Tỉ phú nuôi gà cũng phá sản
09:17 - 28/02/2017
Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai đã thốt lên như vậy trước tình hình giá gà trong nước đang giảm với tốc độ chóng mặt chỉ trong vòng 1 tuần qua.
Giá gà giảm khiến nhiều doanh nghiệp lẫn người chăn nuôi gặp nhiều khó khăn ẢNH: NGỌC DƯƠNG

Cuối tuần trước, gà lông màu xuất chuồng từ trại giá 25.000 đồng/kg; theo ông P.V.Hoán, chủ trại gà ở Bình Dương, với mức giá đó người nuôi lỗ đến 7.000 đồng/kg. Ngày 23-2 giá lại tiếp tục giảm sâu, xuống 20.000 đồng/kg, gà trắng 18.000 đồng/kg, lỗ từ 4.000 đồng/kg (gà trắng) và 12.000 đồng/kg (gà màu).

Giá lao dốc không phanh

Phó giám đốc một doanh nghiệp (DN) của Malaysia đang đầu tư nuôi gà tại các tỉnh phía nam nhận xét: “Từ sau Tết, đặc biệt trong vòng nửa tháng nay, giá gà cứ giảm như xe xuống dốc không phanh” và lo ngại mức giảm giá gà như hiện nay rất giống thời điểm năm 2012, khi Trung Quốc xảy ra dịch cúm gà trên diện rộng, gà thải không được kiểm soát tràn vào thị trường VN, khiến nhiều chủ trại gà các tỉnh vùng Đông Nam bộ trắng tay. Một chủ trại nuôi gà ở Tây Ninh than thở: “Đây là đợt giá gà giảm sâu nhất trong vòng 4 năm qua”.

Chị Phạm Thị Thúy Thanh, Giám đốc kinh doanh Công ty TNHH Hoàng Thanh Trà (Đồng Nai), cho hay DN có 19 trại gà ở Đồng Nai và Bình Dương với tổng đàn khoảng 250.000 con. Sau Tết Nguyên đán, giá gà bắt đầu giảm, xuất bán thì nhỏ giọt. Chị Thanh nói: “Trước đây, mỗi tuần công ty xuất 40.000 con gà ra thị trường trong nước và một số ít đi Campuchia. Từ sau tết, giá gà bắt đầu giảm, chỉ xuất bán được khoảng 30% số đó”.

Bộ NN-PTNT và cơ quan chức năng phải có thông tin cụ thể về vùng bị dịch bệnh cúm gia cầm, không ảnh hưởng đến vùng chăn nuôi an toàn.

Hai nữa, phải có hàng rào kỹ thuật, quản lý chặt việc cho nhập khẩu gà từ nước ngoài vào VN

Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai

Không chỉ giảm giá sâu, nhiều cơ sở còn không tìm được nơi tiêu thụ. Hơn 250.000 con gà tại Công ty Hoàng Thanh Trà đang tồn kho và mỗi ngày công ty phải tốn lượng lớn thức ăn để nuôi. Thông tin với chúng tôi, nhiều chủ trại gà ở Tây Ninh, Đồng Nai, Bình Dương đều có chung nhận định, đợt giá gà giảm sâu và kéo dài 2 tuần vừa qua là “điều bất thường”. “Những năm trước gà có giảm nhưng thay vì lãi 5.000 - 7.000 đồng/kg thì xuống 2.000 đồng/kg, không lỗ “sặc máu” như năm nay”, anh Tuấn, chủ trại gà ở Đồng Nai lắc đầu ngao ngán.

Còn chị Thanh cho rằng: “Dù giá xuống thấp, chúng tôi chấp nhận bán để giảm thiệt hại giữ vốn. Nhưng một khi công ty giảm giá thì các DN khác cũng hạ theo, khiến giá xuống thấp, không thể bán được. DN chăn nuôi lại phải vay ngân hàng, giờ gà bán không được nhưng hằng ngày vẫn chi phí tiền cám, thuốc, lãi suất... tính ra chỉ riêng tại công ty, một tháng chúng tôi đang lỗ hơn 3 tỉ đồng. Tình hình này kéo dài thì phá sản là cái chắc”.

Cần có chính sách như với muối, cá, gạo...

Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, cho hay hiện trên địa bàn tỉnh có tổng đàn gà khoảng 15 triệu con. Nếu giá còn xuống nữa thì không chỉ người chăn nuôi mà ngay cả các tỉ phú nuôi gà cũng phá sản. Liên quan đến tình hình dịch cúm gây ảnh hưởng cho người chăn nuôi, ông Đoán cho rằng: “Bộ NN-PTNT và cơ quan chức năng phải có thông tin cụ thể về vùng bị dịch bệnh cúm gia cầm, không ảnh hưởng đến vùng chăn nuôi an toàn. Hai nữa, phải có hàng rào kỹ thuật, quản lý chặt việc cho nhập khẩu gà từ nước ngoài vào VN”.

Phân tích tình hình trên, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nhận xét VN thường bị động trước thực tế cung cầu của thị trường và các phản ứng từ cơ quan chức năng, cơ quan quản lý chuyên môn thường chậm một bước là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.

“Bộ NN-PTNT cũng đã lệnh siết đường biên, huy động nhiều ngành tham gia với mục đích chống nhiễm cúm gia cầm. Thế nhưng, gà trong nước vẫn tuột dốc như xe không phanh. Vậy vấn đề ở đây là cung đã vượt cầu, hoặc người tiêu dùng sợ lây cúm mà không mua. Tuy nhiên, tôi thiên về giả thiết số liệu cung cầu lệch pha và mạnh ai nấy làm đang phá ngành chăn nuôi trong nước”, ông Long nói.

Đồng quan điểm, TS Trần Duy Khanh, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm VN, cũng nhận định riêng gà công nghiệp đang rơi vào tình trạng cung vượt cầu sau tết. Lý do trước tết giá bán cao, nhiều công ty và trang trại tăng nuôi khiến thị trường bị thừa hàng.

“Vấn đề là gà ta không bị ảnh hưởng trong đợt rớt giá này vì không có sự tăng nguồn cung đột biến. Khi chúng ta đã siết đường mậu biên, lẽ ra giá gà trong nước phải tăng, nhưng sao lại giảm nhiều hơn? Thứ hai, vùng Đông Nam bộ, khu vực chuyên nuôi gà công nghiệp lại có tâm lý tin vào đám đông. Thấy giá gà tăng, trại nào cũng thả đồng loạt, đến khi thu hoạch, nếu để chậm 5 - 10 ngày là lỗ nặng”, TS Khanh nhận xét và khuyến cáo các DN và chủ trại nhất thiết phải nắm thông tin thị trường, không nên nuôi gà theo đám đông, thấy giá lên tranh nhau thả đồng loạt.

“Cục Chăn nuôi cũng cần lưu ý và phải phát hiện tư vấn cho Chính phủ trong chính sách liên quan chăn nuôi là hỗ trợ các đơn vị giết mổ, mua gà trong dịp giá giảm này nhằm tránh lỗ cho nhà nông, cấp đông và bán sau, như cách chúng ta vẫn làm với mua trữ gạo, muối, cá... vào những mùa thừa cung”, TS Khanh đề xuất.

 

Gà bán tại các trang trại đều giảm sâu, tuy nhiên, tại chợ, giá gà lại chỉ giảm nhẹ. Sáng 23-2, tại chợ Tiên Phước (Tân Bình, TP HCM), người bán cho biết gà ta Bến Tre, Long An, Tiền Giang vẫn giữ mức giá ổn định là 120.000 đồng/kg, gà mua vào từ Tiền Giang đã 105.000 đồng/kg. Cũng tại chợ này, gà lông màu đã làm sạch có giá 65.000 đồng/kg, bằng giá dịp sau tết. Còn tại chợ Hòa Bình (Q.5, TP HCM), gà công nghiệp đông lạnh được bán giá 28.000 đồng/kg loại đùi và cánh.

 
Nguồn: TNO
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo