Sự thật về chuyện gà Đông Tảo bị chết hàng loạt
09:18 - 28/02/2017
Thời gian gần đây, xã Đông Tảo (Khoái Châu, Hưng Yên) xuất hiện hiện tượng gà chết hàng loạt, tuy nhiên tình trạng này chỉ xảy ra ở các hộ nuôi nhỏ lẻ. Theo các chủ trang trại lớn trên địa bàn xã, nuôi đúng theo quy trình kỹ thuật, gà Đông Tảo sẽ không bị dịch bệnh.
Trời quá lạnh phải sưởi ấm cho gà

Sáng 27.2, đại diện Cơ quan thú y vùng II ở Hải Phòng, Sở NN&PTNT tỉnh Hưng Yên, thú y của huyện Khoái Châu đã về xã Đông Tảo làm việc. Các nhà chuyên môn đều bước đầu xác định gà Đông Tảo chết là bị bệnh tụ huyết trùng và đánh giá đây không phải là dịch bệnh lớn. Bệnh tụ huyết trùng có lây lan, nhưng mức độ lay lan không thành dịch và không đe dọa đến sức khỏe con người.
 

Theo ông Lê Quang Thắng – Chủ tịch Hội chăn nuôi và kinh doanh gà Đông Tảo, hiện tượng gà chết là bình thường vào thời điểm giao mùa, năm nào cũng có xảy ra, nhưng năm nay nhiều hơn một chút. Như đợt này, bệnh cũng chỉ xảy ra ở các hộ nuôi nhỏ lẻ, thiệt hại khoảng 20% đàn gà của hộ đó. Các hộ nuôi với số lượng lớn lại không bị dịch bệnh. “Sở dĩ gà mắc bệnh tụ huyết trùng là do không thực hiện đầy đủ quy trình về tiêm vắc xin hoặc tiêm không đầy đủ các loại vắc xin cho đàn gà. Ngoài ra, rất có thể một số hộ dân đã ham rẻ, mua các loại vắc xin không đảm bảo chất lượng” – ông Thắng cho hay.
 

Theo ông Thắng, gà chết với số lượng nhỏ nên không ảnh hưởng tới tình hình kinh doanh gà của các hộ trên địa bàn. Hiện nay, các hộ có gà chết đều đã ổn định lại sản xuất. Trong dịp Tết nguyên đán vừa qua, giống gà quý hiếm Đông Tảo có trọng lượng từ 4 kg trở lên có giá dao động từ 2-4 triệu đồng. Những con gà trống chân vảy, thịt cụm, đế dày để làm giống có thể bán được 5-7 triệu đồng/con. Riêng những con gà Đông Tảo đẹp chuẩn có giá 1-2 triệu đồng/kg, tức lên tới 5-10 triệu đồng/con mà vẫn không có hàng để bán.
 

Từ kinh nghiệm chăn nuôi gà Đông Tảo của mình, ông Thắng chia sẻ cách để nuôi gà ít bị dịch bệnh. Đó là chuồng trại phải được vệ sinh sạch sẽ, phun thuốc sát trùng định kì. Thiết kế lại chuồng trại để ấm vào mùa đông, thoáng vào mùa hè. Mùa đông rét mướt phải tăng cường chất dinh dưỡng cho con gà để tăng sức đề kháng; chọn lựa những dòng vắc xin có uy tín.
 

Anh Giang Tuấn Trưởng – một hộ chăn nuôi gà lớn ở Đông Tảo cho hay, chỉ cần hệ miễn dịch của gà tốt là con gà sẽ khỏe. Đợt vừa qua, trang trại của anh không có con gà nào bị chết vì dịch bệnh. 

Anh Trưởng cũng chia sẻ công thức tiêm vắc xin cho gà:

- Gà được 1 ngày tuổi: Tiêm vắc xin Marek

- Gà được 3 ngày tuổi: Nhỏ vắc xin Laxota

- Gà từ 8 – 10 ngày tuổi: Nhỏ vắc xin Gumboro

- Gà từ 15 – 20 ngày tuổi: Nhỏ lại vác xin Laxota

- Gà từ 15 – 20 ngày tuổi: Nhỏ vắc xin  phòng hen và viêm phế quản

- Gà được 60 ngày tuổi: Tiêm phòng Niu – cát – xơn (vòng 1)

- Gà được 70 ngày tuổi: Tiêm phòng tụ huyết trùng (Vòng 1)

- Gà được 80 ngày tuổi: Tiêm phòng thương hàn

- Gà được 90 ngày tuổi: Tiêm phòng tả

- Gà từ 90 – 150 ngày tuổi: Tiêm phòng H5N1

Đến khi gà được 5 – 6 tháng tuổi lại lần lượt tiêm nhắc lại các mũi: Niu – cát – xơn; tụ huyết trùng, thương hàn, tả (mỗi mũi tiêm cách nhau 1 tuần).

 

 
Nguồn: Dân Việt
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo