó với biến đổi khí hậu ở ĐBSCL. Xin ông giải thích đôi nét về chương trình này?

Canh tác lúa thông minh là cách tiếp cận mới trong SXNN, để vừa duy trì được tăng trưởng năng suất và chất lượng hạt gạo, nhưng trên cơ sở đảm bảo tính bền vững và linh hoạt. Vì thế, yếu tố trước mắt là giảm chi phí đầu vào, giảm thiểu tối đa rủi ro do biến đổi khí hậu, đó là mục đích của chương trình này.

Chương trình áp dụng các giải pháp thông minh như: thời điểm xuống giống linh hoạt ở những nơi diễn ra hạn mặn, áp dụng các giải pháp kỹ thuật trong các khâu làm đất, xử lý hạt giống (chỉ sạ 8 kg/công), bón phân, bơm nước, phòng trừ sâu bệnh và cuối cùng là thu hoạch.

Bên cạnh đó, có sự kết hợp của các nhà khoa học và khuyến nông địa phương. Bà con nông dân là người chủ thực sự mô hình này, không những là người thực hiện các giải pháp kỹ thuật mà còn phản ánh ngược lại đến các nhà khoa học trong quá trình canh tác. Cuối vụ, có tổ chức hội thi đánh giá từng mô hình, kết quả đó cũng được truyền tải qua các kênh thông tin giúp cho những nông dân khác học hỏi làm theo để lan tỏa ra trên diện rộng.

Lâu nay, trong SX lúa đã đưa khá nhiều chương trình, thêm nữa có làm cho nông dân rối lên không?

Chương trình canh tác lúa thông minh ứng phó với biến đổi khí hậu không chỉ ra mắt cho nông dân ĐBSCL áp dụng, mà Viện Nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI) đã có khái niệm này cách đây mấy năm rồi. Vừa qua, đã có một cuộc hội thảo canh tác lúa thông minh diễn ra tại Thái Lan. Thật ra, gọi là thông minh tức là chúng ta khái quát lại những kiến thức trong SX lúa, những chương trình mà Bộ NN-PTNT đã phát động như “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”, IPM…

09-22-10_nh-2-cnh-tc-lu-thong-minh
Canh tác lúa thông minh để giảm chi phí đầu vào và giảm thiểu rủi ro

Theo đó, chúng ta biết lựa chọn các giải pháp đã có mà ứng dụng một cách thông minh trong điều kiện biến đổi khí hậu như hiện nay. Không phải lúc nào cũng áp dụng cứng ngắc các giải pháp mà cần có cách ứng xử, lợi dụng kỹ thuật, những kiến thức tiên tiến đã có. Canh tác lúa thông minh là tính toán đầu vào phù hợp, mục tiêu cuối cùng là tăng năng suất, giảm rủi ro cho nông dân.

ĐBSCL đang vào vụ lúa hè thu, ông khuyến cáo gì với bà con nông dân?

Thông qua các hội nghị gần đây của Bộ NN-PTNT, vụ lúa HT hiện nay ở ĐBSCL sẽ gặp khó khăn về vấn đề khô hạn và xâm nhập mặn. Trước tiên, chúng tôi khuyến cáo bà con hết sức bình tĩnh chủ động theo dõi các thông báo của ngành chức năng địa phương như khuyến nông, Chi cục BVTV, Sở NN-PTNT để chủ động xuống giống đem lại hiệu quả. Không nên xuống giống HT vội vàng trong điều kiện hạn, mặn như hiện nay, và cũng không bỏ lỡ cơ hội theo dự báo giữa tháng 4 này nguồn nước ngọt sẽ về ĐBSCL.

Vì vậy, nơi nào có thể tích trữ được nước ngọt chủ động xuống giống. Nơi nào nguồn nước chưa đảm bảo, cũng như độ mặn còn cao thì bà con không nên vội vàng xuống giống.

Đặc biệt, năm nay chúng ta chịu sức ép mùa mưa đến trễ, thời vụ nhiều nơi xuống giống trễ hơn so với mọi năm khoảng 75 ngày, có thể chịu sức ép mưa lũ cuối vụ. Vì vậy, nên chọn các giống ngắn ngày canh tác để né tránh thiên tai. Đồng thời, đưa ra phương án né lũ cuối vụ bằng cách gia cố đê bao để đảm bảo vụ HT ăn chắc. Còn đối với các vùng SX lúa thu đông cần phải chủ động phương án về giống ngắn ngày và đê bao vững chắc.

Xin cảm ơn ông!

NGỌC THẮNG - HOÀNG VŨ
Nguồn: NNVN
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo