Những năm qua, Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân thuộc Hội Nông dân (ND) tỉnh Hà Tĩnh đã cung ứng phân bón Lâm Thao trả chậm đến tận tay bà con ND. Cách làm này giúp bà con được sử dụng sản phẩm bảo đảm chất lượng, giá cả hợp lý, bớt nỗi lo nạn phân giả và chi phí sản xuất.
|
Giao phân bón Lâm Thao cho hội viên, nông dân xã Xuân Trường, huyện Nghi Xuân. Ảnh:Thanh Trà |
Nông dân được hướng dẫn sử dụng phân bón đúng cách
Trao đổi với phóng viên NTNN, ông Nguyễn Tiến Anh-Giám đốc Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ ND Hà Tĩnh cho biết, năm 2016 vừa qua, cùng với việc duy trì hoạt động kết nối tiêu thụ nông sản cho bà con ND, trung tâm còn tiên phong trong việc làm cầu nối cung ứng phân bón Lâm Thao xuống cho hội viên ND tận các chi hội cơ sở tại 10/13 huyện, thị, thành trong tỉnh. Thông qua chương trình kết nối, phối hợp này, trung tâm còn đưa các cán bộ kỹ thuật của Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao về tận các xã để tập huấn về quy trình kỹ thuật sử dụng phân bón.
Theo đó, đơn vị đã tổ chức được 69 lớp tập huấn cho hơn 4.200 hội viên và ND sử dụng phân đúng cách, góp phần tăng hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp. Bà Nguyễn Thị Hoa ở xã Cẩm Hòa, huyện Cẩm Xuyên cho biết: “Nhận được thông báo của Chi hội ND về đăng ký mua phân bón NPK Lâm Thao theo hình thức trả chậm, bà con ND chúng tôi rất hào hứng. Không chỉ đăng ký mua là xong, chúng tôi còn được mời đến tập huấn sử dụng phân bón đúng cách, nhờ đó đã nâng cao trình độ sản xuất, tăng thêm kinh nghiệm chọn mua phân bón chất lượng”.
Trong năm 2016, Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ ND Hà Tĩnh cùng Hội ND các cấp đã phối hợp cung cấp được 1.476 tấn phân bón trả chậm cho hội viên ND tại TP.Hà Tĩnh, thị xã Kỳ Anh, các huyện Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, Can Lộc, Thạch Hà, Lộc Hà, Đức Thọ, Vũ Quang, Hương Khê, và một số HTX.
Trò chuyện với phóng viên, bà Hoa thật thà: “Thú thực là làm nông nghiệp lâu năm nhưng thường thì cứ đến mùa vụ là chúng tôi lại ra cửa hàng kinh doanh phân bón mua phân về bón ruộng mà không biết loại phân nào phù hợp với đất nào; cũng không biết căn cứ vào độ ẩm, thời tiết mà bón các loại phân cho hợp lý, nên nhiều vụ bón nhiều phân mà không phát huy hết hiệu quả, lại tốn kém”.
Ông Nguyễn Văn Hoàng-Chủ tịch Hội ND huyện Cẩm Xuyên cho biết: “Nhằm đem đến cho bà con ND những sản phẩm phân bón có chất lượng, ngày 30.11.2016, Ban Thường vụ Hội ND huyện Cẩm Xuyên đã phối hợp Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ ND tỉnh, Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật sử dụng phân bón cho bà con ND tại các xã Cẩm Hòa, Cẩm Yên, Cẩm Hưng. Các buổi tập huấn đều thu hút rất đông hội viên ND tới dự, điều đó cho thấy chương trình rất đúng và trúng”.
Trao đổi với phóng viên, ông Trần Văn Thọ-Trưởng trạm giao dịch Hà Tĩnh, Quảng Bình của Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao cho biết: “Tham gia tập huấn cho bà con ND, chúng tôi không chỉ phổ biến những kiến thức rất hữu ích về kỹ thuật bón phân cân đối cho cây trồng, quy trình bón phân NPK Lâm Thao khép kín cho cây lúa, ngô, đậu, lạc và các loại cây ăn quả…, mà còn giúp bà con giải đáp những thắc mắc về cách bón phân cho cây trồng, tư vấn cách chọn mua từng loại phân bón phù hợp với từng loại cây trồng, chất đất, cách phân biệt phân bón giả, phân kém chất lượng…”.
Nhà nông lợi đôi đường
Chương trình mua phân bón trả chậm không chỉ giúp ND yên tâm sản xuất, giảm bớt nỗi lo về tiền mua vật tư, phân bón mỗi khi vào mùa vụ, mà còn giúp bà con được mua trực tiếp và sử dụng các loại phân bón bảo đảm chất lượng của nhà máy, không phải qua trung gian”.
Ông Phan Văn Tiếu -
Chủ tịch Hội ND Can Lộc
|
Ông Phan Văn Tiếu-Chủ tịch Hội ND huyện Can Lộc cho biết: “Từ đầu năm 2016 đến nay, Hội ND huyện Can Lộc đã phối hợp Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ ND tỉnh đứng ra tín chấp với các doanh nghiệp, nhà máy cung ứng hàng trăm tấn phân bón dưới hình thức trả chậm cho bà con sản xuất kịp thời vụ. Hội ND các xã, thị trấn cùng phối hợp trong việc vận động hội viên, ND đăng ký sử dụng; sau khi bà conthu hoạch mùa vụ, các chi hội mới thu tiền để hoàn trả cho công ty. Thực hiện chương trình này, bà con còn có thêm cái lợi là được doanh nghiệp chở phân bón đảm bảo chất lượng về tận xã, bán nợ theo giá niêm yết của nhà máy”.
Chị Trần Thị Hương - ND xã Phương Điền, huyện Hương Khê cho hay: “Gia đình tôi làm hơn 1 mẫu ruộng và đất màu nên chi phí phân bón mỗi vụ lên đến 2-3 triệu đồng. Cứ vào đầu vụ, gia đình lại lo lắng khoản tiền mua phân bón nhưng đợt này, Hội ND xã đã ký cam kết mua trả chậm cho bà con ND trong xã hơn 60 tấn phân Lâm Thao. Gia đình tôi và hàng trăm hội viên trong xã đã được ưu tiên mua phân trả chậm, nhờ đó chúng tôi không phải vay tiền mua phân bón như trước”.
Chị Hương cũng cho biết, bà con chỉ cần đăng ký số lượng, chủng loại phân bón với Chi hội ND của xóm, xã. Đến vụ sản xuất, xe của công ty sẽ chở phân bón về tận hội trường thôn cho bà con nhận, sau khi thu hoạch vụ mùa bà con mới phải trả tiền.
Còn ông Nguyễn Văn Hùng ở xã Kỳ Tiến, huyện Kỳ Anh phấn khởi bày tỏ: “Mua phân bón theo phương thức trả chậm giúp nhà nông chúng tôi có phân bón đúng thời vụ, bảo đảm chất lượng. Mong là chương trình này sẽ được duy trì lâu dài để giúp bà con bớt khó khăn, yên tâm sản xuất”.
“Có thể nói, chương trình cung ứng phân bón trả chậm đã góp phần giải tỏa nỗi lo lắng của người ND về giá cả phân bón lên xuống thất thường, cũng như không còn phải lo về nạn phân bón giả, kém chất lượng trôi nổi trên thị trường như trước. Theo đó, Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao sẽ chịu trách nhiệm về số lượng, chất lượng và giá cả các loại phân bón, Hội ND đứng ra tín chấp để bà con mua phân bón trả chậm. Sau khi thu hoạch, Hội ND các xã chịu trách nhiệm thu đủ tiền phân bón hoàn trả công ty. Vì thế người ND được lợi đôi đường” – ông Tiến Anh đánh giá.