Đô thị hóa nông thôn: Không thể "vỏ" phố "hồn" làng
17:01 - 10/03/2017
Chiều 9/3, tại Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã chủ trì cuộc họp cho ý kiến về Đề án xây dựng nông thôn mới (NTM) trong quá trình đô thị hóa (ĐTH) trên địa bàn cấp huyện giai đoạn 2017-2020 do Bộ Xây dựng soạn thảo.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ


Cùng tham dự buổi làm việc có lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và lãnh đạo UBND của hai địa phương là Hà Nội và Lâm Đồng - các địa phương có tốc độ ĐTH nhanh.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thị Mỹ Linh cho biết, quan điểm của Đề án này là xây dựng NTM trong quá trình ĐTH trên địa bàn cấp huyện gắn với tái cơ cấu nông nghiệp, hình thành các vùng sản xuất lớn, đưa điều kiện sống người dân nông thôn gần với điều kiện sống người dân đô thị. Đề án sẽ định hướng quy hoạch, đầu tư cơ sở hạ tầng, môi trường và các dịch vụ xã hội phải phù hợp với định hướng ĐTH, nhằm từng bước chuẩn bị cho việc hình thành đô thị trên địa bàn, tránh lãng phí nguồn lực đầu tư.

Phó Thủ tướng nêu thực trạng có vùng nông thôn “sau một đêm thành quận, phường” như huyện Từ Liêm của Hà Nội nhưng hạ tầng đường xá được quy hoạch và thực hiện đầu tư xây dựng theo tiêu chuẩn của cấp xã, không đáp ứng được yêu cầu sinh hoạt, phát triển của đô thị, phải đầu tư lại, gây ra lãng phí xã hội…

“Hay như với thành phố Đà Lạt, nếu xây dựng NTM ở 1 xã ngoại thành và sau này được quy hoạch thuộc thành phố thì từ ngay bây giờ phải tính xem xây dựng quy hoạch kiểu gì, vừa để giữ gìn bản sắc văn hóa của vùng nông thôn, nông nghiệp, vừa để nâng chất lượng dịch vụ cuộc sống như của người dân thành thị?”, Phó Thủ tướng nêu một vấn đề cụ thể. Lãnh đạo Chính phủ cũng cho biết nhiều xã thành phường nhưng vẫn làm nghề nông là chính.

Từ thực tiễn của địa phương, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu cho biết: “Hà Nội đang phải trả giá vì có nơi từ xã lên phường nhưng hạ tầng thì vẫn là cấp làng, xã, không đáp ứng được yêu cầu của đời sống người dân và phát triển kinh tế địa phương. Có nơi vẫn là phố trong làng”.

Ông Sửu cũng chỉ ra có những quận vẫn còn kế hoạch gieo lúa, trồng khoai; là cư dân đô thị nhưng vẫn “ngóng tiếng sấm” để chăm vụ lúa chiêm để cho thấy quá trình xây dựng NTM gắn với ĐTH, tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp của địa phương vẫn còn chưa sâu.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S cho biết địa phương này cũng “tỉnh ngộ” khi làm quy hoạch phát triển Đà Lạt đã phải điều chỉnh các quy hoạch của các xã sẽ sáp nhập vào thành phố này để lập nên mô hình “làng đô thị xanh”.

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng Đề án cần định hướng các giải pháp xây dựng NTM gắn với ĐTH của giai đoạn 2016-2020, trong đó cốt lõi là gắn NTM với ĐTH trên địa bàn cấp huyện hay tại các đơn vị hành chính cấp xã được nâng lên thành cấp phường.

Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu Bộ Xây dựng tiếp tục làm rõ căn cứ để xây dựng Đề án dựa trên các nghị quyết của Đảng, văn kiện Đại hội Đảng về xây dựng NTM, tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đảm bảo phù hợp với các quy hoạch tổng thể kinh tế, xã hội của cả nước và từng địa phương, chiến lược phát triển đô thị và quy hoạch phát triển đô thị, khung khổ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2016-2020 và các tư tưởng chính của dự án Luật Quy hoạch mà Chính phủ chuẩn bị trình Quốc hội thảo luận.

Về mục tiêu của Đề án, Phó Thủ tướng cho rằng phải đưa ra tầm nhìn xây dựng NTM theo hướng đô thị hài  hòa, gắn kết các lĩnh vực kinh tế, xã hội, giữ gìn bản sắc văn hóa chứ không phải để tạo ra một khuôn mẫu NTM duy nhất.

Từ mục tiêu đó, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành xác định được khung khổ về quy hoạch phát triển cho NTM trong quá trình ĐTH ở cấp huyện hay tại các xã được chuyển đổi thành đô thị; đặt ra tỷ lệ % hợp lý về số xã, huyện được quy hoạch theo hướng này… Việc thực hiện Đề án sẽ theo nguyên tắc thị trường, huy động nguồn lực từ người dân và ngân sách của địa phương là chính, phát huy tính chủ động, sáng tạo của mỗi địa phương trong các lập quy hoạch, kế hoạch thực hiện./.

 

Nguồn: kinhtenongthon.com.vn
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo