Cần một thị trường bền vững cho đầu ra nông sản
16:55 - 29/06/2017
(TNNN) - Tình trạng được mùa mất giá của khá nhiều mặt hàng nông sản liên tục diễn ra trong thời gian vừa qua gây thiệt hại rất lớn đối với ngành nông nghiệp nói chung. Không những thế, còn ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của hàng trăm nghìn người nông dân khắp nơi trong cả nước.


Cộng đồng xã hội phải kêu gọi giải cứu cho chuối ở Đồng Nai vì giá thấp mà vẫn ế không ai mua

 

Nước ta tuy có thế mạnh phát triển nông sản đặc sản song do sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, lại thiếu sự liên kết bền vững đã khiến nhiều loại nông sản chưa có chỗ đứng vững chắc trên thị trường xuất khẩu cũng như thị trường tiêu thụ trong nước. Liên tiếp trong những tháng đầu năm tới nay, giá bán nông sản, bao gồm cả thịt gia súc, gia cầm và các loại rau, củ, quả liên tục xuống thấp ở mức chạm đáy. Điều này đã khiến người dân luôn trong tâm trạng bất an, lo lắng vì bỗng chốc lâm vào hoàn cảnh trắng tay sau một mùa vụ vất vả lao động trên đồng ruộng.

 
Từ đầu năm đến nay, thị trường nông sản trong nước đã phải chứng kiến liên tiếp việc các mặt hàng nông sản, thực phẩm rơi vào tình trạng bị nghẽn đầu ra khiến cho giá bán liên tục giảm mạnh. Các cuộc giải cứu nông sản cứ nối tiếp nhau, các tổ chức đứng ra kêu gọi cộng đồng cùng chung tay hỗ trợ để giúp người nông dân bớt đi phần nào thiệt hại.

 
Tình trạng được mùa nhưng rớt giá như: Dưa hấu ở Quảng Ngãi phải đổ bỏ; chuối ở Đồng Nai giá thấp vẫn ế không ai mua; cà chua chín thối ruộng, cà rốt giá rẻ như bèo… Và đỉnh điểm là cuộc khủng hoảng, dư thừa thịt lợn đang lan rộng trong cả nước khiến cho các cấp, các ngành phải đau đầu để tìm biện pháp tháo gỡ, người chăn nuôi thì điêu đứng vì nợ nần, thậm chí có nguy cơ bên bờ vực phá sản.

 
Mặc dù cộng đồng xã hội đã ngay lập tức hưởng ứng những lời kêu gọi, chung tay tổ chức cứu hộ, thu mua giúp nông sản để chia sẻ bớt khó khăn cho bà con nông dân, song liệu rằng xã hội có thể kiên nhẫn để giải cứu hết nông sản này đến nông sản khác mãi được hay không. Một bài toán lớn đang rất cần được có lời giải đáp chính là chúng ta phải làm gì để có được nền nông nghiệp phát triển một cách bền vững?

 
Không riêng gì nông sản, hiện giá bán của các sản phẩm đều đang phụ thuộc rất lớn vào quy luật cung - cầu của thị trường. Muốn thoát khỏi cảnh bị thương lái ép giá, hoặc cảnh bấp bênh theo sự trồi sụt của thị trường thì nông dân phải biết liên kết, ký hợp đồng với các doanh nghiệp để có đầu ra cho sản phẩm.

 
Thế nhưng, mặc dù đã được vận động, khuyến khích rất nhiều nhưng hiện nay người nông dân vẫn muốn tự sản xuất, tự tiêu thụ hoàn toàn theo cảm tính. Hơn nữa, cứ hễ thấy vụ trước sản phẩm nông sản nào được thị trường ưa chuộng, có giá bán cao là sẽ lập tức ồ ạt mở rộng diện tích để trồng thêm những vụ tiếp theo. Chính việc làm tự phát này đã dẫn đến hệ lụy kép đó là thừa nguồn cung và gây hại cho đất trồng.

 
Trước tình hình trên, mới đây, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản đã ra đời, là đơn vị trực thuộc Bộ Nông nghiệp & PTNT.

 
Với tư cách là một cơ quan chuyên trách, lo đầu ra cho các sản phẩm nông sản, Cục có sứ mệnh phối hợp với các cơ quan liên quan để tổ chức tốt khâu sản xuất gắn kết với thị trường. Đây là đơn vị đang được chờ đợi và đặt nhiều kỳ vọng vì sẽ góp phần vào việc giải cứu cho nông sản Việt bằng cách xây dựng hệ thống phân phối sản phẩm hỗ trợ người nông dân.

 
Đơn vị này sẽ thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng quản lý Nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật về phát triển thị trường nông, lâm, thủy sản và muối; điều phối các hoạt động phát triển thị trường; đầu mối quản lý và chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản và muối thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của Bộ theo phân cấp, ủy quyền của Bộ trưởng.

 
Nhiệm vụ quan trọng của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản là xây dựng chiến lược về thị trường nông sản trong nước và quốc tế; xây dựng cơ sở dữ liệu, thương mại điện tử phục vụ xúc tiến thương mại; quảng bá các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam.

 

Được biết, về bộ máy, trước mắt Cục sẽ cho thành lập mới Chi cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản ở phía Nam. Sau đó, từng bước theo yêu cầu, nhiệm vụ cụ thể sẽ thành lập Chi cục ở 5 vùng trên cả nước. Ngay sau khi công bố thành lập, Bộ sẽ gửi văn bản đến các địa phương đề nghị phối hợp chặt chẽ, cung cấp thông tin để dự báo thị trường một cách chính xác.


 
Đức Hạnh
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo