Mưa to đầu mùa khiến nông dân thiệt đơn thiệt kép
16:25 - 05/06/2017
ĐBSCL mới bắt đầu chuyển sang mùa mưa nhưng liên tục hứng chịu những cơn mưa lớn kéo dài gây khó khăn cho sản xuất nông nghiệp.

Mấy ngày qua, do ảnh hưởng đợt mưa kéo dài, cũng đúng lúc các tỉnh, thành ĐBSCL vào thời điểm thu hoạch lúa hè thu (HT). Nhiều nông dân phải thuê máy thu hoạch với giá cao, lúa tổn thất nhiều, khó tiêu thụ.

ĐBSCL liên tục hứng chịu những cơn mưa lớn kéo dài gây khó khăn cho sản xuất nông nghiệp

Đi dọc huyện lộ 854 nối địa bàn huyện Bình Tân (Vĩnh Long) với các huyện Châu Thành, Lai Vung, Lấp Vò (Đồng Tháp), nhiều diện tích lúa HT của bà con sắp bước vào thu hoạch do gặp mưa làm đổ ngã nghiêm trọng. Một số hộ đã chủ động gom lúa thành từng bó để dễ thu hoạch và hạn chế hao hụt, còn phần lúa ngã không thể cắt thì đã lên mộng. Thậm chí mưa kéo dài làm ruộng bị ngập nước, máy cắt phải “trùm mền” chờ nắng lên mới có thể thu hoạch.

Ông Trương Văn Hiển ở ấp Phú Thạnh, xã An Phú Thuận, huyện Châu Thành (Đồng Tháp) trồng 7 công giống lúa OM 5451 cho hay: “Ruộng của gia đình tôi đã gần tới ngày thu hoạch nhưng do trời mưa liên tiếp cả tuần nay, lúa bị đổ ngã hơn 90%. Nếu thời tiết thuận lợi, ước thu hoạch đạt trên 40 giạ/công, nhưng giờ mong là được 25 - 30 giạ/công là mừng, công sức mấy tháng trời coi như bỏ không”.

Đang chờ chuẩn bị thu hoạch 18 công lúa, ông Nguyễn Hồng Việt ở cùng xã than thở: “Mưa lớn làm lúa ngã lên mộng không biết khi nào mới cắt được nữa, không chỉ vậy giá lúa cũng đang sụt, lúc lúa đứng thì thương lái đến đặt cọc trước 200.000 đồng/công, họ hứa mua với giá 4.700 đồng/kg. Nhưng gần đến thu hoạch lúa bị mưa gió làm đổ rạp hoàn toàn, thương lái chỉ đồng ý mua giá 4.100 đồng/kg, giá thấp nhưng buộc phải bán, chứ thời tiết này thì không thể phơi. Với giá này xem như lỗ chắc”.

Ông Trần Văn Côn ở xã Tân Thạnh, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ cho biết cách nay vài ngày, gia đình ông thu hoạch lúa đông xuân trong mưa dầm nên sản lượng rất thấp so với trung bình nhiều năm qua. Theo ông Côn, đông xuân là vụ chính trong năm nhưng đa phần năng suất lúa ở vùng này chỉ đạt 4,5 - 5 tấn/ha nên rất khó có lợi nhuận. Giá lúa chất lượng thấp IR 50404 cũng đứng ở mức 4.800 - 4.900 đồng/kg. Nếu nông dân tự phơi sấy, làm khô các loại lúa thì bán được cao hơn 1.000 đồng/kg. Thông thường, nếu lúa đứng thì giá thuê nhân công hoặc máy gặt đập liên hợp thu hoạch chỉ 140.000 - 150.000 đồng/công (1.000m2). Tuy nhiên, nếu gặp mưa giông, lúa đổ ngả thì chi phí này có nơi tăng gấp đôi.

An Giang là tỉnh xuống giống lúa HT muộn nhất ở ĐBSCL. Do thời tiết mưa nhiều đã gây ra những khó khăn cho sản xuất.

Ông Võ Thanh Tân, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt - BVTV An Giang cho biết, tính đến 25/5, toàn tỉnh đã xuống giống 216.952ha lúa HT 2017, đạt 90,7% diện tích kế hoạch 239.002ha, chậm hơn so cùng kỳ 15.000ha.

Theo dự báo mùa mưa năm nay đến sớm hơn cùng kỳ và cũng có khả năng sẽ kết thúc sớm, đến tháng 10/2017, lượng mưa lại thấp hơn khoảng 30% so với TBNN. 

"​Đối với lúa ở giai đoạn đòng - trổ, cần duy trì mực nước ruộng thích hợp để hạn chế rầy nâu chích hút thân cây. Khi phát hiện rầy nâu, cần theo dõi khi mật số rầy cám xuất hiện mật số cao 3 con/1 tép lúa, rầy tuổi 2 - 3, phun thuốc theo nguyên tắc "4 đúng"", ông Tân chia sẻ.

Với tình hình xuống giống muộn kết hợp với tình hình diễn biến thời tiết ở thời điểm hiện nay, lúa HT giai đoạn mạ đến trổ nhiễm các đối tượng dich hại, sâu bệnh như chuột, rầy nâu, sâu cuốn lá, đạo ôn lá... Lũy kế từ đầu vụ đến nay diện tích nhiễm là 29.285ha.

Ngoài ra, mưa lớn liên tục cũng gây ảnh hưởng đến việc nuôi, chăm sóc tôm nước lợ ở các tỉnh ven biển. Nuôi tôm - lúa đang trong thời điểm chính vụ thu hoạch. Tuy nhiên, một số hộ nuôi nuối vụ hoặc tôm chết phải cải tạo lại thả nuôi vụ mới, tôm vẫn còn nhỏ.

Ông Nguyễn Văn Việt ở xã Đông Hòa, huyện An Minh, Kiên Giang đang nuôi hơn 2ha tôm sú quảng canh tôm - lúa cho biết: “Tôm tôi thả đợt sau đến nay chưa được 2 tháng, mới đạt khoảng 60 con/kg. Mấy ngày qua thời tiết mưa nhiều làm độ mặn trong ao nuôi giảm nhanh, tôm dễ bị sốc môi trường, dịch bệnh tấn công gây thiệt hại. Vì vậy, cứ sau mỗi trận mưa lớn là gia đình tôi phải tạt vôi, men vi sinh để giúp ổn định môi trường nước. Cứ sau mỗi trận mưa lớn kéo dài là nông dân lại tốm kém chi phí và công lao động”.

Nguồn: NNVN
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo