Căng thẳng chống cúm gia cầm... trên không
Các cơ quan chức năng lẫn các chuyên gia thú y đang rất lo ngại khi đến nay, Việt Nam vẫn chưa có phương án phòng chống chim trời tràn qua biên giới mang theo virus cúm gia cầm (CGC).
|
Virus cúm gia cầm có thể theo chim trời vào lãnh thổ Việt Nam |
Trao đổi với phóng viên Báo NTNN, ông Nguyễn Nam Hùng – Chi Cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Lạng Sơn cho biết: “Lạng Sơn có đường biên giới kéo dài 230km với Trung Quốc, có nhiều cửa khẩu trọng yếu với lượng hàng hóa và du khách qua lại nhiều. Do đó, khi nắm được thông tin về dịch CGC, tỉnh đã nhanh chóng phối hợp với các ban, ngành, cơ quan chức năng triển khai công tác phòng chống. Bên cạnh lực lượng thú y, nông nghiệp kiểm soát vùng nội địa, các lực lượng hải quan, công an, bộ đội biên phòng đều vào cuộc để kiểm soát vùng biên”.
Tuy nhiên, theo ông Hùng, một trong những lo lắng lớn nhất hiện nay là khó kiểm soát nhập lậu gia cầm qua biên giới. “Từ đầu năm đến nay, chúng tôi đã phát hiện trên 12.000 gia cầm nhập lậu qua biên giới, lực lượng Chi cục Thú y đã tiêu hủy ngay. Vì có đường biên giới dài nên dù cố gắng, các lực lượng chức năng vẫn không thể kiểm soát hết ở các điểm nhỏ tại vùng biên” – ông Hùng nói.
Về vấn đề này, ông Đàm Xuân Thành – Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NNPTNT) chỉ rõ: “Đối với các tỉnh biên giới phía Bắc, cần tăng cường nhân lực kiểm tra các đầu nậu, đường dây buôn bán gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái phép, các điểm giết mổ gia cầm trái phép ở biên giới, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm trong việc tập kết, vận chuyển buôn bán gia cầm không rõ nguồn gốc”.
Theo số liệu của Cục Thú y, từ năm 2016 đến tháng 2.2017, số gia cầm nhập lậu bất hợp pháp bị bắt giữ lên tới 2.400 con; ngoài ra còn có hơn 62,4 tấn thịt gia cầm và hơn 212.000 quả trứng. Đặc biệt, tại cửa khẩu Chi Ma (Lạng Sơn), từ đầu năm 2017 tới nay lực lượng chức năng đã bắt giữ 5 vụ vận chuyển gia cầm trái phép từ biên giới vào Việt Nam.
Trước tình hình này, ông Thành cho biết, Cục Thú y đã thành lập 5 đoàn đi kiểm tra các tỉnh biên giới phía Bắc, gồm Cao Bằng, Hà Giang, Lạng Sơn, Quảng Ninh và các tỉnh, thành phố ở sâu bên trong như Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh - những nơi có nguy cơ tiêu thụ gia cầm không rõ nguồn gốc. Đồng thời Cục cũng thành lập 8 đội ứng phó nhanh để xử lý khi phát hiện virus cúm A/H7N9 tại Việt Nam.
Trao đổi thêm với NTNN, ông Nguyễn Nam Hùng lo lắng: “Dịch CGC vẫn có thể tràn qua biên giới bất cứ lúc nào, bởi các trường hợp như chim trời nhiễm virus CGC bay qua biên giới vào Việt Nam thì ngăn chặn bằng cách nào? Điều này hoàn toàn có thể xảy ra khi ở Trung Quốc đã có tới 16 tỉnh bùng phát dịch CGC”.