TP.HCM lan tỏa mô hình nuôi tôm công nghệ cao, thu tiền tỷ/ha
10:22 - 10/03/2017
Mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao sử dụng nhà lưới, lót bạt đáy ao, máy vận hành xử lý nước... với vốn đầu tư lên đến hàng tỷ đồng/ha đang được nhiều hộ nông dân huyện Cần Giờ, TP.HCM hào hứng triển khai.

Thu tiền tỷ/ha

Vài năm trở lại đây, mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao CPF-Combine Program bao gồm: CPF-Green House, CPF-Turbo Program và chương trình 3C được nông dân huyện Cần Giờ ra sức nhân rộng. Đây là hướng đi cho tỷ lệ nuôi tôm thành công cũng như hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần nuôi tôm ao đất.

Các mô hình nuôi tôm công nghệ cao theo phương thức trải bạt, phủ lưới lan đang được nông dân Cần Giờ nhân rộng

 

Gia đình chị Trần Thị Bàng, xã Tam Thôn Hiệp, có 4ha nuôi tôm thẻ chân trắng đã hơn 10 năm nay. Những năm trước đây, việc nuôi tôm của gia đình chị mang lại hiệu quả cao, nhưng càng về sau nuôi tôm càng gặp nhiều khó khăn do nhiều yếu tố, nhất là tình hình dịch bệnh ngày càng bùng phát dữ dội.

Từ cuối tháng 11/2015, gia đình chị Bàng quyết định cải tạo lại khu nuôi, xây dựng 3 ao lắng, 1 ao sẵn sàng, 1 ao chứa chất thải, 4 ao nuôi (1.500m2/ao), 2 ao ương (500m2/ao), chi phí hết 2,5 tỷ đồng, đầu tư nuôi tôm theo hướng công nghệ cao. Hiện gia đình chị Bàng đã thu hoạch 4 vụ (3 tháng/vụ) tôm, sản lượng hơn 30 tấn thương phẩm, thu về lợi nhuận trên 2 tỷ đồng.

Theo chị Bàng, trước đây nông dân nuôi tôm thường bị ô nhiễm, phải sử dụng kháng sinh, không quản lý được thức ăn, rủi ro cao. Nuôi công nghệ cao tuy mật độ thả nuôi dày nhưng không dùng kháng sinh, quản lý được thức ăn, môi trường. Trung bình chi phí đầu tư theo mô hình này khoảng 2 tỷ đồng/ha. Đổi lại, việc nuôi tôm đạt tỷ lệ thành công lên đến 90%, năng suất tôm tăng gấp nhiều lần so với nuôi ao đất truyền thống, đạt trên 30 tấn/ha, mỗi năm sản xuất 4 vụ tôm.

Chị Trần Thị Bàng là 1 trong 9 thành viên của Tổ hợp tác nuôi thủy sản Toàn Thắng, xã Tam Thôn Hiệp, chị đang xin giám định để đăng ký cấp giấy chứng nhận mô hình nuôi tôm sạch VietGAP.

Đang túc trực bên những vuông tôm chuẩn bị bước vào vụ thu hoạch, anh Lê Văn Tâm, xã Tam Thôn Hiệp, huyện Cần Giờ, hào hứng khoe: Chỉ sau 6 tháng triển khai 2 vụ nuôi trên 2 ao tôm có diện tích 3.400 m2 nhưng gia đình anh đã thu được hơn 6 tấn tôm thương phẩm, bán được gần 850 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, anh Tâm lãi tới gần 450 triệu đồng.

Để nuôi 2 ao tôm 3.400m2 theo mô hình này, anh Tâm chuẩn bị 1 ao ương rộng khoảng 200 m2, trải bạt đáy ao và phủ lưới lan phía trên. Tôm giống sẽ được ương 25 - 30 ngày, sau đó tôm được đưa ra các ao nuôi thương phẩm.

CPF-Turbo Program là hệ thống ao nuôi an toàn sinh học có đầy đủ lưới lan, ao có lót bạt, có hố xi phông… và quản lý môi trường ao nuôi bằng chế phẩm sinh học nhằm đạt mục tiêu “3 cao, 1 thấp và không thất bại”. Cụ thể: 3 cao là: tốc độ tăng trưởng cao, tỷ lệ sống cao và số vụ nuôi cao; 1 thấp là FCR thấp và không thiệt hại. Còn chương trình 3 sạch là: Tôm giống sạch bệnh, nước sạch và đáy ao sạch. 

Theo anh Tâm, nếu như với cách nuôi truyền thống trong ao đất, thường thả 50 con giống/m2 thì với với tôm công nghệ cao thả đến 200 con/m2. “Nhờ quy trình nuôi an toàn sinh học, chọn lọc con giống tốt nên con tôm khi thu hoạch đạt được cỡ lớn từ 25-30 con/kg”.
 

Đơn giản, dễ thực hiện

Theo anh Lê Văn Tâm, việc thực hiện chuyển đổi từ nuôi tôm đất truyền thống sang nuôi tôm công nghệ cao trải bạt đáy ao, phủ lưới lan là không khó. Với mỗi hecta nuôi tôm, nông dân chỉ sử dụng khoảng 50% diện tích làm ao nuôi, diện tích còn lại anh xây dựng 1 ao ương, 1 ao lắng, 1 ao xử lý, 1 ao sẵn sàng, 1 ao chứa phân, bùn và hệ thống xử lý bioga.

Nuôi tôm công nghệ cao tỷ lệ thành công lên đến 90%, lợi nhuận tỷ đồng/ha

 

Đơn giản hơn, nông dân chỉ cần xây dựng ao ương giống với quy mô từ 200 – 1.000 m2 theo mô hình CPF-Green House với chi phí chỉ vài trăm triệu đồng. Với ao ương 1.000 m2, mật độ ương khoảng 900 con/m2 trong vòng 31 ngày, chỉ tốn khoảng 758 kg thức ăn là nông dân đã thu được gần 800 kg tôm giống. Sau giai đoạn ương, nông dân đem tôm giống thả nuôi ao đất trước đây.

Cần phải làm nhà ương để kiểm soát tôm giống trong 25 - 30 ngày đầu tiên rồi mới thả xuống ao. Điều này sẽ góp phần tránh cho tôm bị hoại tử gan tụy vì dịch bệnh này có tần suất xuất hiện cao nhất là ở tôm từ 20 - 45 ngày tuổi, giúp tiết kiệm được gần 70% chi phí thức ăn.

Không chỉ có vậy, tôm giống được sản xuất ra cũng có sức khỏe và sức đề kháng cao, tôm phát triển nhanh. “Tôi mới cấp giống cho ao nuôi của một người bạn cách đây khoảng 1 km, chúng tôi cho tôm vào rổ và vận chuyển khô luôn (không cần nước), chạy nhanh đến và thả ngay xuống ao. Tôm hoàn toàn khỏe mạnh, không bị sốc và không bị cong thân như mọi người e ngại”.

Ông Bùi Phúc Bảo, Trưởng phòng Kinh doanh bộ phận thủy sản của Công ty cổ phần C.P Việt Nam, chia sẻ, các mô hình CPF-Combine Program hướng người nuôi tôm xây dựng ao nuôi có diện tích phù hợp. Cụ thể: ao CPF-Green House diện tích từ 500 m2 trở lại; ao CPF-Turbo Program diện tích không quá 2.000 m2, thuận lợi cho việc quản lý, đồng thời phải có thêm hệ thống ao lắng, ao xử lý, ao sẵn sàng.

Yêu cầu các chủ trang trại tham gia CPF - Turbo Program phải làm hệ thống an toàn sinh học. Theo đó, các trang trại phải dành 30% diện tích làm ao xử lý nước, phải đầu tư hệ thống lưới ngăn chim và các động vật khác xâm nhập.

Sau một thời gian triển khai đề án “Quy hoạch vùng nuôi tôm thẻ chân trắng” do UBND TP.HCM phê duyệt, đến nay huyện Cần Giờ đã có gần 397ha trên tổng số 2.400ha quy hoạch vùng nuôi tôm thẻ chân trắng được đưa vào sản xuất, với sản lượng trung bình 3,5 tấn/ha. Phấn đấu giá trị sản xuất đến năm 2020 năng suất đạt 7 tấn/ha/vụ tổng sản lượng năm 2020 đạt 16.102,8 tấn và đến năm 2025 năng suất đạt 8 tấn/ha/vụ sản lượng đạt 23.040 tấn.

Thanh Sa
Nguồn: NNVN
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo