Việc bao trái làm màu sắc quả thay đổi..., không phải do hóa chất có trong túi bọc
Việc bao trái làm màu sắc quả thay đổi là nhờ hiệu ứng ánh sáng tự nhiên, không phải do hóa chất có trong túi bọc...
TS Võ Hữu Thoại (ảnh), Phó Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam (SOFRI) khẳng định, túi bao trái cây đã có mặt và được áp dụng tại ĐBSCL từ năm 2000 đến nay, không có gì có thể gọi là “túi lạ”. Việc bao trái làm màu sắc quả thay đổi là nhờ hiệu ứng ánh sáng tự nhiên, không phải do hóa chất có trong túi bọc.
Thưa ông, biện pháp bao trái xoài và một số cây ăn quả khác có từ khoảng thời gian nào, công dụng của nó là gì?
Bao trái đã được áp dụng vào những năm 2000 trên cây bưởi năm roi, xoài… với loại bao vải không dệt và giấy dầu nhưng mức độ áp dụng chưa nhiều. Việc bao trái trước thu hoạch bắt đầu phát triển mạnh với việc sử dụng các bao vật liệu có sẵn trong nước và NK.
Bao trái trước thu hoạch được xem là một trong các kỹ thuật tiên tiến, được áp dụng rộng rải trong SX cây ăn trái tại nhiều nước trên thế giới. Đây là một kỹ thuật dễ thực hiện và đem lại hiệu quả kinh tế cho người trồng. Một số kết quả nghiên cứu đã cho thấy việc bao trái có hiệu quả tốt trong việc hạn chế được tổn thương cho vỏ trái, giảm tỷ lệ bệnh, tác động của côn trùng và chim, cải thiện màu sắc vỏ trái, hạn chế nám nắng và hạn chế lượng thuốc bảo vệ thực vật sử dụng trên cây, trái được an toàn…
Hiện nay trên thị trường có những loại túi nào, làm bằng chất liệu gì dùng để bao trái? Nghiên cứu của Viện cho thấy các loại túi này có chất cấm hoặc chất độc hại hay không?
Hiện nay trên thị trường có các loại bao trước thu hoạch cho cây ăn trái như sau: Bao PE (poplyethylene); bao vải không dệt (polypropylene spunbonded non-woven fabric); bao giấy Đài Loan (lớp giấy màu vàng ở ngoài và lớp giấy đen bên trong); bao vi lỗ BOPP (Biaxially oriented polypropylene film).
Hiện SOFRI chưa có nghiên cứu về thành phần an toàn hay độc hại của bao bì, mà chỉ khuyến cáo sử dụng các loại bao bì có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng do các Cty trên thị trường NK trực tiếp cung cấp.
Nông dân trồng xoài ở Đồng Tháp và Tiền Giang sử dụng 2 loại túi bao trái xoài, một là không có tráng lớp màu đen bên trong, hai là có lớp màu đen bên trong. Một số bài báo thời gian qua nói rằng, lớp màu đen trong túi bao trái nghi có chất độc khiến quả xoài đổi màu theo ý muốn, nông dân không dám ăn... Ý kiến của Viện về những vấn đề này như thế nào?
Việc sử dụng bao giấy NK từ Đài Loan bao xoài ở hai tỉnh Tiền Giang và Đồng Tháp là bao màu trắng và vàng. Giá của hai bao này khác nhau. Bao vàng có giá thành đắt hơn được sử dụng bao xoài tượng Đài Loan để cải thiện màu vàng cho xoài sau khi thu hoạch. Ngoài ra có thể áp dụng cho xoài Cát Chu vào dịp Tết…
Ảnh minh họa
Sự thay đổi màu quả xoài khi áp dụng việc bao trái bản chất là do màu sắc của túi bao trái giúp tán xạ ánh sáng đều lên quả, làm ảnh hưởng đến khả năng hấp thu ánh sáng và tác động đến quá trình quang hợp, chuyển hóa các thành phần trong trái. Điều này làm tác động đến màu sắc và chất lượng của trái sau thu hoạch. Đây là quy luật tự nhiên trong quá trình phát triển của trái trên cây mà thôi, chứ bản thân túi bao trái không chứa hóa chất giúp cho quả đổi màu sắc.
Viện có khuyến cáo nông dân nên bao trái, nếu có thì nên sử dụng loại nào?
Tùy thuộc vào đặc tính giống hoa quả để chọn loại vật liệu bao trái cho phù hợp. Thường thì nên áp dụng bao trái khi trái vào giai đoạn phát triển ổn định, qua giai đoạn rụng quả sinh lý và/hoặc tỉa trái, có trường hợp phải áp dụng mở bao giai đoạn trước khi thu hoạch để tăng chất lượng màu sắc vỏ quả.
Chúng tôi khuyến cáo nông dân nên áp dụng bao quả trong SX bằng các chất liệu xuyên thấu ánh sáng (trong) để dễ kiểm tra độ chín khi thu hoạch quả. Trên xoài Cát Chu tại Đồng Tháp, bước đầu SOFRI đã nghiên cứu là nên bao quả lúc 35 ngày sau khi đậu quả bằng bao xuyên thấu ánh sáng, có đục lỗ nhỏ (100µm, bao vi lỗ) làm tăng độ sáng màu vỏ tạo sự bóng đẹp và không thay đổi phẩm chất của trái khi thu hoạch.
Ngoài ra, có thể bao giấy Đài Loan ở giai đoạn 42 - 45 ngày sau khi đậu trái. Tỉa những trái bị sâu bệnh, trái dị hình, trái ở đầu ngọn của chùm, cành lá chung quanh che khuất trái. Đồng thời, phun thuốc phòng trừ sâu bệnh và tiến hành bao trái bằng bao chuyên dụng ngay sau đó. Công việc cần tiến hành đồng bộ để nâng hiệu quả quản lý và cải thiện chất lượng trái. Cần tưới nước đầy đủ cho cây trong giai đọan này.
Tùy vào yêu cầu thị trường về màu sắc vỏ xoài thì có thể bao trái trước thu hoạch xoài bằng bao màu tối để tăng độ sáng màu vàng. Bên cạnh đó, tính hiệu quả kinh tế trong SX cũng cần được quan tâm thể hiện qua khả năng và tái sử dụng của bao trái. Khi tái sử dụng bao trái cần được vệ sinh, xử lý hạn chế nấm bệnh đảm bảo an toàn không gây tồn dư hóa chất trên bao bì lên trái.
Xin cảm ơn ông!