Những ngôi nhà kính, nhà lưới mọc sừng sững trên đồng đất Hà Nam, minh chứng cho sự trỗi dậy của một tư duy làm nông nghiệp mới - sản xuất nông nghiệp công nghệ cao...
|
Thủ tướng ấn nút khởi động sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại nông trường VinEco Hà Nam |
Trong ngày làm việc đầu tiên của xuân Đinh Dậu, những doanh nghiệp chủ chốt đầu tư nông nghiệp công nghệ cao ở Hà Nam như NSC Hightech Hà Nam (thành viên của Vinaseed); VinEco (thành viên của Vingroup), đã được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trực tiếp đến thăm hỏi, động viên.
Doanh nghiệp - hạt nhân phát triển
Những ngôi nhà kính, nhà lưới mọc sừng sững trên đồng đất Hà Nam, minh chứng cho sự trỗi dậy của một tư duy làm nông nghiệp mới - sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.
Trở lại khu nông nghiệp công nghệ cao xã Nhân Khang (huyện Lý Nhân, Hà Nam) vào đầu xuân năm mới Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vẫn nhớ như in khuôn mặt sầu não của bà Nguyễn Thu Đang (Giám đốc Cty An Phú Hưng khi ấy) trước hàng chục ngôi nhà lưới sản xuất rau, củ quả của Cty bị bão số 1 “thổi bay” vào cuối tháng 7.2016. Giờ đây, nụ cười của người đàn bà nhỏ bé, mình hạc xương mai đã vui trở lại, khi Cty CP Giống cây trồng Trung ương (Vinaseed) quyết định tiếp nhận và rót vốn đầu tư vào đây để… dựng lại cơ nghiệp.
Những gian nhà lưới mỏng manh được thay thế bằng những ngôi nhà kính vững chãi theo công nghệ Israel và Nhật Bản cải tiến để phù hợp với điều kiện của Việt Nam (với suất đầu tư chỉ bằng 20% so với công nghệ của các nước sở tại). Sản phẩm chủ chốt mà NSC Hightech Hà Nam tập trung sản xuất là dưa lưới Nhật Bản.
Bà Trần Kim Liên - Tổng giám đốc Vinaseed, cho biết: Trước khi đầu tư vào khu nông nghiệp công nghệ cao này, Cty đã tiến hành khảo sát thị trường và thấy rằng, chỉ trong 5 tháng đầu năm 2016, các cửa khẩu phía Bắc nước ta đã nhập khoảng 21.000 tấn dưa lưới chất lượng trung bình từ Trung Quốc. Trong khi đó, nếu sản xuất ngay tại Việt Nam, sản phẩm dưa lưới của ta có thừa khả năng cạnh tranh cả về mẫu mã và giá thành.
Với khát vọng chuyển dịch cơ cấu cây trồng của tỉnh Hà Nam và ĐBSH, hình thành một vùng sản xuất dưa lưới tập trung quy mô lớn, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu, năm 2017, Vinaseed tập trung đầu tư giai đoạn 1 khoảng 21ha nhà kính. Quan điểm công nghệ của Cty là suất đầu tư vừa phải nhưng đạt hiệu quả cao. Công nghệ đó có thể ứng dụng rộng ra nhân dân để đưa nông dân vào chuỗi, tạo sức lan tỏa mạnh. Với tư duy này, Cty sẽ đóng vai trò là nhà đầu tư cốt lõi, trở thành trung tâm đào tạo, chuyển giao và trình diễn để nông dân làm theo.
Cơ cấu sản phẩm của Cty sẽ nhắm tới đa dạng phân khúc của thị trường, từ cao cấp đến bình dân, vừa phục vụ xuất khẩu, vừa đáp ứng nhu cầu của hơn 90 triệu người dân Việt Nam. Theo nhẩm tính của bà Liên, với sản lượng dưa lưới đạt khoảng 100 tấn/ha/năm, doanh thu khoảng 4 tỷ đồng/ha, tỷ suất lợi nhuận 40%, đây sẽ là một trong những ngành hàng mới của ngành nông nghiệp nước nhà, và là một sản phẩm thế mạnh của ĐBSH. Để làm việc này, chúng tôi đã mất 4 năm để nghiên cứu và thử nghiệm, đến nay đã hoàn toàn làm chủ công nghệ giống và quy trình canh tác. Dự kiến, đến tháng 5/2017, lô dưa lưới đầu tiên của NSC Hightech Hà Nam sẽ ra thị trường.
Cũng theo người đứng đầu Vinaseed, Cty huy động mọi nguồn lực xã hội tham gia vào chuỗi giá trị, trước mắt sẽ dựa vào những hệ thống phân phối lớn như Vingroup, Fivimart, Aeon; các cửa hàng thực phẩm sạch và các đại lý trên toàn quốc để tiêu thụ sản phẩm. Vinaseed cũng là một thành viên của The Pangroup - một tập đoàn đầu tư nông nghiệp đa ngành (gồm cả thủy sản, chế biến cây công nghiệp đến gạo, rau, củ, quả) có tiềm lực tài chính mạnh, có quan hệ quốc tế rộng, có thể giúp Cty xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường bằng cách xây dựng kênh phân phối riêng biệt của mình từ trang trại đến bàn ăn. Trong chiến lược trung và dài hạn, Vinaseed sẽ thực hiện mua bán, sáp nhập các doanh nghiệp có lợi thế, có cơ sở vật chất, có lượng khách hàng đông đảo để tham gia cùng chúng tôi khép kín chuỗi giá trị các ngành hàng.
Ngoài xây dựng chuỗi giá trị rau, củ, quả cao cấp, Vinaseed cũng đã xây dựng và khép kín chuỗi giá trị lúa gạo phục vụ xuất khẩu và nội tiêu. Các sản phẩm gạo của Cty được bán với mức giá khá lý tưởng (từ 700 - 1.000 USD/tấn).
Chính quyền đứng ra tích tụ đất
Tham gia cùng đoàn công tác của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hà Nam trong dịp đầu xuân còn có lãnh đạo chủ chốt 10 tỉnh/thành phố thuộc ĐBSH. Và, không phải ngẫu nhiên, Thủ tướng nói rằng “các địa phương cần học Hà Nam cách làm nông nghiệp”. Bởi không chỉ có Vinaseed, tỉnh Hà Nam đã thu hút được một tập đoàn có tiềm lực tài chính mạnh ngoài ngành như Vingroup đầu tư làm nông nghiệp công nghệ cao với diện tích gần 200ha tại xã Xuân Khê và Nhân Bình (huyện Lý Nhân).
Theo ông Nguyễn Xuân Đông - Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam, với mục tiêu lấy nông nghiệp công nghệ cao làm nòng cốt, doanh nghiệp làm hạt nhân, tỉnh đã thực hiện tích tụ ruộng đất theo hình thức chính quyền cấp xã, cấp huyện hợp đồng thuê đất nông nghiệp của các hộ dân, chính quyền cấp tỉnh ký hợp đồng cho doanh nghiệp thuê lại bằng đúng giá thuê đất của nông dân để phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. “Làm như vậy vừa tạo niềm tin cho nông dân có đất cho thuê, vừa tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp vì có chính quyền bảo lãnh”, ông Đông nói.
Dự án VinEco Hà Nam là một trong 14 nông trường của VinEco (thuộc tập đoàn Vingroup), có diện tích 180ha với tổng vốn đầu tư gần 300 tỷ đồng. Trong đó có khu cánh đồng mẫu lớn rộng 130ha, khu nhà kính Israel công nghệ cao quy mô 5ha và các khu hỗ trợ sản xuất.
Khu nhà kính số 1 được Thủ tướng ấn nút khởi động sản xuất nông nghiệp công nghệ cao rộng 8.300m2, VinEco sẽ triển khai sản xuất các nhóm rau ăn lá với sản lượng 150 tấn/năm. Nhà kính sử dụng công nghệ tưới nhỏ giọt tự động và kiểm soát các thông số nước, không khí phù hợp với từng giai đoạn sinh trưởng của cây trồng.
Ông Nguyễn Việt Quang - Phó Chủ tịch Tập đoàn Vingroup khẳng định: “VinEco Hà Nam nói riêng và hệ thống VinEco trên cả nước sẽ cung ứng ra thị trường nội địa những sản phẩm tươi ngon, đảm bảo chất lượng và an toàn cho người Việt; đồng thời đáp ứng các tiêu chuẩn cao của quốc tế, tiến tới từng bước xuất khẩu nhằm đưa nông sản Việt lên bản đồ nông sản thế giới”.