2 năm chương trình rừng và trang trại: Thu nhập của ND tăng 3-12%
14:56 - 12/06/2017
Đến nay, sau 2 năm thực hiện chương trình Rừng và Trang trại (FFF) tại Việt Nam, đã có 9 tổ hợp tác, hợp tác xã với 159 thành viên được hưởng lợi với 5 chuỗi sản phẩm gồm: Gỗ keo, gỗ mỡ, quế, hồi và chè được hình thành. Thu nhập bình quân của các Tổ hợp tác tăng từ 3 – 12%.
Tham gia chương trình FFF Việt Nam, THT trồng rừng Mạ Phấy, xã Chu Hương, huyện Ba Bể (Bắc Kạn) đã biết chế biến sản phẩm gỗ bóc làm tăng giá trị kinh tế trồng rừng.

Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Xuân Định (ảnh) – Trưởng ban Hợp tác quốc tế Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (NDVN), Giám đốc chương trình FFF Việt Nam - với Báo NTNN.

Ông Nguyễn Xuân Định cho biết, chương trình FFF do Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) tài trợ, hướng tới cải thiện sinh kế cũng như giúp những nông dân sản xuất nhỏ, cộng đồng, phụ nữ, các tổ chức bản địa có tiếng nói, tham gia quyết định đối với quang cảnh rừng và trang trại. Tại Việt Nam, FFF chọn Hội NDVN là đối tác phối hợp thực hiện ở 2 tỉnh Yên Bái và Bắc Kạn.

 

Sau 2 năm thực hiện, một trong những thành công lớn nhất của chương trình FFF Việt Nam là từ các hộ nông dân sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, những hộ sản xuất rừng và trang trại đã liên kết với nhau sản xuất nông lâm nghiệp theo chuỗi, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ…”.

Ông Nguyễn Xuân Định

Thưa ông, chương trình FFF tại Việt Nam được triển khai thực hiện như thế nào?

- Ngay sau khi được FFF lựa chọn là đối tác chính thực hiện chương trình FFF tại Việt Nam, Hội NDVN đã có cuộc khảo sát, điều tra thực tế của các hộ sản xuất rừng và trang trại tại 2 tỉnh Yên Bái, Bắc Kạn vào tháng 3.2015. Qua khảo sát, chúng tôi thấy, hầu hết các tổ chức sản xuất rừng và trang trại (người dân, tổ hợp tác - THT, hợp tác xã - HTX) đều ở giai đoạn sơ khai về tổ chức. Tức là, họ chủ yếu hoạt động thông qua hình thức đổi công, chưa cùng nhau kinh doanh và trình độ, kỹ năng quản lý nhóm còn hạn chế. Sản xuất và bán sản phẩm đơn lẻ, không có kế hoạch sản xuất cũng như thông tin thị trường…

Từ thực trạng trên, Ban Quản lý FFF tổ chức xây dựng kế hoạch và thực hiện chương trình FFF Việt Nam với 3 hợp phần: Nâng cao năng lực cho các tổ chức sản xuất rừng và trang trại; tổ chức các diễn đàn với chính quyền và các bên liên quan để giải quyết những khó khăn; đưa tiếng nói của người sản xuất nhỏ tới các diễn đàn quốc gia, khu vực và toàn cầu.

Có thể thấy, đối tượng chính của chương trình FFF là những người nông dân sản xuất rừng và trang trại. Vậy họ được hưởng lợi những gì khi tham gia chương trình, thưa ông?

- Chương trình FFF được thực hiện tại Việt Nam nhằm giúp hộ gia đình sản xuất rừng và trang trại, đồng bào dân tộc thiểu số cải thiện sinh kế và thu nhập; phát triển trang trại và quản lý rừng bền vững. Ban Quản lý Chương trình FFF Việt Nam đã hỗ trợ các hộ tham gia các lớp tập huấn nâng cao năng lực phân tích thị trường; phát triển tổ nhóm; kỹ năng kinh doanh, quản lý tài chính, kỹ năng vận động chính sách và tổ chức các chuyến tham quan học tập kinh nghiệm.

Bên cạnh đó, Ban Quản lý còn phối hợp các chuyên gia, nhà khoa học tổ chức tập huấn phổ biến kinh nghiệm về sản xuất, chế biến và kết nối với các doanh nghiệp hỗ trợ các THT, HTX tiêu thụ các sản phẩm từ rừng và trang trại.

Sau 2 năm thực hiện, từ các hộ nông dân sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, những hộ sản xuất rừng và trang trại đã liên kết sản xuất nông, lâm nghiệp theo chuỗi, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ.

Ông có thể chia sẻ những kết quả nổi bật sau 2 năm thực hiện chương trình?

- Đến nay, chương trình FFF Việt Nam đã thành lập được 9 THT, HTX tham gia vào 5 chuỗi sản phầm gồm gỗ keo, gỗ mỡ, quế, hồi và chè. Các THT nhờ được nâng cao năng lực đã biết đàm phán, ký hợp đồng và bán trực tiếp sản phẩm với các công ty lớn. Nhờ liên kết sản xuất theo chuỗi, doanh thu của các THT tăng từ 3 – 12% so với trước. Đồng thời, trong khuôn khổ chương trình đã có 4,5km đường lâm nghiệp được sửa chữa và làm mới, giúp các tổ, nhóm ND giảm 30% chi phí vận chuyển , khai thác rừng và trang trại.

Có thể khẳng định, từ kết quả của chương trình, người ND tổ chức sản xuất rừng và trang trại đã hiểu được lợi ích làm việc theo nhóm. Các thành viên cùng nhau góp vốn đầu tư kinh doanh, chế biến tăng giá trị sản phẩm, nâng cao thu nhập. Họ hiểu và thực hiện quản lý rừng bền vững, có nhóm hộ đã có chứng chỉ quốc tế về trồng rừng như hiệp hội các hộ trồng rừng ở Yên Bình (Yên Bái), xây dựng chuỗi quế hữu cơ làm tăng giá trị của rừng lên 30 – 40%.

Thời gian tới, Hội NDVN đã có kế hoạch thực hiện chương trình FFF Việt Nam ra sao để tiếp tục hỗ trợ tối đa và tốt nhất cho nông dân trồng rừng và làm trang trại vùng dự án?

- Hội NDVN là tổ chức chính trị-xã hội, đại diện cho giai cấp nông dân Việt Nam trong các lĩnh vực: Nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, doanh nghiệp nhỏ, dịch vụ nông thôn và các lĩnh vực khác ở nông thôn. Đáng chú ý, tại hội nghị BCH T.Ư Hội NDVN lần thứ 10 (khóa VI) đã phát động phong trào thi đua năm 2017 trong toàn hệ thống Hội NDVN với 5 nội dung, trong đó trọng tâm là 3 nhiệm vụ cốt lõi, xuyên suốt là: Bảo vệ nông dân, thực hiện tốt dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nông dân và xây dựng các mô hình kinh tế theo chuỗi giá trị…

Thời gian tới, bên cạnh hỗ trợ THT mở rộng diện tích trồng rừng, chương trình FFF Việt Nam còn đa dạng hóa các sản phẩm lâm nghiệp và chú trọng đẩy mạnh xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị kinh tế cho các sản phẩm theo chuỗi giá trị của THT.

Đồng thời, từ những kết quả tích cực đã đạt được trong 2 năm qua, Ban Quản lý FFF cũng đề nghị FAO/FFF nhân rộng các mô hình thành công ra các tỉnh lân cận như Thái Nguyên và Phú Thọ.

Xin cảm ơn ông!

Nguồn: danviet
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo