Cảnh báo nguy cơ cúm gia cầm bùng phát
16:53 - 27/02/2017
(TNNN) - Hiện nay, nông dân ở các tỉnh, thành khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long đang bước vào giai đoạn thu hoạch vụ lúa đông xuân, rộ nhất là ở các tỉnh như: An Giang, Đồng Tháp và Kiên Giang. Do những tỉnh này có vị trí địa lý nằm trên tuyến biên giới tiếp giáp với nước bạn Campuchia nên nguy cơ lây nhiễm virus cúm gia cầm có độc lực cao là khó tránh khỏi nếu như việc này không được kiểm soát chặt chẽ.
Người chăn nuôi cần nắm chắc tình hình dịch bệnh cũng như cách phòng tránh cúm gia cầm cho vật nuôi

 

Tính từ đầu năm 2017 đến nay, tại tỉnh Svayreing (Campuchia) nơi có đường biên giới tiếp giáp với tỉnh Long An, Tây Ninh đã ghi nhận được các trường hợp nhiễm cúm trên đàn gia cầm. Trong khi đó ở nước ta, do thời tiết từ đầu năm đến nay có nhiều thay đổi bất thường, những điều kiện bất lợi này cũng là nguyên nhân khiến dịch cúm gia cầm H5N1 rất dễ có cơ hội bùng phát mạnh.
 


Bên cạnh đó, theo nhận định của Cục Y tế dự phòng, nước ta còn có chung đường biên giới dài và có sự giao lưu thương mại cũng như du lịch lớn với nước láng giềng Trung Quốc. Đặc biệt là tại các tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây, nơi cũng đã ghi nhận có các trường hợp người bị lây nhiễm cúm A (H7N9) từ gia cầm.

 
Vì thế, Việt Nam đang có nguy cơ rất lớn bị vi rút cúm A (H7N9) xâm nhập từ vùng có dịch. Đặc biệt nguy hiểm đối với những trường hợp người di chuyển đến những khu vực có dịch hoặc có tiếp xúc với gia cầm sống mắc bệnh. Một điều đáng lo ngại nữa là tình trạng gia cầm được nhập lậu, thịt gà bệnh từ Trung Quốc không được kiểm soát chặt chẽ, triệt để nên đã tuồn vào Việt Nam thông qua các con đường thẩm lậu, tiểu ngạch.

 
Đứng trước tình hình ngành chăn nuôi gia cầm trong nước vốn đã lao đao do gặp phải rất nhiều khó khăn thời gian qua; nay lại thêm mối nguy cơ gà bệnh, gà thải loại từ Trung Quốc với giá siêu rẻ sẽ tìm cách tuồn lậu vào, nhiều trang trại gà trong nước đang vô cùng lo lắng.



 
Ông Trần Phi Sơn, chủ trang trại nuôi gà trắng ở phường Trảng Dài- thành phố Biên Hòa- Đồng Nai cho biết, hiện nay thời tiết phía Nam đang bước vào mùa khô lạnh, là mùa gia cầm có khả năng bị nhiễm bệnh cao. Vì vậy, việc cần làm trước mắt là trang trại của ông sẽ thực hiện những biện pháp an toàn sinh học từ khâu chọn con giống cho đến kỹ thuật chăm sóc và giết mổ. “Nếu trước đây, công tác an toàn sinh học cho gà, chúng tôi thực hiện 1- 2 lần/tuần thì nay tăng lên 1 lần/ngày, cố gắng mức tối đa để dịch bệnh không có cơ hội xuất hiện”- ông Sơn nói.

 
Theo ông Đàm Xuân Thành- Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp & PTNT) đánh giá, dù Việt Nam chưa ghi nhận có dịch cúm A (H7N9) trên gia cầm nhưng từ đầu năm đến nay, đã phát hiện nhiều ổ dịch cúm gia cầm trong cả nước. Mới đây nhất là ổ dịch cúm gia cầm được phát hiện tại xã Trực Thuận- huyện Trực Ninh- tỉnh Nam Định.


 
Trước đó, cũng trong tháng 2, các ngành chức năng đã phát hiện được 3 ổ dịch cúm gia cầm H5N1 ở xã Vĩnh Phú Đông- Huyện Phước Long- Bạc Liêu; xã Diễn Thắng- Huyện Diễn Châu- Nghệ An và ghi nhận ổ dịch cúm gia cầm H5N6 tại xã Phổ Cường- huyện Đức Phổ- tỉnh Quảng Ngãi.
 

Trước tình thế cấp bách phải ngăn chặn được vi rút gia cầm xâm nhiễm vào nước ta, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & PTNT Nguyễn Xuân Cường vừa có công điện khẩn gửi các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư và một số Bộ, ngành về việc tăng cường các biện pháp ngăn chặn vi rút gia cầm A (H7N9) và các chủng vi rút cúm khác xâm nhiễm vào nước ta.

 

 

Theo đó, nghiêm cấm việc vận chuyển, buôn bán, giết mổ, tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu qua biên giới, kể cả dưới hình thức cho, tặng gia cầm, sản phẩm gia cầm; tuyên truyền đến cư dân biên giới về sự nguy hiểm của bệnh cúm gia cầm; giám sát, phát hiện, đấu tranh không tiếp tay cho các hoạt động buôn bán, vận chuyển, giết mổ gia cầm; vận động người chăn nuôi chỉ mua gia cầm giống ở các cơ sở có uy tín trong nước, có nguồn gốc rõ ràng, đã qua kiểm dịch thú y. Ngoài ra, đẩy mạnh công tác tuyên truyền để giúp người dân hiểu, nắm chắc tình hình dịch bệnh cũng như cách phòng tránh.
 


Đồng thời, xử lý nghiêm khắc, triệt để các trường hợp vận chuyển, buôn bán, giết mổ gia cầm nhập lậu qua biên giới, không rõ nguồn gốc. Lập kế hoạch chủ động bố trí lực lượng cố định và cơ động, nhân lực, vật tư, kinh phí nhằm ứng phó kịp thời khi có dịch cúm gia cầm xảy ra, không để dịch lây lan cho người và xảy ra trên diện rộng.


 
Bộ cũng giao Cục Thú y tiếp tục chỉ đạo lực lượng thú y tại các tỉnh biên giới phối hợp cơ quan thú y vùng, Chi cục Kiểm dịch động vật vùng tăng cường việc kiểm soát các hoạt động vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới; tổ chức lấy mẫu gia cầm sống để giết mổ, thịt gia cầm nhập lậu qua biên giới để xét nghiệm các chỉ tiêu vệ sinh an toàn thực phẩm, nhằm cảnh báo cho người tiêu dùng về sự nguy hiểm, tác hại của gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu qua biên giới.

 

Thanh Trúc
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo