Trồng hoa công nghệ cao: Đầu tư lớn, thu nhập cao
10:37 - 28/04/2016
(TNNN)- Trong những năm gần đây, với tốc độ đô thị hóa nhanh, diện tích đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp, nên việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế trên đơn vị đất canh tác có ý nghĩa quan trọng. Việc người nông dân phát triển hoa theo hướng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là tư duy làm nông kiểu mới giúp bà con làm giàu. Điển hình như tại Lâm Đồng, có nhà vườn trồng hoa công nghệ cao đã đạt tới 1,5 triệu USD/năm (trên 30 tỉ/năm)
Trồng hoa lan hồ điệp trong nhà lưới (Ảnh minh họa, nguồn Internet)

Được thiên nhiên ưu ái ban tặng cho khí hậu mát mẻ quanh năm, Đà Lạt là nơi lý tưởng cho những loài hoa có nguồn gốc ôn đới và bán ôn đới. Trong hơn 10 năm trở lại đây, sản xuất hoa ứng dụng công nghệ cao tại Đà Lạt có bước phát triển nhanh với các sản phẩm hoa cắt cành và hoa để chậu, trong đó phải kể tới các loài hoa nổi tiếng như: Lily, lay-ơn, tulip, hồng, cúc, đồng tiền, cẩm chướng... Hiện mỗi năm Đà Lạt sản xuất khoảng 2 tỷ cành hoa, phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.
 
 
Trong dịp Tết Bính Thân 2015 vừa qua, tại các nhà vườn ở Đà Lạt có ít nhất 50 giống hoa mới trồng được tung ra thị trường. Đây là các loại hoa được ưa chuộng chưng tết được biến tấu màu sắc, độ lớn, kiểu nở để tạo khác biệt so với năm trước như: Cẩm tú cầu màu xanh; hoa cúc nhiều màu trên một hoa (khác với cúc một màu trên cả cây hoa, thường là vàng hoặc trắng); hoa ly nhiều màu có viền trắng hoặc chấm bi, thân ngắn chỉ khoảng 25cm trồng trên giá thể trong chậu nhỏ; thu hải đường có nhiều dải màu đậm nhạt khác nhau trên một cánh hoa.... Cả giống và phương pháp canh tác đều được ứng dụng công nghệ cao.
 
 
Các loại hoa này do một số công ty sản xuất hoa lớn nhập giống mới về và canh tác trong các nhà kính. Các loại hoa được trồng cách ly hoàn toàn khỏi mặt đất, được trồng trên giá thể xơ dừa đã qua xử lý. Chất dinh dưỡng để nuôi hoa được đưa vào giá thể bằng công nghệ tưới nhỏ giọt. Công nghệ này áp dụng sản xuất các giống hoa mới đang được ưa chuộng tại Nhật, Úc, Trung Quốc...
 
 
Hoa trồng trên giá thể không mắc bệnh trên lá, thân cây nên không phải phun thuốc, hoặc chỉ phun thuốc vi sinh dùng trong canh tác nông sản sạch. Những chậu hoa mới này có giá chỉ từ 30.000-100.000 đồng, được tiêu thụ rộng khắp tại các cửa hàng tại Đà Lạt, các chợ hoa truyền thống hoặc chi nhánh, cửa hàng của các công ty lớn và trong siêu thị.
 
 
Đã xuất hiện nhiều nhà kính trồng rau, hoa công nghệ cao của đồng bào dân tộc thiểu số. Anh Păng Ting Sin ở tổ dân phố Bon Đưng 1, thị trấn Lạc Dương, huyện Lạc Dương (Lâm Đồng) là người K'Ho đầu tiên áp dụng phương pháp trồng hoa hồng công nghệ cao. Từ 2.000 m2 ban đầu, đến nay diện tích trồng hoa của gia đình anh đã tăng lên 6.000 m2. Hoa có màu sắc đẹp. Hiện hoa hồng của gia đình anh được các đầu mối thu mua hoa ở Đà Lạt bao tiêu toàn bộ với giá khoảng 900 đồng/cành. Mỗi tháng anh thu hoạch từ 300.000 - 400.000 cành hoa hồng. Trừ chi phí, mỗi năm gia đình anh thu lãi từ 200 - 300 triệu đồng.
 
 
Ông Phan Chứ, tổ 5, phường An Phú, thị xã An Khê (Gia Lai), với 3 sào trồng hoa công nghệ cao, ông đầu tư nhà lồng, hệ thống tưới phun sương tự động. Hiện gia đình ông thu về khoảng 150 triệu đồng/năm, tạo việc làm cho 20 công nhân địa phương với mức lương trung bình 3 triệu đồng/người/tháng.
 
 
Xã Phụng Công (huyện Văn Giang, Hưng Yên) hiện được biết đến là một vùng trồng hoa lan công nghệ cao. Trước đây cây hoa lan không thể phân hoá mầm hoa trong điều kiện tự nhiên ở đồng bằng sông Hồng, phải lên vùng núi Sa Pa hay mua cây đã có sẵn mầm hoa từ Trung Quốc về nuôi trồng. Chính nhờ vào việc thay đổi khí hậu trong nhà kính, tác động vào chất điều hoà sinh trưởng và chế phẩm vi sinh, anh Lưu Bá Hùng và chị Vũ Thị Phượng đã điều khiển cho cây lan phân hoá đựơc mầm hoa với thời gian sinh trưởng ngắn nhất. Thành công này đã mở ra một hướng đi mới cho người dân nơi đây. Người dân trong xã đầu tư một nguồn vốn lớn vào các trang thiết bị hiện đại để trồng lan công nghệ cao trong nhà kính mang lại nguồn thu nhập lớn.
 
 
Tại Tp. Hồ Chí Minh, trang trại hoa lan Huyền Thoại ở ấp Ba Sòng, xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi của chị Đặng Lê Thị Thanh Huyền với diện tích 5 ha được đầu tư trên 10 tỷ đồng làm hệ thống tưới nước tự động, quy trình phun thuốc và bón phân hiện đại. Hiện vườn lan của chị Huyền có hơn 150.000 gốc hoa lan các loại, cung cấp hàng nghìn cành mỗi ngày cho nhiều chợ, siêu thị ở các thành phố lớn và xuất sang Campuchia, Trung Quốc. Vườn lan này cũng mang lại thu nhập ổn định cho gia đình chị Huyền với mức bình quân 2 tỷ đồng/năm.
 
 
Tại Hà Nội, vườn trồng hoa lan công nghệ cao của HTX Đan Hoài - Flora Việt Nam (Đan Phượng, Hà Nội) với diện tích 8ha, sản xuất chủ yếu các loại hoa cao cấp như lily, lan- trong đó hoa lan là cây chủ lực. Hợp tác xã đã đầu tư các cơ sở hạ tầng, trang thiết bị hiện đại như nhà nhân giống nuôi cấy mô, nhà lưới sản xuất điều khiển nhiệt độ tự động qua hệ thống cảm ứng nhiệt máy tính và hệ thống tười nước giữ ẩm tự động, đồng thời các công nhân sản xuất đều có kinh nghiệm trồng hoa và được các chuyên gia nước ngoài tập huấn, chính vì vậy mà sản phẩm hoa được tạo ra tại đây có màu sắc, hương thơm và độ bền khác biệt so với các nơi khác. Hiện nay, sản phẩm hoa công nghệ cao của HTX được tiêu thụ chủ yếu cho các tỉnh thành phía Bắc, một phần được xuất khẩu ra các nước trên thế giới. Hàng năm đơn vị cung cấp cho thị trường hàng triệu cành lan Hồ điệp, lan vũ nữ, địa lan và hàng chục vạn cành hoa ly, hoa loa kèn; giải quyết việc làm cho 100 lao động thường xuyên và khoảng gần 100 lao động thời vụ.
 
 
Sau 5 năm trồng một số loại hoa công nghệ cao trong nhà kính, nhà lưới của HTX hoa, cây cảnh Thụy Hương (xã Thụy Hương, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) cho thấy hiệu quả kinh tế rất cao, 1ha hoa có thể đạt 3 tỷ đồng/năm, trừ mọi chi phí có lợi nhuận 400 – 500 triệu đồng/năm. Hiện nay, HTX trồng 3 loại hoa chính là lan rừng, lan hồ điệp và hoa lyly. Tất cả đều được trang bị hệ thống tưới tiêu tự động. Riêng đối với khu vực nuôi trồng lan hồ điệp được đầu tư nhà lưới hiện đại, có hệ thống điều khiển tự động cho quạt hút gió, hạ được nhiệt độ vào mùa Hè và tăng nhiệt độ vào mùa Đông.
 
 
Trồng hoa theo phương pháp ứng dụng công nghệ cao cho năng suất tăng gấp đôi, gấp ba so với cách trồng thường, thời gian canh tác lại ngắn hơn. Có thể khẳng định, việc chuyển đổi mô hình sản xuất, ứng dụng kỹ thuật công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp đang là hướng đi đúng đắn của nhiều hộ nông dân.

Nguyễn Hải
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo