Kể từ khi thực hiện công cuộc đổi mới, sản xuất nông nghiệp không chỉ đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng trong nước, mà xuất khẩu nhiều loại nông sản với quy mô ngày càng lớn. Nông nghiệp phát triển đã góp phần quan trọng tăng thu nhập cho người nông dân, xóa đói giảm nghèo.
|
Trao đổi kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp ở Hải Dương (Ảnh: Đ.H) |
Thực tiễn cho thấy, vài năm gần đây, tốc độ tăng trưởng sản xuất nông nghiệp có xu hướng chậm lại, hiệu quả chưa cao, trong khi cạnh tranh quốc tế ngày càng gay gắt hơn. Mặt khác, người tiêu dùng quan tâm hơn đến chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm; nông nghiệp chuyển mạnh sang sản xuất hàng hóa; biến đổi khí hậu làm môi trường sản xuất nông nghiệp có nhiều thay đổi phức tạp. Điều này đặt ra yêu cầu cần có thay đổi mạnh mẽ từ cách tiếp cận và các giải pháp nhằm phát triển các sản phẩm chủ lực lợi thế của từng địa phương, tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.
Nhìn chung, sau 3 năm triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, sản xuất nông nghiệp đã duy trì được tốc độ tăng trưởng khá, chất lượng tăng trưởng từng bước được cải thiện. Việc ứng dụng khoa học kỹ thuật được đẩy mạnh để nâng cao giá trị sản phẩm. Công tác nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ được coi là then chốt để tạo đột phá cho tái cơ cấu nông nghiệp, phát triển các sản phẩm chủ lực, nâng cao giá trị gia tăng. Công nghiệp chế biến được đầu tư theo hướng phát triển chế biến sâu, ứng dụng công nghệ cao để nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp. Các hình thức tổ chức sản xuất từng bước được đổi mới. Các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi được phát triển phù hợp với điều kiện sản xuất của từng vùng, địa phương. Thu hút đầu tư nước ngoài vào sản xuất nông nghiệp có nhiều khởi sắc.
Sức cạnh tranh của nông nghiệp Việt Nam từng bước được cải thiện, cả trên phương diện cạnh tranh sản phẩm, doanh nghiệp, ngành hàng và cạnh tranh quốc gia. Thị trường nông sản thời gian qua đã có những bước phát triển mới, nhiều sản phẩm nông sản đã có vị thế cao trên thị trường quốc tế. Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành tăng mạnh, giai đoạn 2013 - 2016 đạt 120,7 tỷ USD, trung bình tăng 1 tỷ USD/năm; riêng năm 2016 đạt khoảng 32,1 tỷ USD; và năm 2017 dự kiến đạt khoảng 32,5 - 32,8 tỷ USD. Kết quả này đã góp phần tạo điều kiện cho nông dân nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng đời sống. Thu nhập bình quân hộ nông dân đã tăng từ 73,2 triệu đồng năm 2012 lên khoảng 97,6 triệu đồng.
Nhìn chung, nhờ sản xuất phát triển, đã tạo điều kiện thúc đẩy phong trào xây dựng nông thôn mới. Sau 6 năm triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, bộ mặt nông thôn ở nhiều nơi được đổi mới, văn minh hơn, hạ tầng được nâng cấp. Nông thôn mới đã hình thành trên thực tế, cơ bản đáp ứng nguyện vọng của người dân nông thôn; ngày càng thu hút sự tham gia của người dân, doanh nghiệp, nhờ đó huy động được nguồn lực lớn, góp phần thúc đẩy tiến độ thực hiện các nội dung của chương trình xây dựng nông thôn mới. Tính đến ngày 15/2/2017, 100% các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã có xã đạt chuẩn nông thôn mới. Cả nước có 2.578 xã (chiếm 28,9% số xã) đạt chuẩn nông thôn mới, còn 257 xã dưới 5 tiêu chí (chiếm 2,88% số xã), giảm 69 xã so với cuối năm 2015. Số tiêu chí đạt chuẩn bình quân của cả nước là 13,47 tiêu chí/xã; có 32 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Số liệu trên cho thấy tác động tích cực của sản xuất nông nghiệp đến xây dựng nông thôn mới. Tuy vậy, cũng có nhiều thách thức mới đặt ra cho tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Kết quả tái cơ cấu ngành nông nghiệp trong thực tiến mới chỉ là bước đầu và chưa tạo chuyển biến rõ nét; tăng trưởng chưa vững chắc, thậm chí giảm như năm 2016 đạt 1,36%. Liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân triển khai chậm, chưa thật hiệu quả và bền vững. Sức ép về việc làm cho lao động nông thôn ngày càng tăng, trong khi đó quỹ đất nông nghiệp tiếp tục giảm do công nghiệp hóa và đô thị hóa, dẫn tới dòng lao động di chuyển từ nông thôn vào thành thị.
Biến đổi khí hậu đã và đang diễn ra khó lường, ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp. Số lượng các cơn bão và sự tàn phá khó dự báo; thời tiết nóng, lạnh diễn biến bất thường. Dự báo các tỉnh Tây Nguyên và miền Trung sẽ tiếp tục bị khô hạn nhiều hơn, xâm nhập mặn ở vùng đồng bằng sông Cửu Long; số đợt không khí lạnh, rét đậm, rét hại sẽ xuất hiện nhiều hơn ở các tỉnh phía Bắc và Bắc Trung bộ. Bên cạnh đó, môi trường ở nông thôn chưa được quản lý tốt, gây nguy hiểm cho sinh kế bền vững của người dân.
Kết quả xây dựng nông thôn mới còn chưa đồng bộ, mức độ đạt tiêu chí hạ tầng thấp; có sự chênh lệch giữa các vùng miền. Nội dung về phát triển sản xuất, xây dựng đời sống văn hóa, bảo vệ môi trường chưa được quan tâm đúng mức.
Để đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, cần rà soát quy hoạch, cơ cấu sản xuất, xác định lựa chọn những cây trồng vật nuôi có lợi thế, có thị trường đầu ra; hình thành các vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn. Tiếp tục đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất theo hướng hợp tác, liên kết chặt chẽ trong chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu dùng. Tập trung tháo gỡ những vướng mắc, triển khai có hiệu quả các chính sách tạo môi trường thuận lợi khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
Thực hiện mạnh mẽ điều chỉnh cơ cấu đầu tư theo định hướng phát triển sản xuất mới, chú trọng phát triển thủy lợi phục vụ thủy sản, cây trồng cạn, ứng dụng kỹ thuật tưới tiên tiến, tiết kiệm nước. Xác định rõ khoa học công nghệ là khâu then chốt để tạo đột phá trong thực hiện cơ cấu ngành. Đẩy mạnh nghiên cứu các chính sách phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia nghiên cứu và chuyển giao, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao.
Phát triển mạnh thị trường tiêu thụ nông sản, tăng cường năng lực nghiên cứu, dự báo và thông tin thị trường để định hướng tổ chức sản xuất, tiêu thụ nông sản. Xây dựng chiến lược phát triển thị trường cho các sản phẩm chủ lực, có tiềm năng giá trị gia tăng cao. Xây dựng hình ảnh nông sản Việt Nam thông qua chất lượng cao, an toàn thực phẩm và thân thiện mới môi trường.
Tổ chức triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới đến năm 2020 một cách đồng bộ. Tăng cường kiểm tra, giám sát kết quả thực hiện chương trình, xử lý dứt điểm nợ đọng xây dựng cơ bản và chấm dứt tình trạng tận thu sức dân. Nâng cao chất lượng các xã, huyện đã đạt chuẩn nông thôn mới. Coi trọng các nội dung phát triển sản xuất trên cơ sở cơ cấu lại nông nghiệp, nâng cao thu nhập và đời sống cho nông dân…