Tìm hướng đi cho nông sản đặc trưng
14:28 - 29/06/2017
(TNNN) - Mặc dù là một trong những nước dẫn đầu thế giới về xuất khẩu nông sản, nhưng có đến hơn 80% lượng nông sản của nước ta chưa xây dựng được thương hiệu, chưa có logo, nhãn mác... Điều này là bất lợi lớn, làm giảm sức cạnh tranh của các loại nông sản trên thị trường, gây thiệt hại lớn cho ngành nông nghiệp. Vì vậy, trong bối cảnh hội nhập, việc tham gia chuỗi giá trị toàn cầu và xây dựng thương hiệu nông sản đang trở nên cấp thiết.
Để tăng sức cạnh tranh của nông sản Việt trên thị trường quốc tế cần tham gia chuỗi giá trị toàn cầu và xây dựng thương hiệu cho nông sản

Theo các chuyên gia kinh tế, nông sản của Việt Nam đã tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu nhưng mới chỉ dừng lại ở việc cung cấp đầu vào là nông sản thô, trong khi giá trị gia tăng đối với hàng nông sản lại chủ yếu do khâu chế biến, bao gói và hoạt động thương mại. Nguyên nhân của tình trạng này là công nghệ trước và sau thu hoạch còn lạc hậu; việc tham gia chuỗi từ khâu sản xuất, chế biến đến khâu marketing, phân phối và tiêu thụ còn hạn chế...


Theo số liệu thống kê của Cục Sở hữu công nghiệp (Bộ Khoa học và Công nghệ), trong hơn 90.000 thương hiệu hàng hóa được đăng ký bảo hộ tại Việt Nam, mới có khoảng 15% là của các doanh nghiệp trong nước và có đến hơn 80% hàng nông sản của nước ta được bán ra thị trường thế giới thông qua các thương hiệu nước ngoài.


Bên cạnh đó, tại thị trường trong nước, có khoảng 80% sản phẩm nông sản được tiêu thụ mà không có nhãn hiệu. Do chưa có thương hiệu nên khi xuất khẩu ra các thị trường lớn, sức cạnh tranh của nhiều loại nông sản rất kém.


Trên thực tế hàng nông sản Việt Nam chỉ xuất khẩu dưới dạng sản phẩm rời để các thương hiệu khác đóng gói và bán dưới thương hiệu khác của họ. Vấn đề đặt ra ở đây là nông sản Việt Nam chưa có một đơn vị cá nhân hay cơ quan chủ quản nào đứng ra để có thể xây dựng thương hiệu dưới một cái tên riêng nào đó của Việt Nam.

Hoặc nếu có thì điều đó là chưa đủ để quảng bá cho nông sản Việt Nam ra thị trường quốc tế cũng như chúng ta có những vùng nguyên liệu rất thơm ngon thì chúng ra sẽ xây dựng những thương hiệu riêng cho những vùng sản phẩm đó để đưa thương hiệu của sản phẩm đó ra thị trường nước ngoài quảng bá và giới thiệu.


Trước áp lực cạnh tranh ngày càng lớn trong hội nhập, các doanh nghiệp cần có chiến lược đầu tư, phát triển để các sản phẩm nông sản của Việt Nam khẳng định được uy tín, vị thế và thương hiệu của mình trên thương trường quốc tế.


Để nâng cao được giá trị cho nông sản Việt Nam khi tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu thì một trong những vấn đề quan trọng là chúng ta phải tạo dựng được thương hiệu tập thể. Bởi chỉ có thương hiệu tập thể, gắn với các chỉ dẫn địa lý, mang đặc trưng cho các sản phẩm đặc sản. Thương hiệu riêng của từng doanh nghiệp sẽ không được thể hiện trong trường hợp này.


Việc hình thành sản phẩm đặc trưng này không bó hẹp trong một đơn vị hành chính cứng nhắc mà các địa phương có thể linh động. Từ những xã có được sản phẩm đặc trưng có thể nhân rộng ra các xã lân cận, nơi có điều kiện tương tự.


Có thể nói, việc hình thành sản phẩm đặc trưng ở mỗi địa phương là việc làm khó khăn và mang tính lâu dài. Đơn vị chức năng cần hướng dẫn các địa phương, biên soạn những tài liệu thật cụ thể, súc tích để tuyên truyền cho nông dân hiểu được được quy trình, bước đi, thống nhất về nhận thức trong việc nâng cao chất lượng nông sản địa phương.


 
Thu Hà
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo