Thực hiện Chương trình 30a về xoá đói giảm nghèo với các huyện nghèo, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu đã thực hiện hỗ trợ theo nhu cầu của người dân và để người dân làm chủ nguồn vốn hỗ trợ, còn huyện, xã chỉ thực hiện giám sát. Nhờ đó, nguồn vốn đầu tư của Nhà nước phát huy hiệu quả, giúp nhiều hộ gia đình giảm nghèo nhanh và vươn lên khấm khá.
|
Bà con bản Nậm Vai, xã Phúc Than nhận giống chè hỗ trợ từ Chương trình 30a. |
Là hộ nằm trong diện di dân tái định cư thủy điện Huội Quảng – Bản Chát, 5 năm trước, anh Lò Văn Sương, dân tộc Khơ Mú cùng gia đình chuyển về bản Chít 1, xã Phúc Than. Trên vùng đất mới, anh nhanh chóng ổn định đời sống và sản xuất. Với nguồn hỗ trợ từ chương trình tái định cư và được Chương trình 30a hỗ trợ về giống cây trồng, vật nuôi, lại được tập huấn kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm hàng hóa, anh Sương đã áp dụng vào thực tế rất nhanh.
“Được hỗ trợ giống vật nuôi, lại được tập huấn khuyến nông nhiều lần nên tôi rất tự tin khi đầu tư làm ăn. Đến nay, gia đình thường xuyên nuôi từ 200 - 300 con gia cầm các loại, có ao thả cá và trồng một số loại cây theo thời vụ, thu nhập mỗi năm khoảng 60 - 70 triệu đồng” – anh Sương nói.
Lão nông Lò Văn Doan ở bản Sắp Ngụa 2, xã Phúc Than chia sẻ thêm: “Vài năm gần đây, Nhà nước hỗ trợ nguồn vốn 30a cho chúng tôi nên bà con không chỉ được nhiều con giống, hạt giống mà chất lượng cũng tốt hơn nhiều. Con lợn, con vịt mang về nuôi không bị chết; cây trồng nhanh cho bắp, cho bông”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lường Văn Pạnh – Phó Chủ tịch UBND xã Mường Cang cho biết: “Để thực hiện tốt chương trình 30a, các cấp ủy, chính quyền đã tích cực tuyên truyền, phổ biến chính sách đến người dân. Đồng thời triển khai bình xét, bầu đúng đối tượng thụ hưởng; việc giám sát sử dụng nguồn vốn cũng được quan tâm nên đồng vốn phát huy hiệu quả, giúp bà con giảm nghèo nhanh và bền vững”.
Ông Hoàng Văn Hiêng - Chủ tịch UBND huyện Than Uyên cho biết, trong quá trình triển khai các nguồn vốn chương trình, dự án, huyện không áp đặt hỗ trợ một cách chủ quan mà hỗ trợ theo nhu cầu của người dân. Người dân làm chủ vốn hỗ trợ, huyện, xã chỉ giám sát quá trình thực hiện. “Nếu cứ thành lập đầy đủ ban bệ, tổ chức đấu thầu, rồi thông qua các nhà cung ứng cây con giống, nguồn vốn của chương trình sẽ phải chi trả nhiều loại phí không cần thiết. Nhờ cách làm này, nguồn vốn của chúng tôi không bị thất thoát. Ví dụ như ở một số địa bàn khác, cũng nguồn vốn 30a với mức đầu tư như nhau cho 1 hộ, nhưng qua các khâu thực hiện, khi về đến người dân thì chỉ mua được 2 con lợn giống, riêng Than Uyên số lợn ấy sẽ là 5 con”.