(TNNN) - Thời gian qua, thông tin về nguy cơ dịch cúm gia cầm đã ít nhiều khiến người tiêu dùng e ngại với thịt gia cầm khiến giá gia cầm giảm mạnh.
|
Nười tiêu dùng nên sử dụng gia cầm, trứng gia cầm có nguồn gốc rõ ràng |
Cục Thú y khuyến cáo, người dân không nên quá hoang mang lo lắng nguy cơ dịch cúm A/H7N9 mà quay lưng với thịt gia cầm. Ông Đàm Xuân Thành, Phó Cục trưởng Cục Thú y cho biết, trước nguy cơ xâm nhập dịch cúm A/H7N9, thời gian qua, các cơ quan thú y đã lấy trên 2.000 mẫu gồm cả mẫu gia cầm và mẫu môi trường, tập trung nhất tại hơn 200 chợ và tụ điểm tập kết, buôn bán, giết mổ gia cầm ở 20 tỉnh, thành phố, nhất là các tỉnh biên giới phía Bắc. Tuy nhiên đến thời điểm này, chưa phát hiện mẫu nào dương tính với virus cúm A/H7N9. Hiện Cục Thú y đã thành lập 8 đội phản ứng nhanh gồm 100 cán bộ có kinh nghiệm chống dịch để phối hợp với các địa phương sẵn sang ứng phó.
Bên cạnh đó, ngành Y tế cũng đã lấy mẫu trên 4.000 người có biểu hiện liên quan đến cúm như viêm phổi cấm, viêm hô hấp, ho sốt ở các tỉnh biên giới nhưng chưa phát hiện trường hợp nào nhiễm bệnh. Đến thời điểm này, chưa phát hiện mẫu nào dương tính với virus cúm A/H7N9.
Tuy nhiên, trong mùa dịch cúm gia cầm, nh. TS Nguyễn Thanh Sơn, Viện trưởng Viện Chăn nuôi -Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Gia cầm đã tiêm vắc xin phòng cúm có thể giết mổ, sử dụng bình thường, không tồn dư độc tố. Tuy nhiên, nếu gia cầm đã được tiêm kháng sinh, sau một khoảng thời gian nhất định mới được giết mổ, chế biến.
Theo các chuyên gia nông nghiệp, hiện nay đã có quy định về việc cấm pha trộn kháng sinh vào thức ăn chăn nuôi, sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi, chỉ được sử dụng kháng sinh khi có sự chỉ định của các cơ quan chức năng.
Gia cầm đã được tiêm kháng sinh thì sau 3 tuần mới không còn tồn dư kháng sinh. Nếu sử dụng gia cầm còn tồn dư kháng sinh thì con người sẽ vô tình tự đưa kháng sinh vào cơ thể thông qua thức ăn, gây ra hiện tượng kháng kháng sinh. Sau này có bệnh phải dùng tới kháng sinh sẽ lâu khỏi hơn, khó điều trị hơn hoặc dùng kháng sinh vẫn không khỏi bệnh.
Còn đối với gia cầm đã được tiêm vác xin đúng quy trình thì không ảnh hưởng cho người sử dụng. Hơn nữa, vác xin cũng không gây tồn dư độc tố ở trong các sản phẩm gia cầm đã được chế biến. Với gia cầm có tiêm kháng sinh, phải ngưng sử dụng kháng sinh trước thời điểm giết mổ theo quy định của các cơ quan chuyên môn. Tuy từng loại, thường là 2-3 tuần trước khi giết mổ.
Vì vậy, Cục Thú y khuyến khích người dân tiêu dùng thịt gia cầm với điều kiện sản phẩm gia cầm phải có nguồn gốc rõ ràng, được kiểm soát giết mổ, được đóng dấu kiểm tra trên từng con gia cầm. Đặc biệt, tuyệt đối không ăn tiết canh, không ăn sản phẩm gia cầm chưa nấu kỹ. Đối với người chăn nuôi khi mua con giống tái đàn, cần mua giống có nguồn gốc rõ ràng. Khi phát hiện gia cầm có hiện tượng ốm, chết phải báo ngay cơ quan thú y để tiêu hủy, không được vứt gia cầm bừa bãi…
Đồng thời, các nhà dịch tễ học cũng khuyến cáo người dân sống trong vùng có dịch cần hết sức giữ vệ sinh môi trường, khi gia cầm bị dịch phải tiêu hủy và chôn lấp theo đúng quy cách, khi làm nhiệm vụ nhất thiết phải đeo khẩu trang, mang găng tay và mặc quần áo bảo hộ lao động. Đối với người già và trẻ nhỏ cần được bảo vệ chu đáo, tránh xa nơi có gia cầm bị bệnh. Tuyệt đối không giết mổ gia cầm bị bệnh để ăn.