Vải Lục Ngạn bất ngờ... mất mùa, vắng bóng thương lái Trung Quốc
Trái với vùng vải sớm Thanh Hà (Hải Dương) đang được mùa lớn, theo ghi nhận của PV Dân Việt tại vùng vải Lục Ngạn (Bắc Giang) năm nay, sản lượng vải giảm hẳn so với năm ngoái. Thế nhưng, việc tiêu thụ cũng đang rất khó khăn do vắng bóng thương lái Trung Quốc…
|
Người dân Lục Ngạn mua bán vải sớm. |
Vải sớm giảm 30%, vải thiều gần như mất trắng
Được biết, sản lượng vải toàn tỉnh Bắc Giang năm 2017, ước đạt 100.000 tấn, giảm đáng kể so với năm trước. Theo UBND huyện Lục Ngạn (nơi có vùng trồng vải lớn nhất miền Bắc), do ảnh hưởng của thời tiết bất lợi, năm nay sản lượng vải thiều toàn huyện năm 2017 ước giảm hơn 30% so với năm ngoái, tổng sản lượng ước đạt 50.000 - 60.000 tấn. Cụ thể, 1.750ha vải chín sớm cho sản lượng 15.000 tấn, còn lại là vải chính vụ.
Vận động nhân dân
không chặt bỏ vải
Theo ông Thân Văn Huy, hiện nay, có nhiều hộ ở địa phương đã chặt bỏ vải trồng cam, bưởi. “Vụ vải năm nay mất mùa, giá không cao rất lo ngại người dân sẽ chặt vải trồng cam, bưởi. Chủ trương của huyện chỉ đạo là tích cực tuyên truyền vận động người dân giữ vải. Đất mình rộng, thổ nhưỡng phù hợp cây vải khi trồng cây khác, khi muốn trồng lại vải phải mất 4-5 năm mới được thu hoạch” - ông Huy nói.
|
Ông Thân Văn Huy – Phó Chủ tịch UBND xã Phượng Sơn, huyện Lục Ngạn cho biết, diện tích và sản lượng trồng vải của xã đều giảm so với năm 2016. Năm nay, xã Phượng Sơn có 597ha trồng vải. Trong đó, 50ha vải chín sớm, 50ha vải Thanh Hà (giống vải mua từ huyện Thanh Hà, Hải Dương-PV), 497ha còn lại là vải thiều. Từ ngày 1.6 vừa qua, người dân xã Phượng Sơn đã bắt đầu thu hoạch vải sớm (kéo dài trong khoảng 1 tháng). Tuy nhiên, vụ vải sớm năm nay nơi đây mất mùa, sản lượng giảm trên 30%. Đặc biệt, vải thiều hầu như mất trắng.
“Năm 2016, xã Phượng Sơn có 619ha trồng vải các loại, sản lượng thu 5.012 tấn cho doanh thu trên 80 tỷ đồng. Năm nay, do thời tiết bất lợi, vào cuối năm ít rét, ấm nhiều khiến cây vải ra lộc, trổ hoa ít. Tổng sản lượng vải các loại của xã năm nay chỉ đạt khoảng 805 tấn, chưa bằng 1/5 năm ngoái. Vải sớm giảm đáng kể, vải muộn tức vải thiều hầu như mất trắng” - ông Huy nói.
“Nhà tôi có 2 mẫu vải, mọi năm thu 10 tấn quả, năm nay, chỉ được 4-5 tấn. Thời tiết nắng nóng, vải ra ít hoa, đậu quả ít khiến thất thu hàng trăm triệu đồng” - ông Vũ Văn Hải (xã Mỹ An, huyện Lục Ngạn) thở dài nói.
Lèo tèo thương lái Trung Quốc
Chẳng những mất mùa, vụ vải sớm ở Bắc Giang còn rơi vào cảnh tiêu thụ khó khăn. Cùng dịp này năm ngoái, có hàng trăm thương lái Trung Quốc đổ về Lục Ngạn thu mua vải. Ghi nhận của PV NTNN, những ngày này có rất ít thương lái Trung Quốc thu mua vải ở Lục Ngạn. Tại xã Phượng Sơn chỉ có lèo tèo vài thương lái là “người bên kia biên giới”.
Ông Thân Văn Huy - Phó Chủ tịch UBND xã Phượng Sơn thông tin: “Thương lái Trung Quốc chủ yếu nhập vải Thanh Hà và vải muộn (vải thiều). Hiện vải sớm mới có vải U các loại như U hồng, U thâm. Trước hôm mùng 5.5 Âm lịch họ sang một đoàn khoảng 10 người, thu mua vải vài ngày rồi về nước. Mấy hôm nay, trên toàn xã chỉ có 5 điểm người Trung Quốc thu mua vải. Các điểm này do người Việt được họ thuê lập nên. Người Trung Quốc chỉ đứng chọn hàng, nhận số lượng các công việc đóng thùng, bốc xếp đều do người Việt làm”.
Về hoạt động tiêu thụ vải, ông Thân Văn Huy cho biết, việc tiêu thụ khá khó khăn, do ít thương lái Trung Quốc, chủ yếu vải sớm năm nay, được tiêu thụ ở nội địa. Những ngày qua, xuất hiện nhiều thương lái nội đến từ các tỉnh miền Trung, miền Nam như Thanh Hóa, Tiền Giang về đây thu mua vải. “Năm ngoái, giá vải trung bình 16.000 đồng/kg, năm nay, giá có chiều hướng giảm. Dịp đầu mùa vải U mới được 30.000 đồng/kg; đợt mùng 5.5 vải Thanh Hà được 40.000 đồng/kg. Đợt nắng nóng hôm nọ vải U chỉ 4.000 đồng/kg. Mấy hôm nay, giá nhích lên vải U các loại từ 14.000-17.000 đồng/kg tùy mẫu mã; vải Thanh Hà khoảng 22.000 đồng/kg. Có một số thương lái ở Thanh Hóa mua vải xấu (loại quả nhỏ) 5.000 đồng/kg về ép bán nước vải” - ông Huy nói.
Chiều ngày 8.6, ghi nhận tại khu thu mua vải giáp ranh thị trấn Kim (xã Phượng Sơn) với xã Mỹ An (huyện Lục Ngạn) có nhiều thương lái nội đến từ Thanh Hóa, Vĩnh Phúc. Cứ khoảng 20 phút lại xuất hiện người dân từ xã Mỹ An đèo các xe vải đầy sang Phượng Sơn tiêu thụ. Xe vừa lên dốc đã có 3-4 thương lái xem vải. Họ trả giá dao động từ 14.000-19.000 đồng/kg vải tùy mẫu mã khác nhau.
Hoạt động mua bán vải diễn ra khá nhanh chóng, vậy nhưng, ngoài trừ bì (trừ cân nặng của sọt), với mỗi sọt các thương lái đều trừ thêm 7-8kg/sọt gọi là “trừ lùi cân”. Vừa bán xong xe vải, anh Nguyễn Văn Dương (xã An Mỹ) than phiền: “Vải đã rẻ, người ta mua còn trừ thêm 7-8kg mỗi sọt. Sáng đến giờ tôi bán 10 chuyến, mất gần 1 tạ vải. Mấy hôm nay giá nhích lên, vài này nữa có lẽ lại giảm, nghĩ mà cơ cực”.