Đầu tư 538 tỷ đồng cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp
09:06 - 01/03/2017
UBND TP.HCM vừa triển khai chương trình đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp thành phố giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025, với vốn đầu tư hơn 538 tỷ đồng. Trong số này, ngân sách đóng góp 321,7 tỷ đồng, chiếm 59,8%, nông dân, doanh nghiệp đóng góp 216,3 tỷ đồng, chiếm 40,2%.
Dùng máy sơ chế và đóng gói rau an toàn trước khi đưa ra thị trường ở huyện Củ Chi


Theo đó, giai đoạn 2017-2020, thành phố sẽ triển khai các hoạt động như đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa, tự động hóa trong sản xuất rau an toàn, hoa cây kiểng, chăn nuôi bò thịt, bò sữa, nuôi trồng thủy sản, sản xuất muối… với nhu cầu vốn 263 tỷ đồng.

Giai đoạn 2021-2025, thành phố dự kiến cần thêm 275 tỷ đồng tiếp tục đầu tư cho các đề tài nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực ứng dụng cơ giới hóa, tự động hóa; xây dựng các mô hình ứng dụng cơ giới hóa, tự động hóa trong sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ đầu tư xây dựng các nhà sơ chế, bảo quản sản phẩm nông nghiệp; đồng thời thực hiện công tác chuyển giao công nghệ, dây chuyền sản xuất, máy móc thiết bị từ nước ngoài…

Theo ông Lê Thanh Liêm-Phó Chủ tịch thường trực UBND TP.HCM, cùng với áp dụng công nghệ cao, việc đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa, tự động hóa trong sản xuất nông nghiệp giúp chất lượng nông sản đảm bảo đồng đều, mẫu mã tốt, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu, góp phần tăng giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích đạt 800 triệu đồng/ha/năm vào năm 2020, cao gấp 2 đến 3 lần so với giai đoạn 2011-2015.

Ngoài ra, ứng dụng cơ giới hóa, tự động hóa trong nông nghiệp cũng sẽ giải quyết được tình trạng thiếu lao động, cải thiện thu nhập của nông dân, đóng góp tích cực trong việc bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe cộng đồng…

Bà Nguyễn Thị Điểu (ấp 5, xã Hưng Long, huyện Bình Chánh) – một hộ được hỗ trợ cơ giới hóa cho biết, trước đây, gia đình có 2.000m2 sản xuất rau an toàn. Để chuẩn bị đất trồng rau, vợ chồng bà phải cuốc đất khá vất vả và tốn nhiều công sức. Từ khi sử dụng máy xới đất mini thì thời gian xới đất rút ngắn rất nhiều, công lao động cũng ít hơn. “Trước đây phải cần 3 ngày để cuốc đất thì giờ với máy xới mini, tôi chỉ cần 2 giờ là có thể chuẩn bị xong 1.000m2 đất để gieo hạt giống cho kịp thời vụ” - bà Điểu cho biết.

Nguồn: danviet
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo