Ngô PSC-102 bị lùn xoắn lá, vì sao?
11:08 - 12/04/2016
Khi ngô PSC-102 được 50 ngày tuổi, phần lớn diện tích đã xuất hiện bệnh lùn xoắn lá. Cả nông dân và chính quyền địa phương đang lúng túng vì không thể trồng trỉa lại...
PSC-102 bị lùn xoắn lá trên đồng đất Thanh Thủy

Thay vì sử dụng các giống nằm trong cơ cấu được địa phương khuyến cáo, nhiều hộ dân ở xã Thanh Thủy (huyện Thanh Chương, Nghệ An) đã tự mua và gieo trồng giống ngô lai đơn F1 PSC-102 do 1 doanh nghiệp ở Hà Nội cung ứng.

Khi ngô PSC-102 được 50 ngày tuổi, phần lớn diện tích đã xuất hiện bệnh lùn xoắn lá. Cả nông dân và chính quyền địa phương đang lúng túng vì không thể trồng trỉa lại...

Nơi "lùn", nơi tốt

Vụ xuân 2016, chị Đinh Thị Thủy, xóm 3, xã Thanh Thủy mua 1kg ngô lai đơn PSC-102 từ đại lý vật tư nông nghiệp ở xã về gieo trồng. Theo lịch thời vụ, ngày 15/2 chị bắt đầu gieo hạt. Đến đầu tháng 4, sau gần 50 ngày xuống giống, trong khi các giống ngô khác ở các ruộng ngô bên cạnh phát triển xanh tốt thì PSC-102 lại bị lùn xoắn, cây vàng vọt, nhiều lá ngả sang màu đỏ, phải nhổ bỏ.

“Đất đang còn để trống nhưng không biết trồng cây gì để kịp lịch sản xuất vụ tiếp theo. Hôm trước, Cty có về kiểm tra và cấp lại giống cho các hộ bị thiệt hại nhưng gia đình tôi đến muộn nên không còn nữa. Nếu lấy được giống về, chắc tôi cũng không trồng trỉa lại vì thời gian sinh trưởng của giống ngô PSC-102 khá dài, không đảm bảo kịp lịch sản xuất vụ mùa”, chị Thủy cho biết.

Không chỉ riêng ruộng ngô nhà chị Thủy mà hầu hết các hộ sử dụng giống ngô PSC-102 của dân tại các cánh đồng của xã Thanh Thủy đều có chung hiện tượng vàng vọt và thấp lè tè nói trên. Trong khi các giống ngô khác trên cùng cánh đồng đều xanh tốt và đã được vùn gốc.

Trước tình hình này, UBND xã Thanh Thủy đã thông báo trên hệ thống truyền thanh xã, động viên người dân khẩn trương khắc phục bằng cách cấy dặm bằng những giống ngô khỏe mạnh. Để đảm bảo kịp lịch sản xuất vụ mùa sắp tới, UBND xã cũng yêu cầu các hộ vừa nhận giống của doanh nghiệp không gieo trỉa lại, chờ ý kiến chỉ đạo của UBND huyện.

Điều đáng nói là, cùng lô giống PSC-102 nói trên, khi được gieo trỉa tại tại một số xã khác vẫn phát triển bình thường. Theo ghi nhận của PV, tại vùng bãi ven sông Lam, thuộc xóm 8, xã Xuân Tường và xã Thanh Tiên diện tích gieo trỉa bằng giống ngô PSC-102 vẫn phát triển tốt.

Ông Hoàng Văn Tâm, đại diện đơn vị cung ứng giống ngô trên trần tình: “Vụ xuân 2016, UBND huyện Thanh Chương không cơ cấu giống PSC-102. Tuy nhiên, Cty đã xin và được chấp thuận trồng “khảo nghiệm” 2ha tại Xuân Tường và Thanh Tiên. Các hộ dân tham gia được cấp 100% giống, phân, thuốc VBTV.

Ông Nguyễn Tiến Đức, Chi cục trưởng Chi cục BVTV Nghệ An cho biết: “Vài năm lại đây, bệnh lùn xoắn trên cây ngô đã xuất hiện tại một số huyện như Diễn Châu, Đô Lương, Yên Thành, Thanh Chương... Chúng tôi đã gửi mẫu ra trung ương, thậm chí ra tận nước ngoài để xét nghiệm, phân tích nhưng không phát hiện nấm hay vi khuẩn gây bệnh. Lùn xoắn lá trên ngô tại Nghệ An vẫn chưa tìm ra được nguyên nhân”.

Ngoài ra, qua một số kênh phân phối khác, Cty đã cung ứng ra thị trường khoảng 200 kg giống. Lùn xoắn lá chỉ xảy ra ở xã Thanh Thủy, còn các xã khác, PSC-102 vẫn phát triển bình thường. Chúng tôi đã lấy mẫu đi xét nghiệm, nếu nguyên nhân là do giống thì Cty sẽ chịu trách nhiệm trước người dân. Trước mắt, chúng tôi đã phát một lượng giống tương ứng với lượng đã bán ra cho bà con xã Thanh Thủy để gieo trồng lại”.

PSC-102 được “khảo nghiệm” chui?

Ông Nguyễn Duy Thịnh, Chủ nhiệm HTXNN Thanh Thủy cho biết: “Những năm trước, nhờ có chính sách hỗ trợ của nhà nước, người dân mua một số giống ngô do HTX cung ứng. Năm nay, chính sách hỗ trợ không còn, người dân phải tự đi mua các giống ngoài thị trường, thậm chí mua cả giống không có tên trong cơ cấu của địa phương. Nghe nói, ngô PSC-102 đang trong thời gian khảo nghiệm, chưa được bán trên thị trường nhưng không hiểu sao Cty vẫn đem về bán cho người dân (?).

Vừa rồi, doanh nghiệp trên đã về phát bù giống cho người dân và hứa sẽ đền bù bằng sản lượng nếu hiện tượng lùn xoắn lá là do giống không đạt chất lượng. Nhưng nếu sử dụng giống này trồng trỉa lại, vụ mùa chắc chắn sẽ bị chậm vì thời gian từ nay đến khi làm vụ mùa không còn bao lâu”.

15-57-24_3

Ông Thịnh cũng thẳng thắn, hiện tượng lùn xoắn lá trên các giống ngô khác đã từng xuất hiện lẻ tẻ ra tại địa phương từ một số năm trước nhưng không phổ biến như trên giống PSC-102. Có thể vùng đất này đã ủ nguồn bệnh từ nhiều năm nay, khi gặp điều kiện khí hậu thuận lợi và loại giống kháng bệnh kém thì bùng phát (?).

Ông Nguyễn Tiến Dũng, chủ đại lý vật tư nông nghiệp tại xã Thanh Thủy cũng xác nhận, Cty gửi bán tại đây 3 bì, tương đương với 60kg giống. Ngoài ra, họ còn tổ chức một số điểm bán khác trên thị trường nên thực tế lượng giống bán ra trên địa bàn xã Thanh Thủy bao nhiêu ông và chính quyền địa phương cũng không nắm rõ.

Theo lời ông Hoàng Văn Tâm thì mô hình trồng “khảo nghiệm” được thực hiện tại 2 xã Xuân Tường và Thanh Tiên thông qua Trạm Khuyến nông huyện. Tuy nhiên, khi được hỏi về điều này, ông Hà Văn Hóa, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Tường lại cho rằng, chính quyền địa phương không hề hay biết là có một mô hình trồng “khảo nghiệm” giống ngô PSC-102 (?).

Còn ông Trần Phi Hùng, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Thanh Chương cũng tỏ ra khá bất ngờ khi PSC-102 được người dân một số xã đưa vào trồng trỉa khi huyện không đưa vào cơ cấu.

“Từ sự việc này có thể thấy, công tác quản lý giống trên thị trường còn khá lỏng lẻo. Các cơ quan chuyên môn cần sớm vào cuộc, xác định rõ đâu là nguyên nhân. Nếu vùng đất này có sẵn nguồn bệnh thì phải có các phương án xử lý”, ông Hùng cho biết.

VÕ VĂN DŨNG
Nguồn: NNVN
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo