Người chăn nuôi cần thận trọng khi tái đàn vật nuôi
10:44 - 07/03/2016
Mặc dù cuối năm 2015 và những tháng đầu năm 2016, lợn hơi đang được giá nhưng các gia trại, trang trại và người chăn nuôi nhỏ lẻ tại Nghệ An tỏ ra dè dặt tái đàn.
Người chăn nuôi chờ thời tiết nắng ấm mới tái đàn

Theo thống kê, đến cuối tháng 2/2016, tỉnh Nghệ An có 720.350 con trâu bò; 916.300 con lợn; trên 18 triệu con gia cầm. Mục tiêu của ngành chăn nuôi Nghệ An năm 2016 là giữ vững và tăng tổng đàn nhưng trước những thiệt hại do đợt rét đậm rét hại cuối tháng 1 vừa qua và diễn biến thời tiết phức tạp, người chăn nuôi tỏ ra dè dặt tái đàn.

Mặc dù cuối năm 2015 và những tháng đầu năm 2016, lợn hơi đang được giá nhưng các gia trại, trang trại và người chăn nuôi nhỏ lẻ tại Nghệ An tỏ ra dè dặt tái đàn.

Theo lý giải của người chăn nuôi, thời điểm này lợn hơi được giá nhưng giá lợn giống cũng tăng cao và nhiều khả năng nắng nóng đến sớm sẽ khiến giá lợn hơi sụt giảm. Bên cạnh đó, diễn biến thời tiết phức tạp cũng là một yếu tố khiến người chăn nuôi e ngại lập đàn.

Ông Nguyễn Văn Lĩnh, chủ một gia trại cá - lợn tại xã Bài Sơn (Đô Lương) cho biết, thời điểm này những năm trước ông đã thả vài chục con lợn thịt. Tuy nhiên, năm nay cả mấy ô chuồng nhà ông vẫn đang trống trơn. “Diễn biến thời tiết năm nay khá phức tạp, dịch bệnh khó lường. Vì vậy, mấy hôm nay, gia đình tôi mới chỉ vệ sinh chuồng trại, chuẩn bị nguồn thức ăn, chờ nắng ấm sẽ mua lợn giống về thả”, ông Lĩnh cho biết.

Đó cũng là tâm lý chung của người nuôi gia cầm ở Nghệ An. Tuy nhiên, một số hộ chăn nuôi vẫn “mạo hiểm” tăng, tái đàn ngay sau Tết Nguyên đán để chuẩn bị đón nguồn thức ăn mới của vụ xuân 2016.

Ông Trần Văn Mai, chủ gia trại tại xóm 2a, xã Thanh Phong, huyện Thanh Chương cho rằng, nuôi gà tuy rủi ro cao nhưng nếu chủ động được nguồn con giống, tuân thủ chặt chẽ quy trình tiêm phòng vắc-xin, sử dụng một số loại thuốc kháng sinh phòng, trị bệnh thì tỉ lệ thành công sẽ cao hơn.

Để đạt được mục tiêu đề ra, ngành chăn nuôi Nghệ An cần phải hết sức nỗ lực, nhất là trong điều kiện thời tiết phức tạp, dịch bệnh có thể xuất hiện bất cứ lúc nào.

 “Hiện tại, tôi có 50 con gà đẻ. Tôi đang cho ấp 1.000 quả trứng để úm chuẩn bị bán con giống và chuẩn bị một ít nuôi gà thịt. Đây là thời điểm giao mùa, vật nuôi rất dễ nhiễm bệnh nên nhiều gia trại không dám cho ấp, úm gà.

Tuy nhiên, tại gia trại của tôi, gà được phòng đủ các loại vắc-xin, phòng một số bệnh thông thường, chỉ xuất giống cho bà con khi đã đạt trọng lượng 200 - 300 gram (khoảng 4 con/kg-PV). Xuất gà giống ở thời điểm đó được tính theo trọng lượng, cao hơn giá gà thịt khoảng 20 - 30 nghìn đồng/kg, người mua cũng thích vì tỉ lệ thành công sẽ cao hơn”, ông Mai chia sẻ.

Chung quan điểm và tâm lý hiện nay của người chăn nuôi, ông Lưu Công Hòa, Trưởng phòng Chăn nuôi, Sở NN-PTNT Nghệ An cho rằng, trong tháng 1, 2, người chăn nuôi cần tẩy uế trang trại, chuẩn bị yếu tố thức ăn, sang tháng 3 mới lập đàn. Thời tiết diễn biến phức tạp, người chăn nuôi chưa cần tập trung các biện pháp tăng sức đề kháng cho đàn vật nuôi.

Thời điểm này, toàn tỉnh đang đang tiến hành tiêm phòng bổ sung vụ đông xuân, tiêu độc khử trùng chuồng trại, chuẩn bị mọi nguồn lực để tái lập đàn. Sau đợt rét đậm rét hại, Nghệ An đang thống kê lại toàn bộ thiệt hại để hỗ trợ theo cơ chế thiên tai để bà con có điều kiện tái lập đàn. Đối với trâu bò bị thiệt hại tại các vùng miền núi, tỉnh sẽ có cơ chế hỗ trợ nhưng sẽ bổ sung đàn vào thời điểm nắng ấm.

Ông Hòa cũng khuyến cáo: “Bà con nên mua giống có nguồn gốc tại các cơ sở cung cấp con giống có uy tín. Hiện các trang trại, vùng giống của tỉnh từ năm 2015 đã có các phương án để phục vụ nhu cầu tăng, tái đàn của người chăn nuôi sau Tết Nguyên đán.

Mấy năm lại đây, công tác con giống ở Nghệ An không còn phụ thuộc nhiều vào các yếu tố bên ngoài nhưng giống gia cầm đang là một khâu yếu, hiện chưa có các cơ sở lớn nên đang phải nhập từ các tỉnh phía Bắc về. Vì vậy, bà con chú ý chỉ nhập những lô giống có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đầy đủ các thủ tục kiểm dịch…”.

Theo chủ trương, năm 2016, Nghệ An tiếp tục phát triển các giống vật nuôi chất lượng cao; chú trọng nhập khẩu giống tốt, chọn tạo đàn giống thích hợp cho mỗi vùng sinh thái; phát triển mạnh đàn gia cầm, lợn và bò sữa; phổ biến rộng rãi các giống thủy cầm lai chuyên thịt hoặc chuyên trứng...

Bên cạnh đó, địa phương cũng đang tăng cường các hoạt động phòng trừ dịch bệnh; đẩy mạnh kiểm tra điều kiện vệ sinh thú y tại các cơ sở chăn nuôi, giết mổ; xây dựng cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

UBND tỉnh Nghệ An cũng sẽ có nhiều cơ chế hỗ trợ tích cực để khuyến khích phát triển chăn nuôi trang trại, công nghiệp, nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ, phát triển liên kết theo chuỗi. Phấn đấu đến cuối năm 2016, Nghệ An sẽ có tổng đàn trâu đạt 305 nghìn con; đàn Bò 425 nghìn con, trong đó đàn bò lai 220 nghìn con, đàn bò, bê sữa trên 50.000 con; đàn lợn 1 triệu con; đàn gia cầm 18 triệu con. Tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 221,5 nghìn tấn, sản lượng sữa trên 200 nghìn tấn.

VÕ VĂN DŨNG
Nguồn: NNVN
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo