Đó là ý kiến của các nhà quản lý tại hội nghị sơ kết thi hành Luật Hợp tác xã (HTX) năm 2012 trong lĩnh vực nông nghiệp vùng trung du và miền núi phía Bắc do Bộ NNPTNT tổ chức tại Hà Giang.
|
Các đại biểu thăm quan gian hàng trưng bày sản phẩm đặc sản do các HTX trên địa bàn tỉnh Hà Giang sản xuất. |
Tính hình thức của HTX
Ông Ma Quang Trung – Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn (Bộ NNPTNT) cho biết, tại khu vực trung du và miền núi phía Bắc, nông dân chủ yếu sản xuất nhỏ lẻ, manh mún. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến hiệu quả sản xuất nông nghiệp ở khu vực này thấp nhất so với cả nước. Cũng theo ông Trung, do hiệu quả hoạt động của các HTX còn thấp nên chưa khuyến khích được người dân tham gia vào các HTX. “Thống kê cho thấy, mới chỉ có 15% số hộ nông dân, tương đương hơn 1,8 triệu hộ ở khu vực này tham gia vào HTX nông nghiệp. Một bộ phận HTX đã tổ chức lại hoạt động theo Luật HTX năm 2012 nhưng còn mang tính hình thức, chưa mang lại lợi ích rõ rệt cho xã viên. Các mô hình HTX kiểu mới trong các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp… chậm được tổng kết và nhân rộng” – ông Trung nhấn mạnh.
Để tháo gỡ khó khăn trong đăng ký lại, thành lập mới, sáp nhập, giải thể, chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012, các đại biểu cho rằng cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho nông dân và cán bộ cơ sở. Khu vực trung du và miền núi phía Bắc là vùng còn nhiều khó khăn có đặc thù vùng miền, vì vậy cần xây dựng đề án phát triển HTX nông nghiệp. Ngoài ra, việc hỗ trợ và hướng dẫn các địa phương xử lý những khoản nợ và tài sản không chia của HTX khi giải thể, phá sản cũng rất cần thiết.
Ông Vương Mạnh Tuấn - Giám đốc HTX Thành Sơn hoạt động trong lĩnh vực chế biến nông sản ở tỉnh Lào Cai cho rằng: “Để tạo điều kiện cho HTX hoạt động hiệu quả hơn, tôi đề nghị Nhà nước đẩy mạnh cải cách về thủ tục hành chính để HTX có thể tiếp cận vốn nhanh nhất nhằm triển khai thu mua, bao tiêu sản phẩm cho các xã viên, từ đó góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động cũng như thu hút được nhiều xã viên tham gia vào HTX”.
Nhân rộng mô hình HTX kiểu mới
Ông Nguyễn Minh Tiến - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang cho biết, dù còn gặp rất nhiều khó khăn, song thực hiện Luật HTX 2012 và dựa vào điều kiện thực tế tại địa phương, tỉnh đã chỉ đạo, hỗ trợ các địa phương phát triển mạnh các tổ hợp tác, tổ sản xuất với các hộ cùng chung lĩnh vực, sở thích tham gia. “Cụ thể, tỉnh đã ban hành chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất trong giao đất xây dựng trụ sở HTX; hỗ trợ 100% lãi suất vay vốn trong 36 tháng. Đến nay, Hà Giang đã chuyển đổi được 179/196 HTX, về cơ bản các HTX hoạt động không hiệu quả đã được giải thể. Số HTX được thành lập mới có bước phát triển nhanh đáng kể cả về số lượng và chất lượng” – ông Tiến khẳng định.
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam cho biết, khu vực trung du và miền núi phía Bắc đã có nhiều HTX hoạt động tương đối hiệu quả, điển hình như vùng sản xuất chè, cây ăn quả, dược liệu, rau hoa, lúa đặc sản, chăn nuôi, thủy sản (cá nước lạnh) như ở các tỉnh Hà Giang, Thái Nguyên, Lào Cai, Sơn La, Bắc Giang và Quảng Ninh…
“Ở 15 tỉnh, thành phố khu vực Trung du và miền núi phía Bắc có đến 38% HTX hoạt động hiệu quả sau khi tổ chức lại theo Luật HTX năm 2012. Đây là xu hướng chuyển biến tích cực để nâng cao chất lượng, hiệu quả các HTX nông nghiệp hiện nay, góp phần thay đổi nhận thức của xã hội về HTX được tổ chức hoạt động theo Luật HTX 2012” – Thứ trưởng Trần Thanh Nam chia sẻ.
Cũng theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, Chính phủ đã giao Bộ xây dựng đề án phát triển 15.000 HTX kiểu mới trong nông nghiệp. Qua đó căn cứ vào đặc thù và lợi thế của mỗi tỉnh, các địa phương cần xây dựng đề án của riêng mình, sẽ nâng cao hiệu quả huy động nguồn lực của T.Ư và địa phương để thúc đẩy hiệu quả hoạt động của các HTX.
”Thời gian tới, cùng với các bộ, ngành liên quan, Bộ NNPTNT sẽ rà soát các cơ chế, chính sách và kiến nghị Chính phủ bổ sung, sửa đổi cho phù hợp với điều kiện phát triển các HTX kiểu mới hiện nay. Bên cạnh đó, tôi cũng đề nghị mỗi tỉnh trong khu vực cần nghiên cứu xây dựng, nhân rộng các mô hình HTX kiểu mới, nhất là cần tạo điều kiện để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm” – Thứ trưởng Nam nhấn mạnh.