Ông Thái Quốc Dân – Phó Chánh Văn phòng điều phối xây dựng NTM TP.HCM, cho biết, dù chưa có điều tra cập nhật mới về thu nhập tại 56 xã xây dựng NTM của TP.HCM, tuy nhiên, căn cứ kết quả đạt tiêu chí thu nhập của các xã, tạm tính thu nhập bình quân đạt mức 41,477 triệu đồng/người/năm.
|
Trang trại dưa lưới của anh Nguyễn Lê Cẩm Tú (xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn, TP.HCM) cho doanh thu hơn 680 triệu đồng/năm |
Trước đó, theo kết quả điều tra thu nhập hộ gia đình tại 56 xã xây dựng NTM công bố tháng 6.2015 bởi Cục Thống kê thành phố và Sở NNPTNT, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn TP.HCM đạt 39,72 triệu đồng. Đây là kết quả của quá trình xây dựng, phát triển nông nghiệp, nông thôn TP.HCM trong nhiều năm qua.
TP.HCM xác định, xây dựng NTM là một tiến trình, phải theo hướng phát triển đi lên. Từ đó, với các xã đã đạt chuẩn phải luôn có giải pháp thực hiện, nhằm tiếp tục duy trì và nâng chất các tiêu chí đạt chuẩn trong gia đoạn mới. “Phải xác định đạt tiêu chí không phải là kết quả cuối cùng, mà chỉ là đánh giá mức độ đạt được trong một quá trình, là mức để so sánh sự phát triển giữa các vùng, theo hướng nâng cao chất lượng cuộc sống” - ông Dân cho biết.
Khác với bộ tiêu chí NTM chung của cả nước, TP.HCM có các tiêu chí“động” như tiêu chí hộ nghèo, tiêu chí thu nhập, việc làm... Nếu như trước đây, hộ nghèo ở TP.HCM thu nhập từ dưới 12 triệu đồng/người/năm, đến giai đoạn 2014 – 2015, mức thu nhập của hộ nghèo được xác định là dưới 16 triệu đồng/người/năm.
Dự kiến, trong giai đoạn 2016 – 2020, tiêu chí xác định hộ nghèo ở TP.HCM là những hộ có thu nhập dưới 21 triệu đồng/người/năm. Không chỉ vậy, hộ nghèo không chỉ được xác định theo tiêu chí thu nhập mà được đánh giá đa chiều, tức khả năng tiếp cận các vấn đề về giáo dục, y tế, văn hóa, thông tin, chất lượng cuộc sống... của hộ dân.
Theo ông Nguyễn Phước Trung – Giám đốc Sở NNPTNT TPHCM, để làm được điều này, TP.HCM có các cơ chế chính sách phù hợp, giúp huy động được nguồn lực trong dân, nhằm đẩy mạnh phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập. Ngoài ra, những chính sách này chính là đòn bẩy, giúp sử dụng hiệu quả nguồn vốn trong dân.
Cụ thể như, nhờ các quy định về chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị trên địa bàn thành phố giai đoạn 2011 – 2015, với 1 đồng vốn ngân sách thành phố hỗ trợ lãi vay cho các tổ chức, cá nhân thực hiện theo định hướng chương trình mục tiêu phát triển nông nghiệp đô thị của thành phố, sẽ huy động được 32 đồng vốn dân và cộng đồng đầu tư. Trong đó, vốn huy động từ các tổ chức tín dụng là 20 đồng, còn lại vốn huy động trong dân là 12 đồng.
Sử dụng đồng vốn hiệu quả, sản xuất phát triển, đời sống người dân được tăng cao. Năm 2016, giá trị sản xuất bình quân trên mỗi ha đất sản xuất nông nghiệp đạt 410 triệu đồng/ha, tăng 9,3% so với năm 2015 (mức 375 triệu đồng/ha/năm). 5 tháng đầu năm 2017, giá trị sản xuất nông lâm ngư nghiệp thành phố ước đạt 4.493 tỷ đồng, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm 2016.