Hạn chế tối đa sử dụng kháng sinh trong nông nghiệp
14:36 - 16/06/2016
Trao đổi với NNVN, ông Cao Hưng Thái, Phó Cục trưởng Cục Quản lí Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho rằng, cần rà soát, từng bước hạn chế việc sử dụng kháng sinh trong nông nghiệp, nhất là với mục đích kích thích tăng trưởng trong chăn nuôi.
Ông Cao Hưng Thái

Theo ông Thái, tình trạng kháng kháng sinh (KS) trong y tế của Việt Nam đang hết sức đáng lo ngại. Trong khi đó, việc sử dụng KS trong lĩnh vực nông nghiệp, nhất là chăn nuôi là nguy cơ lớn gây ra tình trạng kháng thuốc trên người.

Ông nói tình trạng kháng KS của Việt Nam đang rất báo động. Xin cho biết một số nguy cơ cụ thể?

Trên thế giới, khi KS Penicillin ra đời, nó chữa vết thương, thủy đậu, giang mai thì tuyệt vời với tỉ lệ khỏi 100%. Một số chủng vi khuẩn (VK) gây viêm loét dạ dày như HP trước đây điều trị bằng KS hiệu quả rất cao, khoảng 10 năm trở về trước thì KS có khả năng tiêu diệt VK này tới 90%, tuy nhiên từ 2003-2010, hiệu quả tiêu diệt của KS chỉ còn khoảng 65%.

Trên thế giới, nhất là Việt Nam, hầu hết các VK hiện đều đã kháng với ít nhất một loại KS, nhiều chủng VK đã kháng với nhiều loại KS, và thậm chí có cả VK đã kháng với tất cả các loại KS.

Nghiên cứu tại hầu hết bệnh viện (BV) ở nước ta hiện nay cho thấy, các loại VK lưu hành phổ biến ở BV như E.coli, Acinetobacter spp, Pseudomonas spp, Klebsiella spp… đã kháng với hầu hết các KS, kể cả các loại KS thế hệ mới, nguy cơ không có thuốc để điều trị.

Gần đây nhất năm 2015, giám sát tại một BV về trẻ em ở Trung ương cho thấy đã có trường hợp trẻ bị mắc vi khuẩn Klebsiella mang kiểu gen KPC thì chỉ có thể chấp nhận tử vong, không có KS nào chữa được, nhất là trẻ sơ sinh thì nguy cơ tử vong là 100%.

Một số BV Trung ương hiện nay đã có VK kháng với đa kháng sinh, buộc phải quay trở lại sử dụng KS Colisstin. Colistin là một loại KS rất đặc hiệu, nhưng lại là KS có độc tính rất cao.

Mỗi khi quyết định dùng KS Colisstin phải rất thận trọng, rất đắt và tốn kém, phải có hội đồng chuyên môn hội chẩn cân đong đo đếm xem quyết định dùng hay không, bởi không khéo dùng Colistin một thời gian người bệnh có thể tử vong vì độc tính KS chứ không phải là vì bệnh nữa.

Điều gì khiến tình trạng kháng thuốc tại nước ta đáng ngại như vậy, thưa ông?

Trong lĩnh vực y tế, việc sử dụng, quản lí KS còn rất lỏng lẻo, chế tài xử lí chưa mạnh tay, hay nhiều người nói đi mua KS như… mua rau!

Mặc dù ngành y tế đã có quy định nhà thuốc chỉ được bán KS theo đơn, nhưng cơ chế giám sát lưu hành thuốc KS chưa hiệu quả. Tỉ lệ mua KS không theo đơn của chúng ta rất cao, có thể nói tới 80-90% (so với Thái Lan chỉ 1-3%, Indonesia chỉ 10-20%)…

Việc quản lí mua bán, sử dụng KS lỏng lẻo như vậy nên người dân sử dụng KS không đúng bệnh, không đúng liều (liều quá cao hoặc quá thấp, thời gian quá ngắn hoặc quá dài).

Việc thực hành sử dụng KS trên y tế còn kém, hoặc có khi vì một lợi ích nào đó mà bác sỹ chỉ định KS không cần thiết, ví dụ bệnh chỉ cần sử dụng KS loại nhẹ thì kê loại KS thế hệ mới đắt tiền, vừa tốn kém vừa gây nguy cơ kháng thuốc rất cao.

Bên cạnh đó, điều kiện cơ sở y tế không cho phép chúng ta chỉ định được loại KS hiệu quả nhất. Chẳng hạn trước khi quyết định sử dụng KS thì phải phân lập định danh được VK, rồi xây kháng sinh đồ… Tuy nhiên chúng ta chưa có đủ cơ sở vật chất để làm được điều này, các BV tuyến huyện hầu hết chỉ kê đơn theo kinh nghiệm điều trị mà thôi.

Việc giám sát tình trạng kháng thuốc chúng ta cũng chưa làm được, nên chưa đưa ra được cảnh báo về các loại KS đã bị VK kháng cao nhằm giúp thầy thuốc kê các loại KS khác thay thế. Đối với công tác quản lí nhà nước, các quy định về sử dụng KS và cả trong y tế lẫn nông nghiệp chưa đáp ứng được.

Ông nói việc quản lí Nhà nước về KS trong nông nghiệp chưa đáp ứng được, vậy chưa được chỗ nào, và cần thay đổi ra sao?

Trong nông nghiệp, vấn đề tồn dư KS trong sản phẩm chăn nuôi, thủy sản hiện vẫn chưa có chế tài xử lí, mà chỉ dừng ở khuyến cáo hạn chế mà thôi. Theo tôi, chúng ta phải từng bước kiểm soát chặt sản phẩm chăn nuôi khi đưa ra thị trường, chỉ những sản phẩm đã hết dư lượng KS thì mới cho phép đưa ra tiêu thụ.

17-52-24_kt
Phải hạn chế dần việc sử dụng KS trong chăn nuôi

 

Theo đó, ngành y tế và nông nghiệp cần phối hợp để tăng cường công tác quản lí, giám sát dư lượng KS theo chuỗi từ cơ sở SX tới tiêu thụ. Hiện nay, các thiết bị của ngành y tế cho phép kiểm tra nhanh dư lượng các kháng sinh, nhưng xác định hàm lượng tồn dư định lượng thì còn hạn chế.

Đối với các loại KS sử dụng trong thú y, và nhất là chăn nuôi, giữa ngành y tế và nông nghiệp cần phải cùng nhau rà soát, tiến tới cấm sử dụng một số KS nếu cần thiết. Bởi một số loại KS dùng trong chăn nuôi hiện nay bên y tế lại là loại rất đắt tiền, rất quý.

Vì vậy trên cơ sở chia sẻ thông tin về tình hình kháng KS của ngành y tế, ngành nông nghiệp có thể rà soát, cấm các loại KS đã bị kháng cao bên y tế, hoặc kiểm soát, chỉ cho phép sử dụng ở mức độ nào đó trong nông nghiệp.

Một số quốc gia hiện đã cấm sử dụng KS trong chăn nuôi với mục đích tăng trưởng, theo ông chúng ta có nên cấm không?

EU đi tiên phong trong việc cấm sử dụng KS trong chăn nuôi, Mỹ cũng đang giảm dần, Hàn Quốc thì đã cấm hàng chục loại KS trước đây từng cho phép trong chăn nuôi… WHO khuyến cáo KS nói chung, kể cả bên y tế hay nông nghiệp thì cũng hạn chế tối đa có thể việc sử dụng, chỉ sử dụng khi cần thiết và có kiểm soát.

Đối với chăn nuôi thì không sử dụng KS là tốt nhất, tuy nhiên trong điều kiện an toàn dịch bệnh, lợi ích mà KS mang lại còn lớn và đóng vai trò quan trọng, thì chúng ta cũng cần từng bước đi tới kiểm soát dần.

Quan điểm của tôi là cần có nghiên cứu rà soát, đưa ra chương trình hành động cụ thể về phòng chống kháng thuốc trong lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản.

Theo đó cần tập trung mấy việc như: Ngành y tế phối hợp với nông nghiệp rà soát, cân nhắc lại danh mục các loại KS cấm trong chăn nuôi, thủy sản theo hướng giảm nguy cơ kháng thuốc đối với ngành y tế, có lộ trình kiểm soát cho từng loại KS, trên từng loại vật nuôi. Đồng thời có nghiên cứu song song với các loại chế phẩm thay thế trong chăn nuôi.

Đối với KS tăng trưởng chăn nuôi, nên rà soát đánh giá lại, nếu thấy KS nào có nguy cơ tác động kháng thuốc quá lớn cho y tế thì kiên quyết cấm. Đối với KS trong thú y, cũng cần có chương trình giám sát tồn dư KS sau khi tiến hành phòng trị bệnh tại các cơ sở chăn nuôi để có sự điều chỉnh phù hợp.

Xin cảm ơn ông!

LÊ BỀN
Nguồn: NNVN
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo