Tại Phú Yên những ngày này có tình trạng nhiều ngư dân nhận lời đi “bạn” tàu cá, đã ứng tiền trước nhưng đến ngày tập trung xuống tàu ra khơi thì… tắt điện thoại.
|
Mỗi tàu cá xa bờ cần ít nhất 10 bạn tàu |
Gặp phóng viên, ông Trần Ngọc Cường - chủ tàu PY-96455 chuyên nghề câu cá ngừ đại dương mếu máo: “Trước Tết Đinh Dậu, tôi đã ứng 3 - 5 triệu đồng cho mỗi người nhận lời đi bạn; trong đó 1 triệu đồng tặng cho gia đình, còn lại là cho mượn trước rồi sẽ trừ sau chuyến biển. 10 người đều đồng tình, bắt tay cam kết mùng 6 Tết này (2.2) tập trung lên tàu ra khơi. Vậy mà sáng đó, chỉ 5 người có mặt tại bến, số còn lại thì… tắt điện thoại! Thiếu nhân lực, tàu nhà đành phải nằm chờ tìm cho đủ bạn, dời ngày xuất bến lại 16 tháng Giêng (12.2). Cũng chẳng biết rồi người nào lại “tắt điện thoại” nữa đây…”. Ông Nguyễn Thanh Hiệp - thuyền trưởng tàu xa bờ PY-96572, cũng đang thấp thỏm thiếu bạn cho chuyến xuất bến ngày 8.2. “Trước tết này, gia đình tôi đã ứng chi 40 triệu đồng cho 10 bạn tàu. Tất cả đều đã “ok”. Thế nhưng tôi đã “nghe mùi phá kèo”. Bạn tàu thì ở tứ phương, gia đình tôi đang chia nhau đi thăm hỏi, “hâm nóng cam kết” để mong họ đúng hẹn, đảm bảo chuyến biển trót lọt…”.
Thuyền trưởng Hiệp cho biết thêm, tình trạng khan hiếm nhân lực đi biển là chuyện đã xảy ra nhiều năm qua của các chủ tàu xa bờ vùng Nam Trung Bộ. Bởi thu nhập nghề xa bờ ngày càng giảm dần, nhiều ngư dân chỉ thích tìm việc trên bờ, dù thu nhập ít hơn nhưng đỡ hiểm nguy,… Chủ tàu nào cũng đều có cách chăm lo, thu hút riêng đối với lực lượng đi bạn nhưng nhiều lúc vẫn phải nằm bờ do thiếu nhân lực.
“Cách đây mươi năm, khi nghề xa bờ thu lớn, nhiều người làm ruộng rẫy cũng xin đầu quân ra biển. Nay thì nhiều trai tráng dân biển cũng chẳng còn mặn mà ra khơi… Mỗi đợt tàu nằm bờ là chủ tàu “khóc ré” bởi bao nhiêu tiền bạc cần phải trả ngân hàng, bảo dưỡng tàu, chi dùng gia đình…” - ông Hiệp than thở.
Chủ tàu Trần Ngọc Cường bức xúc: “Lỡ chuyến biển mùng 6 Tết vừa qua, tôi tìm đến tận nhà một số bạn phá “kèo” thì được vợ họ cho biết “ổng đi biển rồi”. Thì ra, mấy ông này “bắt cá hai tay”, đã nhận tiền và cam kết đi cho tôi nhưng lại nhận tiếp của người khác, phá kèo với tui. Khi tui làm dữ thì các bà vợ nói “để ổng đi biển về rồi trả lại tiền”. Thiệt chẳng biết nói làm sao!”.
Cũng theo ông Cường, giao kèo lâu nay giữa chủ - bạn thì không có giấy tờ ký tá gì cả, chủ yếu là trên tinh thần bạn bầu nghề biển truyền thống. Vì thế khi bị “lật kèo” chỉ biết kêu trời, chấp nhận mất tiền ứng trước.
Ông Đỗ Quốc Hòa - ngư dân đi bạn ở huyện Tuy An (Phú Yên) thừa nhận, tình trạng “lật kèo” đi bạn đang dần phổ biến. “Thế nhưng cũng phải hiểu cho bạn tàu, họ phải tìm nơi trả công khá, ổn định để có tiền nuôi vợ con. Làm tự do mà! Chủ tàu nào ứng xử đẹp thì theo, không thì đi nơi khác. Vẫn còn đó rất nhiều người thực hiện đúng cam kết, trung thành nghĩa tình với các chủ tàu có cách “đối nhân” sòng phẳng” – ông Hòa cho hay.
Ông Phan Thuẫn - Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá phường 6 Tuy Hòa cho biết, bản thân ông cũng đang vào cuộc đi khắp nơi để tìm bạn giúp cho tàu một đứa cháu. “Thanh niên làng biển bây giờ đang dần có học nên nhiều cơ hội làm việc. Nghề biển thì vẫn khó khăn, nguy hiểm nên nhiều em ngại ra với sóng gió… Chính sự bấp bênh này tạo ra lỗ hổng cho tình trạng “nhận tiền, phản kèo” tàu xa bờ. Chỉ mong Nhà nước có chính sách về hỗ trợ phát triển nhân lực đánh bắt xa bờ”.
Còn theo ông Nguyễn Tri Phương - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Phú Yên, không có hợp đồng lao động nên rất khó quy trách nhiệm trong vấn đề nhân lực tàu xa bờ. Tuy nhiên, một số tổ hợp tác đánh bắt cũng đã bắt đầu áp dụng mô hình có ký kết hợp đồng lao động, trả một khoản tiền hàng tháng cho nhân công đi bạn. Thế nhưng việc này vẫn khó phổ biến, bởi hầu hết các tàu xa bờ hiện là tài sản của từng gia đình, cách quản lý vẫn theo kiểu “chuyến nào ăn chuyến đó”...