(TNNN) - Theo nhiều nghiên cứu, đánh giá cho thấy, mức độ sử dụng phân, thuốc hóa học trong nông nghiệp hiện nay rất cao. Nguyên nhân chủ yếu do nông dân muốn tăng năng suất, cải thiện độ phì nhiêu của đất... Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến sự ô nhiễm môi trường, làm mất đi sự cân đối dinh dưỡng trong đất, làm đất bạc màu, ảnh hưởng đến sức khỏe của người lao động, người tiêu dùng.
|
Một mô hình trồng rau ứng dụng hữu cơ sinh học. Ảnh minh họa |
Thực tế cho thấy, phương thức sản xuất nông nghiệp theo kiểu cũ đang dần bộc lộ nhiều hạn chế. Tình hình lạm dụng phân, thuốc hóa học khiến tài nguyên đất đai thoái hóa dẫn đến biến đổi khí hậu. Nó cũng khiến mức độ tồn dư của hóa chất kim loại nặng, ô nhiễm vi sinh vật trong nông sản thực phẩm ngày càng trở nên nghiêm trọng, ảnh hưởng tới sức khỏe con người và môi trường. Thực trạng này chính là hồi chuông cảnh báo, buộc ngành Nông nghiệp phải tái cơ cấu sản xuất theo hướng hữu cơ sinh học nhằm phát triển bền vững, nâng cao giá trị gia tăng và xây dựng thương hiệu trên thị trường quốc tế.
Sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ sinh học đang là xu hướng phát triển của các quốc gia tiên tiến vì những lợi ích mà nó đem lại như bảo vệ môi trường, giảm ô nhiễm, nâng cao chất lượng thực phẩm, bảo đảm sức khỏe của người sản xuất và người tiêu dùng. Ở Việt Nam, sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ và sinh học được biết đến từ lâu nhưng chỉ mới được quan tâm trong một vài năm trở lại đây, nhất là khi những vấn đề về an toàn vệ sinh thực phẩm đang ở mức báo động.
Đã có rất nhiều nghiên cứu của các nhà khoa học về vai trò hữu cơ sinh học trong sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững. Với việc sử dụng các sản phẩm hữu cơ sinh học, giúp bà con nông dân giảm đáng kể lượng phân, thuốc hóa học sử dụng trên đồng ruộng. Bên cạnh đó, còn giúp rất nhiều trong việc giảm bùng phát dịch hại, đảm bảo hệ sinh thái cây trồng, tăng độ màu mỡ của đất… Từ đó, tạo ra những sản phẩm có chất lượng, đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng và đem lại hiệu quả kinh tế cho nông dân.
Với việc ứng dụng giải pháp hữu cơ sinh học, các biện pháp canh tác quản lý dịch hại mới sẽ giúp giảm thiểu tác động có hại đến môi trường. Song song đó, vẫn đảm bảo năng suất, gia tăng độ an toàn và chất lượng sản phẩm nông sản được tạo ra. Đó cũng chính là yếu tố quan trọng để xây dựng thương hiệu an toàn cho nông sản Việt Nam hiện nay. Để làm được điều đó, trước tiên nông dân phải thay đổi phương thức sản xuất để cải thiện chất lượng và nâng cao phẩm chất của từng sản phẩm nông sản.
Hiện tại, có nhiều sản phẩm dinh dưỡng hữu cơ sinh học cải tạo đất, các chế phẩm vi sinh bảo vệ cây trồng, như: Chế phẩm Rhizomyx dùng cải tạo đất, tăng sức đề kháng stress cho cây; nhóm sản phẩm Trichoderma như Trico-Lúa von, Trico-Phytop, Trico-nấm hồng, Trico-ĐHCT- sản phẩm phòng trị hữu hiệu tuyến trùng và nấm bệnh hại trong đất...
Với những tiến bộ của khoa học hiện đại trên thế giới cũng như ở Việt Nam hiện nay, các ứng dụng sinh học ngày càng có nhiều điều kiện áp dụng rộng rãi hơn trong nông nghiệp. Các loại phân bón vi sinh đang thay thế một phần các loại phân vô cơ vốn làm cho đất thoái hóa theo thời gian sử dụng. Phương pháp quản lý sâu bệnh, dịch hại, sử dụng giống kháng, các chế phẩm từ vi dược liệu thuốc bảo vệ thực vật sinh học ngày càng được quan tâm nghiên cứu và ứng dụng theo hiệu quả trong sản xuất.
Phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ sinh học là hướng đi cần và đúng nhưng chưa bao giờ là dễ dàng. Ngành Nông nghiệp hữu cơ ở Việt Nam muốn phát triển tốt cần tập trung vào các gói giải pháp như: chính sách Nhà nước về phát triển nông nghiệp hữu cơ và cấp chứng chỉ cho các sản phẩm hữu cơ ở Việt Nam; liên kết chặt chẽ trong sản xuất và tiêu thụ; sử dụng các phương tiện truyền thông để tuyên truyền, phổ biến sản xuất nông nghiệp hữu cơ và sản phẩm hữu cơ; nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên quy mô lớn; tìm kiếm, xúc tiến, đảm bảo thị trường hữu cơ an toàn, lành mạnh cho người tiêu dùng…