Ngành ngân hàng chung tay tháo gỡ khó khăn cho người chăn nuôi
17:21 - 01/06/2017
(TNNN) – Vừa qua, tình trạng giá thịt lợn bị hạ thấp ở mức kỷ lục suốt một thời gian dài khiến cho người chăn nuôi trong cả nước lao đao. Nhiều trang trại có quy mô lớn thậm chí còn lâm vào hoàn cảnh phải chịu thua lỗ và thiệt hại nặng.
Người chăn nuôi trong cả nước đang mong mỏi có những chính sách hỗ trợ về vốn vay kịp thời để vượt qua được khó khăn



Có thể nói, đây là đợt giá thịt lợn hơi giảm sâu nhất kể từ trước đến nay. Thời gian giảm giá của mặt hàng này đã kéo dài khoảng hơn 5 tháng, trong đó riêng 3 tháng gần đây, thậm chí đã hạ xuống mức giá thấp kỷ lục, còn có 15.000 - 16.000 đồng/kg với lợn có trọng lượng từ 120 kg/con trở lên và 27.000 - 28.000 đồng/kg đối với những con nặng dưới 120 kg/con. Nếu tính bình quân, cứ 1 con lợn thịt khi bán ra, người chăn nuôi phải chịu thua lỗ khoảng hơn 1 triệu đồng. Do đó, đối với những trang trại có tổng đàn nuôi lớn, việc thiệt hại mất tiền tỷ là điều không tránh khỏi.



Hiện nay, giá bán thịt lợn hơi trên thị trường vẫn chưa có dấu hiệu được phục hồi rõ nét mặc dù các cấp từ Trung ương tới địa phương đều đang hết sức nỗ lực, tập trung triển khai nhiều giải pháp những mong tháo gỡ phần nào bế tắc cho người nông dân. Do đó, nếu như không có những chính sách hỗ trợ về vốn vay kịp thời, chắc chắn nhiều trang trại chăn nuôi sẽ khó có thể vượt qua được khủng hoảng lần này. Và một nguy cơ khác đang bày ra trước mắt khi sắp tới đây, đàn lợn trong cả nước sẽ có thể lâm vào tình cảnh bị đột ngột giảm sút rất mạnh. Như vậy, tiếp ngay sau khủng hoảng thừa về thịt lợn, sẽ có thể xảy ra một cuộc khủng hoảng thiếu.



Đại diện của Cục Chăn nuôi- Bộ Nông nghiệp & PTNT cho biết, tính đến nay, trong các cơ sở chăn nuôi trên cả nước vẫn còn tồn đọng khoảng 1,5 triệu con lợn chưa tìm được đầu ra. Với trọng lượng bình quân từ 100 - 150 kg/con lợn, nghĩa là tương đương với khoảng 300.000 tấn thịt lợn hơi vẫn đang thừa ế.



Theo ước tính, số lượng đàn lợn hiện tại của cả nước đã sụt giảm khoảng 0,2% so với thời điểm cùng kỳ năm 2016. Sản lượng thịt lợn hơi đến thời điểm có thể xuất chuồng tăng 4,3% so với năm trước. Số lượng đàn lợn vẫn đang tiếp tục giảm do hiệu ứng ngược về giá ở tất cả các địa phương, đặc biệt là đối với mặt hàng lợn nái.


Một số doanh nghiệp trong lĩnh vực chăn nuôi cũng cho biết, sau thời điểm giảm giá kể từ tháng 12/2016 cho đến đầu năm 2017, giá lợn thịt hơi siêu nạc có tăng nhẹ, dao động ở mức 40.000 - 41.000 đồng/kg tại miền Bắc và 29.000 - 34.000 đồng/kg ở phía Nam. Tuy nhiên, bắt đầu từ tháng ​2 trở lại đây, giá thịt lợn hơi xuất chuồng đã giảm mạnh xuống mức thấp nhất trong vòng 10 năm qua, ở mức dưới 20.000 đồng/kg.



Nguyên nhân chính làm cho giá lợn xuống thấp như vừa qua chủ yếu là do nguồn cung vượt xa cầu. Sau nhiều năm phát triển nóng, đặc biệt là đối với ngành chăn nuôi lợn, các loại thực phẩm trong nước đã vượt khá xa so với khả năng tiêu thụ của thị trường trong nước. Bên cạnh đó, do thị trường xuất khẩu vẫn chưa được mở rộng, việc bán lợn hơi qua đường tiểu ngạch gặp nhiều khó khăn do các chính sách quản lý đường biên; do vấn đề chế biến sâu để đa dạng hóa sản phẩm và kết nối thị trường cả trong và ngoài nước còn nhiều hạn chế….



Ngoài ra, khâu kiểm soát việc tiêu thụ, nhất là đối với các thương lái thu mua lợn hơi còn quá nhiều lỗ hổng. Tất cả những nguyên nhân đó gây ra sự lũng đoạn thị trường, đồng thời tâm lý đám đông đua nhau tăng đàn tự phát cũng đã làm ảnh hưởng đến người chăn nuôi cũng như giá cả thịt lợn trong nước như vừa qua…



Đối với các mô hình chăn nuôi kiểu trang trại, nếu trước đây, để đầu tư cho việc tăng đàn thì số đông người chăn nuôi đều phải chấp nhận đi vay vốn từ các ngân hàng. Đến khi người nuôi gặp thua lỗ liên tiếp trong nhiều tháng khiến cho nhiều trang trại lâm vào cảnh trắng tay, có những người không cầm cự được đã buộc phải bán trang trại để giảm bớt gánh nặng nợ nần.



Những hộ chăn nuôi nào vẫn muốn trụ lại thì ngoài việc lo trả vốn đến hạn, còn phải tìm tiếp nguồn vay mới để có thể tiếp tục duy trì đàn lợn. Thế nhưng, thực tế cho thấy có khá nhiều cơ sở, trang trại chăn nuôi không còn nguồn lực và không tiếp cận được bất cứ nguồn vốn nào để có thể duy trì, tái đàn sau đợt giảm giá lợn vừa qua. Ngành chăn nuôi đang cho thấy một sự thiếu bền vững cả về quy hoạch lẫn sản phẩm.



Để sớm tìm ra kênh vốn nhằm tháo gỡ khó giúp người chăn nuôi trong nước, mới đây Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đã thực hiện tái cơ cấu khoản nợ (giãn nợ) 364,7 tỷ đồng cho người chăn nuôi. Giải pháp dài hạn, để tránh trường hợp thiếu hụt nguồn cung về sau do người dân lại ồ ạt bỏ nuôi lợn vì thua lỗ, NHNN yêu cầu các ngân hàng thương mại tiếp tục cho người chăn nuôi vay thêm, nhưng phải trên cơ sở bảo đảm có lãi.


Theo ông Đào Minh Tú- Phó Thống đốc NHNN cho biết: Hiện dư nợ toàn ngành cho chăn nuôi lợn là gần 30 nghìn tỷ đồng. Trong đó, cho vay ngắn hạn 12.665 tỷ đồng, chiếm 43%, cho vay dài hạn là 16.679 tỷ đồng, chiếm 57%; với tổng số hộ nông dân và doanh nghiệp kinh doanh chăn nuôi lợn là 506.058 khách hàng.



Đã có một số động thái tích cực từ các ngân hàng trong nỗ lực tìm cách giúp đỡ người chăn nuôi. Ngân hàng TMCP Kiên Long (Kienlongbank) đã có chủ trương giảm lãi vay với hộ nuôi lợn trên toàn quốc. Cụ thể, từ ngày 10.5.2017, Kienlongbank sẽ xem xét giảm 30% lãi suất cho vay hiện hữu đối với các khách hàng hoạt động sản xuất- kinh doanh chăn nuôi lợn đã nhận cấp vốn tín dụng của Kienlongbank trong thời gian qua. Thời gian triển khai chương trình dự kiến là 3 tháng (90 ngày).


Cụ thể, trong thời gian này, Kienlongbank sẽ hỗ trợ khách hàng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giảm lãi vay, lãi quá hạn, ưu tiên thu nợ gốc trước, thu nợ lãi sau nhằm giúp khách hàng có điều kiện khắc phục khó khăn, phục hồi sản xuất kinh doanh.


Trước đó, LienVietPostBank cũng đã tuyên bố sẽ dành gói ưu đãi 500 tỉ đồng cho các đối tượng là nông dân, nhà máy chế biến thịt lợn đông lạnh… với lãi suất thấp hơn 2% so với lãi suất thị trường mà các đối tượng này vay vốn trong thời hạn 1 năm.


Mới đây, thực hiện Văn bản số 3091 của NHNN, Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) vừa chỉ đạo trong toàn hệ thống về việc tháo gỡ khó khăn đối với khách hàng sử dụng vốn vay ưu đãi đầu tư chăn nuôi lợn.



Theo đó, để kịp thời hỗ trợ người chăn nuôi lợn, giúp người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, khôi phục và ổn định sản xuất, Ngân hàng CSXH yêu cầu chi nhánh Ngân hàng CSXH các tỉnh, thành phố gia hạn nợ theo cơ chế gia hạn nợ thông thường đối với khách hàng sử dụng vốn vay ưu đãi đầu tư chăn nuôi lợn, sản xuất thức ăn chăn nuôi và sản xuất thuốc thú y gặp khó khăn khi chưa trả được nợ, khi đến hạn và có nhu cầu đề nghị gia hạn nợ.



Bên cạnh đó, căn cứ vào nguồn vốn, điều kiện cụ thể của từng địa phương và cơ chế cho vay hiện hành, Ngân hàng CSXH nơi cho vay cần phối hợp với chính quyền địa phương tiếp tục xem xét cho vay đối với các hộ có nhu cầu vay vốn để khôi phục sản xuất, kinh doanh đối với khách hàng có dự án, phương án sản xuất kinh doanh khả thi.


 

Ngọc Duy
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo