|
Thủ tướng yêu cầu kiên quyết xử lý thích đáng các hành vi bơm tạp chất vào tôm để trục lợi |
Thông báo kết luận nêu rõ, là một trong những thế mạnh của nông nghiệp Việt Nam, ngành tôm đã lớn lên cùng sự nghiệp đổi mới của đất nước, đã rất năng động, sáng tạo vượt qua khó khăn, thách thức để trở thành một ngành hàng mũi nhọn.
Xác định rõ mục tiêu đưa ngành tôm Việt Nam tiến lên thành ngành công nghiệp sản xuất lớn, hiệu quả, có khả năng cạnh tranh cao và phát triển bền vững; mang lại lợi ích cho người dân, doanh nghiệp, nền kinh tế Việt Nam. Phấn đấu đưa Việt Nam trở thành công xưởng sản xuất tôm của thế giới, trong đó Đồng bằng sông Cửu Long là thủ phủ của nuôi trồng, chế biến tôm chất lượng cao. Cần xây dựng nhiều thương hiệu toàn cầu về tôm.
Ngành tôm phải là tấm gương tiêu biểu trong việc đi tắt, đón đầu trên con đường xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, giá trị gia tăng cao; trở thành điểm sáng của thế giới về ứng dụng các thành quả của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, áp dụng công nghệ sinh học, tự động hóa, điện tử, tin học… vào sản xuất con giống, thức ăn, nuôi trồng, chế biến tôm. Phấn đấu đến năm 2025 đưa kim ngạch xuất khẩu tôm đạt 10 tỷ USD.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu phát triển ngành tôm phải theo tư duy hệ thống, tập trung trên cơ sở tổ chức lại sản xuất theo hướng hợp tác và liên kết theo chuỗi giá trị từ cung ứng vật tư đầu vào đến nuôi, chế biến, phân phối, tiêu thụ tôm trong đó doanh ngiệp đóng vai trò đầu tàu và động lực; các hộ nuôi nhỏ lẻ phải được tổ chức thành hợp tác xã hoặc tổ hợp tác, liên kết với doanh nghiệp nhằm giảm các chi phí trung gian, nâng cao sức cạnh tranh của tôm Việt Nam.
Đối với các cơ quan Nhà nước cần chú trọng công tác thông tin cho người dân về tình hình cung cầu, giá cả thị trường để người dân, doanh nghiệp chủ động cân đối kế hoạch nuôi tôm hợp lý, tránh đưa tin thất thiệt, gây ảnh hưởng đến lợi ích chung của ngành tôm Việt Nam.
Cần chủ động mở rộng thị trường tiêu thụ, cụ thể là đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tránh tập trung phụ thuộc quá lớn vào một thị trường. Bộ Công thương cần chủ động tuyên truyền về các hiệp định tự do thương mại mà Việt Nam tham gia, phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kịp thời thông tin về các rào cản thương mại, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường cho ngành tôm, đấu tranh, xử lý các vụ kiện chống bán phá giá, các rào cản kỹ thuật bất hợp lý, không để bị động về thị trường.
Về chống bán phá giá, các cơ quan Nhà nước cần phải phối hợp với các hiệp hội, đồng hành, có trách nhiệm và sẵn sàng cao nhất bảo vệ quyền lợi chính đáng của các doanh nghiệp Việt Nam chân chính. Huy động khi cần thiết các lực lượng chuyên gia, đội ngũ luật sư giỏi trong và ngoài nước để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho các doanh nghiệp tôm, ngành tôm Việt Nam.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức triển khai chính sách về bảo hiểm nông nghiệp, trong đó tiếp tục thực hiện bảo hiểm đối với tôm nuôi. Phối hợp Bộ Kế hoạch và Đầu tư bố trí dòng vốn ngân sách cho các dự án đầu tư hạ tầng vùng nuôi và sản xuất giống tập trung, các nhiệm vụ khoa học ưu tiên.
Thủ tướng Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nghiên cứu, chỉ đạo các ngân hàng thương mại nhà nước, các tổ chức tín dụng có cơ chế cho vay vốn ưu đãi cho các doanh nghiệp/hộ nuôi tôm, trong đó lưu ý về cơ chế bảo đảm tiền vay không cần thế chấp hoặc thế chấp bằng tài sản là ao/đầm nuôi và tôm nuôi.
Theo đó các tỉnh nuôi tôm, đặc biệt là các tỉnh nuôi tôm trọng điểm khuyến khích, thu hút doanh nghiệp tư nhân, phát triển các mô hình hợp tác xã đầu tư vào nuôi, chế biến tôm; có kế hoạch liên kết vùng để phát huy lợi thế sản xuất, kinh doanh tôm, hình thành trung tâm sản xuất tập trung công nghệ cao nhằm thu hút nguồn lực; phát triển các mô hình sản xuất sinh thái, hữu cơ.