(TNNN)- Cả nước hiện có khoảng 2000 làng nghề, trong đó có hơn 1000 làng nghề truyền thống với gần 1,4 triệu người làm nghề thủ công. Có nhiều làng nghề tồn tại hàng trăm năm, trở thành những làng nghề tiêu biểu, được cả nước và thế giới biết đến như lụa Vạn Phúc, tranh Đông Hồ, gốm sứ Bát Tràng, Chu Đậu, gốm Bầu Trúc, gỗ Sơn Đồng, Ý Yên… Tuy nhiên, các làng nghề đang gặp không ít khó khăn trong việc giữ gìn và phát triển nghề truyền thống.
|
Ảnh minh họa |
Khó khăn lớn nhất của các làng nghề hiện nay là tìm thị trường tiêu thụ. Bởi lẽ, sản phẩm của làng nghề truyền thống có giá thành cao, mẫu mã sản phẩm chưa đa dạng, chưa theo kịp thị hiếu người tiêu dùng cả trong và ngoài nước. Đây là một thực tế khiến cho hàng Việt truyền thống chưa thể đến nhiều với những thị trường khó tính nhưng đầy tiềm năng như: Anh, Mỹ, Pháp và Đức. Hầu hết các làng nghề hiện nay vẫn phát triển manh mún, nhỏ lẻ, khó cạnh tranh với những sản phẩm cùng loại được sản xuất bằng công nghệ hiện đại từ các nước trong khu vực. Nhất là với những đơn hàng yêu cầu lớn về số lượng, chủng loại và đòi hỏi nghiêm ngặt về thời gian giao hàng. Bên cạnh đó, do thiếu thông tin nên việc mở rộng thị trường tiêu thụ hàng thủ công mỹ nghệ còn chậm. Đa số sản phẩm thủ công mỹ nghệ vẫn sản xuất theo mẫu cũ, ít được cải tiến, sáng tạo mới. Một số làng nghề chuyên sản xuất theo mẫu đặt hàng của khách. Việc đăng ký thương hiệu hàng hóa và kiểu dáng sản phẩm chưa được quan tâm đầu tư, hỗ trợ.
Điển hình như: làng nghề gốm Phù Lãng, huyện Quế Võ (Bắc Ninh). Trước đây, sản phẩm của làng gốm Phù Lãng chủ yếu là đồ gia dụng và tiêu thụ ở thị trường trong nước. Vào khoảng thập niên 90 của thế kỷ trước, đây là những mặt hàng rất được ưa chuộng. Tuy nhiên, khi các sản phẩm cùng loại được thay thế bằng các chất liệu khác có độ bền hơn, mẫu mã đẹp đã làm giảm sức cạnh tranh của các sản phẩm bằng gốm. Đến nay, người làm gốm ở Phù Lãng phải lăn lộn tìm thị trường tiêu thụ cho sản phẩm của mình và chật vật giữ nghề khi thế hệ trẻ đã không còn mặn mà với nghề truyền thống của cha ông.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam Trịnh Quốc Đạt cho biết, công tác dạy nghề truyền thống chưa phát huy hiệu quả tại các làng nghề; các mô hình đào tạo nghề vẫn chưa thu hút được đông đảo lao động nông thôn tham gia, chất lượng đào tạo còn hạn chế và thiếu tính bền vững. Chính điều này đã làm hạn chế sự phát triển của làng nghề Việt Nam. Nguyên nhân chính là do đặc thù của nghề truyền thống là nghề thủ công mỹ nghệ đòi hỏi kỹ thuật tinh xảo, người thợ phải được học làm sản phẩm từ đơn giản đến phức tạp với thời gian từ vài năm trở lên mới có thể độc lập gia công sản phẩm có giá trị hàng hóa. Trong khi đó, các lớp dạy nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống với thời gian 3 - 4 tháng mới chỉ dạy cho học viên làm được những sản phẩm đơn giản hoặc chỉ gia công một công đoạn nào đó của sản phẩm. Học viên mới tốt nghiệp các lớp thủ công mỹ nghệ ngắn ngày nếu không được các doanh nghiệp làng nghề hoặc các thợ lành nghề hướng dẫn sản xuất thì không thể tự mình hành nghề được. Thêm vào đó, dạy nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống chủ yếu áp dụng phương pháp truyền nghề, chính vì vậy, rất cần những nghệ nhân, thợ giỏi nghề thủ công, mỹ nghệ tham gia dạy nghề.
Hiện nhiều địa phương mới chú trọng dạy nghề nông nghiệp, công nghiệp mà chưa chú trọng đúng mức việc dạy nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống hoặc lúng túng trong công tác chỉ đạo, định hướng sản xuất… Thực tế, sản phẩm ngành nghề truyền thống muốn hấp dẫn khách hàng thì phải có giá trị văn hóa nghệ thuật. Điều đó không thể thiếu vai trò của nghệ nhân, nghệ sĩ. Vì thế, muốn có bước đột phá về mẫu mã hàng truyền thống hiện đại phải có một chính sách đặc biệt với các nghệ nhân, nghệ sĩ thực thụ.
Ngoài ra, năng lực nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ trong các làng nghề còn thấp, chưa có đội ngũ kỹ thuật viên chuyên nghiên cứu, sáng tác mẫu mã mới cho sản phẩm thủ công.
Để giải quyết khó khăn, giúp các làng nghề phát triển trong thời kỳ hội nhập, cần có những giải pháp hiệu quả xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường cũng như bảo đảm đầu ra cho sản phẩm. Theo Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam Lưu Duy Dần, cần tạo động lực thúc đẩy các nhà khoa học, công nghệ trong việc nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ vào làng nghề; tạo ra các sản phẩm có chất lượng cao, mẫu mã và hình thức đẹp mắt, thu hút được người tiêu dùng.
Cần thay đổi phương thức đào tạo nghề truyền thống hiện nay. Theo đó, hãy để các nghệ nhân tự chọn người truyền nghề. Nhiều nghệ nhân tâm huyết đang có sức khỏe, bỏ vốn kinh doanh phát triển cơ sở sản xuất nghề truyền thống. Đồng hành với quá trình phát triển kinh doanh nghề truyền thống, họ chọn ra những người tâm huyết thực sự với nghề để truyền nghề. Tuy manh mún nhỏ lẻ nhưng nhiều nghệ nhân vẫn cho rằng đây cách bảo tồn phát huy làng nghề tốt, hiệu quả nhất.
Bảo tồn làng nghề truyền thống, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho hàng triệu lao động nông thôn là công việc vô cùng cần thiết trong thời kỳ hội nhập hiện nay, bởi điều này không chỉ góp phần vào việc bảo tồn một bộ phận di sản văn hóa quý báu của dân tộc, mà còn thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội như tạo công ăn việc làm cho lao động dư thừa, tăng thu nhập, xuất khẩu và phát triển du lịch.