Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu gạo từ đầu năm đến nay vẫn chưa khả quan. Lượng và giá trị xuất khẩu mặt hàng này vẫn giảm mạnh.
|
Ảnh minh họa (Ảnh:VA) |
Cụ thể, khối lượng gạo xuất khẩu tháng 2 năm 2017 ước đạt 462 nghìn tấn với giá trị đạt 104 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu gạo 2 tháng đầu năm 2016 ước đạt 799 nghìn tấn và 248 triệu USD, giảm 17,2% về khối lượng và giảm 40,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016.
Giá gạo xuất khẩu bình quân tháng 1 năm 2017 đạt 428 USD/tấn, giảm 3,4% so với cùng kỳ năm 2016. Trung Quốc vẫn tiếp tục đứng vị trí thứ nhất về thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam trong tháng 1 năm 2017 với 29% thị phần. Xuất khẩu gạo sang thị trường này trong tháng 1 năm 2017 đạt 88,9 nghìn tấn và 41,8 triệu USD, tăng 44,6% về khối lượng và tăng 54,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016. Philippin-thị trường nhập khẩu gạo lớn thứ hai của Việt Nam trong tháng 1 năm 2017 với 22,9% thị phần. Xuất khẩu gạo sang thị trường này trong tháng 1 năm 2017 đạt 87,1 nghìn tấn và 33,1 triệu USD, tăng 39,6% về khối lượng và tăng 23,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2013. Tháng 1 năm 2017, các thị trường có giá trị xuất khẩu gạo giảm mạnh là Gana (82%), Hồng Kông (55,4%), Malaysia (52,1%), Singapore (48,8%) và Bờ Biển Ngà (13,2%).
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cho biết, trong tháng 2 năm 2017, giá lúa, gạo tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long tăng do năng suất các trà lúa Đông Xuân sớm ở mức thấp do thời tiết bất lợi.
Tại một số địa phương ĐBSCL như huyện Tam Nông, Tháp Mười (Đồng Tháp), huyện An Biên, Tân Biên (Kiên Giang), Sóc Trăng, vụ Đông Xuân đã bắt đầu bước vào đợt thu hoạch. Năng suất các trà lúa Đông Xuân sớm ở mức thấp do thời tiết bất lợi, song cũng là một trong những yếu tố khiến giá lúa gạo tăng hiện nay.
Ngoài ra, việc các doanh nghiệp thu gom hàng để kịp giao hơn 293.000 tấn cho thương nhân Phi-lip-pin cũng góp phần giúp giá nội địa tăng lên. Giá lúa gạo được dự báo sẽ chững lại khi thu hoạch chính vụ Đông Xuân vào cuối tháng 2 năm 2017 diễn ra.