Có HTX, nông sản tiêu thụ dễ dàng hơn
Những ngày đầu xuân, chúng tôi đến thăm HTX Hưng Thịnh ở tiểu khu 3, xã Mường Bú, một trong những địa bàn có sản lượng nông sản lớn nhất huyện Mường La. Anh Nguyễn Đình Hướng - Giám đốc HTX Hưng Thịnh cho biết, xã Mường Bú từ lâu đã chú trọng sản xuất 5 loại nông sản chính, gồm ngô, xoài, nhãn, táo, chuối. Dù đem về sản lượng không nhỏ, nhưng những loại nông sản này vẫn chỉ quanh quẩn cung cấp cho thị trường nội tỉnh, giá bán bấp bênh. Chính vì thế, thu nhập của bà con trong vùng cũng chưa có sự bứt phá.
|
So với những vườn táo lai ghép khác trong tỉnh, sản phẩm táo của HTX Hưng Thịnh luôn đạt năng suất cao, chất lượng ngon hơn nhờ áp dụng VietGAP. Ảnh: K.T |
Đến nay, trên địa bàn huyện đã có hàng chục HTX kiểu mới, hàng trăm mô hình kinh tế trang trại hoạt động khá hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực: Chăn nuôi, trồng trọt, thủy sản, lâm nghiệp, xây dựng, dịch vụ… Từ những mô hình đó, hàng nghìn lao động đã có việc làm ổn định với mức thu nhập cao hơn so với trước đây”.
Ông Nguyễn Văn Tâm-Trưởng phòng NNPTNT huyện Mường La
|
Trăn trở trước khát vọng làm giàu từ chính những cây trồng truyền thống của địa phương mình, lại được sự giúp đỡ tích cực của lãnh đạo huyện và Liên minh các HTX tỉnh, năm 2013, anh Hướng mạnh dạn đứng ra thành lập HTX Hưng Thịnh. “Trước khi thành lập HTX, từ năm 2010 đến 2012, tôi đã bỏ ra nhiều công sức đi đến các vùng quê người dân phát triển mạnh cây trồng đặc sản như vùng vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang), vùng trồng nhãn lồng Hưng Yên… để tìm hiểu, học hỏi. Trở về, tôi vay mượn tiền nhận thầu thêm 3ha đất ngoài 3ha đất trồng táo vốn có của gia đình để trồng thêm xoài, thanh long ruột đỏ, nhãn trái vụ, kết hợp nuôi giống lợn mõm dài của địa phương” – anh Hướng kể.
Song song với việc thành lập trang trại, anh Hướng đầu tư tìm kiếm thị trường, giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ, mạnh dạn kết nối với những siêu thị ở Hà Nội và một số tỉnh vùng xuôi để tìm đầu ra ổn định cho nông sản. “Nhờ chủ động tìm đầu ra mà hiện nay toàn bộ lượng trái cây, thịt lợn của gia đình tôi và của HTX không đủ để cung ứng theo đơn đặt hàng của khách” - anh Hướng phấn khởi nói.
Không làm giàu một mình
Từ những thành công trong phát triển kinh tế gia đình theo hướng trang trại, anh Hướng đã vận động 7 gia đình khác tham gia vào HTX với diện tích góp đất ban đầu là 10ha. Đây đều là những hộ có kinh nghiệm làm vườn và vẫn duy trì trồng 2 loại cây ăn quả truyền thống là xoài, táo.
Đưa chúng tôi đi thăm vườn táo, anh Hướng chỉ cho chúng tôi xem những gốc táo to bằng cả người ôm rồi bảo: “Cây táo giống cũ của chúng tôi tuy sai nhưng quả nhỏ và không đẹp mã, lại chín muộn hàng tháng trời so với giống táo mới. Vì vậy chúng tôi quyết định ghép mắt với các giống táo đại, táo đào vàng, táo Đài Loan… Chúng tôi không thực hiện cắt cành, đợi chồi lên mới ghép mắt vì như thế là mất cả một vụ thu hoạch, mà ghép cành trực tiếp ngay khi cắt gốc cây táo cũ. Cách làm này vừa tiết kiệm được thời gian, cây có thể cho quả ngay từ vụ đầu tiên mà táo lại ngon hơn so với giống táo nguyên bản”.
Thấy HTX có cách làm ăn mới cho hiệu quả cao, nhiều hộ dân khác trong vùng đã mạnh dạn tham gia HTX, nâng tổng số xã viên hiện có lên gần 20 hộ với diện tích đất sản xuất trên 17ha, trong đó có 10ha trồng táo, 5ha nhãn ghép, còn lại một số loại cây ăn quả khác và chăn nuôi lợn thả rông dưới tán vườn. HTX còn có gần 100 con bò mẹ sinh sản, mỗi năm cung ứng ra thị trường khoảng 60 con bê và hàng chục tấn thịt lợn, thịt bò sạch.
Anh Hướng cho biết, đến nay HTX Hưng Thịnh hoạt động đa dạng nhiều lĩnh vực, từ xây dựng, dịch vụ đến chăn nuôi cá, vịt trời, bò cóc, lợn bản… “Với sản phẩm cây trồng, chúng tôi ứng dụng triệt để quy trình VietGAP; trong chăn nuôi thì thực hiện phương châm “Sản phẩm sạch là tiêu chí hàng đầu”. Vì thế, không chỉ rau, hoa quả tươi mà cả thịt bò, thịt lợn, vịt, gà, ngan, ngỗng, cá của HTX đều bán rất chạy, nhờ đó bà con xã viên đều có thu nhập tốt” – anh Hướng nói.
Ông Nguyễn Văn Học, xã viên HTX Hưng Thịnh cho biết: “Từ ngày vào HTX, chúng tôi ăn nên làm ra không chỉ với nghề cũ mà còn biết áp dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao trình độ sản xuất. Các loại nông sản chúng tôi làm ra đều bán được giá cao, ổn định nhờ có HTX đứng ra bao tiêu toàn bộ”.