Đầu Xuân Đinh Dậu, những chiếc tàu đánh bắt xa bờ của ngư dân Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi đã hiên ngang đè sóng vươn khơi. Mỗi chiếc tàu như một cột mốc sống khẳng định chủ quyền của Tổ quốc trên biển.
|
Thuyền trưởng Phan Văn Mẫn trên tàu cá của ông. |
Ngư dân Đà Nẵng bám ngư trường truyền thống từ trước Tết
Anh Đặng Văn Mầy, 53 tuổi ở phường An Hải Tây (quận Sơn Trà, TP.Đà Nẵng), chủ của 3 chiếc tàu đánh bắt xa bờ, thường xuyên khai thác tại ngư trường Hoàng Sa cùng cập bến sông Hàn trước Tết Đinh Dậu. Vừa ra Tết, anh Mầy đã điện giục thuyền viên khẩn trương trở về tàu để chuẩn bị vươn khơi. “Ba chiếc tàu của mình có tổng số 27 thuyền viên, quê ở Đà Nẵng và Quảng Nam, mình đã điện tập trung, anh em đến đủ là xuất bến ngay”, anh Mầy chia sẻ.
Trong khi đó, tàu ông Lê Văn Lễ (phường Xuân Hà, quận Thanh Khê), tàu anh Nguyễn Sanh (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà), tàu ông Phan Văn Mẫn (phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) cùng hàng chục tàu khác ở âu thuyền Thọ Quang và các bến ven sông Hàn đã hoàn tất việc chuẩn bị lương thực, thực phẩm, nhiên liệu, đá lạnh để xuất bến. Đặc biệt, tàu anh Huỳnh Viết (phường An Hải Tây, quận Sơn Trà) và một số tàu khác của ngư dân Đà Nẵng Tết năm nào cũng bám biển khai thác, sau Tết mới trở về bến với những khoang tàu đầy ắp cá.
Mặc dù bị tàu Trung Quốc đe dọa, uy hiếp, xua đuổi, ngư dân Đà Nẵng vẫn kiên quyết đánh bắt tại vùng biển Hoàng Sa. “Dẫu tàu Trung Quốc ngăn cản, phá hoại, chúng tôi vẫn quyết bám ngư trường Hoàng Sa để khai thác, vì vùng biển này hoàn toàn thuộc chủ quyền của Việt Nam”, ông Hồ Văn Đời, 46 tuổi, thuyền trưởng tàu cá DNa 90315, ở quận Thanh Khê, nhấn mạnh.
Biển Hoàng Sa giàu hải sản và là ngư trường truyền thống lâu đời của ngư dân Việt Nam. Bao thế hệ ngư dân Đà Nẵng đã gắn bó với vùng biển này như máu thịt. Thuyền trưởng Lê Văn Hoàng, 42 tuổi, ở phường Xuân Hà (quận Thanh Khê) cho biết, trong chuyến biển mới đây, chỉ 12 ngày ra khơi, tàu anh đã khai thác được 20 tấn cá, bán được trên 400 triệu đồng, trừ phí tổn, mỗi thuyền viên được chia hơn 10 triệu đồng. Anh Hoàng kể: “Vừa đến vùng biển Hoàng Sa, thấy một cây gỗ nổi trên mặt nước và có nhiều rác bám vào, tôi bèn cử thuyền viên lặn xuống kiểm tra, thấy có đàn cá bám theo bên dưới cây gỗ, tôi liền cho buộc cờ nheo đánh dấu”. 5 giờ ngày hôm sau, anh Hoàng lái tàu thả lưới bao quanh cây gỗ trên đường kính gần 200 mét với loại lưới sâu 95 mét, rồi quay tời kéo lưới, bắt được 7 tấn cá. Liên tiếp hai hôm sau, tàu anh Hoàng khai thác được 13 tấn nữa mới trở về bến.
Ngư dân Quảng Nam, Quảng Ngãi sôi nổi ra quân
Từ mùng 3 Tết trở đi, ngư dân các làng chài ven biển các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi sôi nổi tổ chức lễ cầu ngư và ra quân đánh bắt hải sản đầu năm mới, với mong muốn cầu mong cho mưa thuận gió hòa, bình an, sóng yên, biển lặng, tàu cá đánh bắt trúng được nhiều mẻ, cá, tôm đầy khoang.
Sáng 06/2, tại cảng cá An Hòa, huyện Núi Thành (Quảng Nam), UBND huyện Núi Thành tổ chức lễ ra quân đánh bắt hải sản đầu năm Đinh Dậu 2017. Đây là nghi lễ truyền thống hàng năm của ngư dân huyện Núi Thành,
|
Tàu thuyền của ngư dân Quảng Ngãi “mở cửa biển” năm mới. |
Từ sáng sớm, rất đông tàu cá vỏ thép, vỏ gỗ của ngư dân trong huyện Núi Thành được trang trí các khẩu hiệu, băng rôn với dòng chữ “Quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam” đã có mặt tại cảng cá An Hòa để tham gia lễ ra quân đánh bắt hải sản đầu năm.
Lễ hội ra quân đánh bắt hải sản đầu năm ở huyện Núi Thành là hoạt động mang đậm nét văn hóa của người dân vùng biển Quảng Nam, nhằm giúp ngư dân yên tâm ra khơi đánh bắt trên biển và được nhiều hải sản.
Ngư dân Bùi Thế Cả, chủ tàu vỏ thép QNa 91045 TS, công suất 822 CV, trú tại huyện Núi Thành, cho biết: “Tàu vỏ thép tôi vừa mới đóng xong với tổng số vốn 18 tỷ đồng, hành nghề chụp mực. Nhờ được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, tôi có được một con tàu vỏ thép khang trang, hiện đại, sẽ giúp tôi đánh bắt hải sản đạt được nhiều hơn. Tôi mong muốn trong năm mới, tàu của tôi đánh bắt được nhiều hải sản, bán với giá cao để thu hồi lại vốn cũng như có nguồn thu nhập cho anh em thuyền viên trên tàu”.
Ông Nguyễn Văn Thịnh, Phó chủ tịch UBND huyện Núi Thành cho biết: “Toàn huyện hiện có 2.320 tàu, thuyền các loại. Trong đó, có 276 tàu có công suất từ 90CV trở lên, 152 tàu có công suất từ 400CV trở lên. Với việc tổ chức lễ ra quân đánh bắt đầu năm 2017, chúng tôi mong muốn các ngư dân đoàn kết, tương thân tương ái giúp đỡ lẫn nhau vượt qua khó khăn trên biển. Qua đó, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của dân tộc”.
Ngay từ mùng 3 Tết Đinh Dậu, tại cửa biển Sa Huỳnh, huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi) cũng đã tổ chức Lễ hội ra quân nghề cá đầu năm 2017.
Khác với mọi năm, năm nay lễ hội được tổ chức dưới tiết trời nắng dịu, ấm áp nên bà con tập trung về khu vực này khá đông, không khí sôi nổi, hào hứng, tươi vui. Sau phần cúng tế thần Nam Hải tại Lăng Ông là các tiết mục hát Bả trạo, hát Sắc bùa, múa lân…
Khi tiếng trống hiệu vừa kết thúc, hàng chục chiếc tàu nối đuôi nhau, rú ga hướng thẳng ra cửa biển Sa Huỳnh trước sự cổ vũ, hò reo của hàng trăm người dân.
Trong khi đó ở Lý Sơn, mùng 8 Tết Đinh Dậu, Nghiệp đoàn nghề cá xã An Hải đã tiến hành nghi lễ mở biển đánh bắt đầu năm tại ngư trường Hoàng Sa - Trường Sa. Đây là nghi lễ truyền thống có từ hàng trăm năm trước của ngư dân trên đảo Lý Sơn, nhằm gửi gắm ước nguyện thiêng liêng và cầu cho quốc thái dân an, biển thuận gió hoà, cầu mong cho mỗi chuyến ra khơi được an toàn, mạnh khoẻ, chắc tay chèo tay lái, đánh bắt hải sản bội thu; qua đó còn nhắc nhở bà con cùng nhau đoàn kết khi khai thác trên biển và chung tay xây dựng cuộc sống mới tươi đẹp hơn...
Sau các nghi thức cúng tế, hồi trống lệnh vang lên trong tiếng hò reo của hàng trăm ngư dân, những con tàu đánh bắt xa bờ với đầy đủ ngư lưới cụ, nhiên liệu nối đuôi nhau tiến ra ngư trường Hoàng Sa - Trường Sa của Việt Nam.
Được biết, mùa biển năm 2016 vừa qua, ngư dân Lý Sơn khai thác được trên 38.000 tấn hải sản các loại với giá trị đạt trên 450 tỉ đồng. Thu nhập một lao động nghề biển đạt 100-120 triệu đồng/người/năm.
Những cột mốc sống khẳng định chủ quyền Tổ quốc
Thời gian qua, nhiều chính sách hỗ trợ đánh bắt, khai thác trên biển đã được triển khai. Ngư dân đánh bắt xa bờ được Chính phủ hỗ trợ tiền nhiên liệu với nhiều mức khác nhau, mỗi tàu từ 100-400 triệu đồng/năm, tùy theo công suất. Nhà nước còn hỗ trợ những loại máy thông tin tốt, giúp các tàu đánh bắt xa bờ dễ dàng thông tin cho nhau về tình hình ngư trường và thường xuyên liên lạc với các cơ quan chức năng trong đất liền. Đặc biệt, tại Đà Nẵng, 100% lao động trên các tàu cá từ 50CV trở lên được UBND thành phố hỗ trợ thẻ bảo hiểm thuyền viên hằng năm.
Cùng với đó, tàu cá được tổ chức thành các tổ khai thác hải sản đoàn kết, an toàn, mỗi tổ từ 3-7 tàu, nhằm hỗ trợ nhau trong quá trình đánh bắt và kịp thời báo tin cho nhau biết vị trí, thủ đoạn phá hoại của tàu Trung Quốc để phòng tránh. Bất chấp bao khó khăn thử thách, ngư dân các địa phương Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi vẫn kiên cường vươn khơi bám biển. Mỗi chiếc tàu đánh bắt xa bờ như một cột mốc sống khẳng định chủ quyền Tổ quốc trên biển và khi biển bị xâm lấn thì các ngư dân ở ngoài khơi cũng như người chiến sĩ bám trụ giữ làng trong thời kháng chiến.
Đặc biệt, ở Đà Nẵng nhiều người cao tuổi vẫn trực tiếp làm thuyền trưởng tàu đánh bắt xa bờ, nêu gương sáng cho con cháu về ý thức bảo vệ chủ quyền biển, đảo và hoạt động cứu hộ cứu nạn trên biển. Đang hối hả chuẩn bị cho chuyến biển đầu Xuân mới, ông Lê Văn Trí, 62 tuổi, ở phường Thọ Quang (quận Sơn Trà), hồ hởi bộc bạch: “Liên tục vươn khơi, đánh bắt xa bờ, vừa đem lại nhiều thu nhập cho gia đình, vừa góp phần bảo vệ và khẳng định chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc”.