Quảng Ninh là tỉnh có nhiều lợi thế phát triển thủy sản thành ngành kinh tế mũi nhọn. Với nghị quyết số 13 của BCH Đảng bộ tỉnh về “Phát triển kinh tế thủy sản Quảng Ninh đến năm 2020...
Với nghị quyết số 13 của BCH Đảng bộ tỉnh về “Phát triển kinh tế thủy sản Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, lĩnh vực này của Quảng Ninh đang có cơ hội bứt phá.
|
Nuôi trồng và khai thác thủy sản là thế mạnh của tỉnh Quảng Ninh |
Ông Nguyễn Văn Công, Phó GĐ Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ninh cho biết, tỉnh đang tập trung phát triển diện tích nuôi trồng thủy sản, chuyển dịch nuôi trồng thủy sản từ bán thâm canh, quảng canh sang thâm canh. Đến nay, diện tích nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh đạt 20.667 ha, tăng 567 ha so năm 2014, trong đó diện tích nuôi thâm canh 2.034 ha. Sản lượng nuôi thủy sản đạt 46.287 tấn, tăng 9,9% so với năm 2014.
Ngoài ra, tỉnh tập trung phát triển đội tàu khai thác thủy sản xa bờ, giảm đội tàu khai thác ven bờ. Toàn tỉnh hiện có 8.015 tàu cá, trong đó tàu công suất từ 90CV trở lên hoạt động tại vùng biển xa bờ là 383 chiếc, tăng 106 chiếc so với năm 2014, tàu công suất dưới 20CV hoạt động ven bờ 5.720 chiếc, tàu công suất từ 20CV đến dưới 90CV hoạt động tại vùng lộng 1.912 chiếc.
Bên cạnh đó, công tác sản xuất, cung ứng giống thủy sản đã đạt được những thành công nhất định. Trong năm 2015, toàn tỉnh có 18 cơ sở sản xuất và kinh doanh giống thủy sản, lượng con giống cung ứng cho thị trường đạt 991 triệu con, tăng gần 10% so với cùng kỳ, đáp ứng được gần 30% nhu cầu giống sản xuất tại chỗ cho nuôi trồng thủy sản. Hai trung tâm sản xuất giống thủy sản tại huyện Đầm Hà và Vân Đồn cũng đã được tỉnh triển khai, xây dựng.
Theo đánh giá của lãnh đạo Sở NN-PTNT Quảng Ninh, ngành thủy sản tỉnh được phát triển toàn diện cả về nuôi trồng, khai thác và chế biến, các vùng nuôi trồng tập trung bảo đảm an toàn dịch bệnh được mở rộng, phát triển các đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao.
Tuy nhiên, ngoài những thành công đạt được, tỉnh Quảng Ninh vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức cần được giải quyết trong thời gian tới. Ông Công cho biết, việc xây dựng quy hoạch phát triển, quy hoạch chi tiết các vùng nuôi trồng thuỷ sản (NTTS) theo các vùng, miền còn chậm, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển, công tác chỉ đạo thực hiện quy hoạch chưa được quan tâm đúng mức.
Phương thức, công nghệ NTTS phần lớn vẫn ở mức trung bình, thấp dẫn đến năng suất nuôi trồng chưa cao, số lao động trong NTTS được đào tạo trình độ từ sơ cấp nghề trở lên còn ít... Điều này ảnh hưởng đến công cuộc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào NTTS nhằm nâng cao giá trị sản phẩm thủy sản nuôi, đảm bảo ATTP...
“Đối với lĩnh vực quản lý khai thác và dịch vụ hậu cần thủy sản, mặc dù tỉnh đã có nhiều hoạt động củng cố số lượng tàu cá đánh bắt xa bờ và giảm thiểu số tàu cá công suất nhỏ, đánh bắt ven bờ nhưng lượng tàu cá ven bờ vẫn khá lớn (5.720 tàu). Điều này là một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến nguồn lợi thủy sản ven bờ ngày càng cạn kiệt, giá nguyên liệu, nhân công tăng cao trong khi giá cả sản phẩm từ khai thác thủy sản không tăng làm ảnh hưởng nhiều đến đời sống của bà con ngư dân”, ông Công nói.
Như vậy có thể thấy ngành thủy sản tỉnh Quảng Ninh hiện vẫn còn nhiều việc phải làm trên con đường hoàn thiện tái cơ cấu ngành theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Nghị quyết 13-NQ/TU/2014 của BCH Đảng bộ tỉnh đã đề ra mục tiêu phát triển thủy sản toàn diện cả về nuôi trồng, khai thác, chế biến và dịch vụ hậu cần nghề cá theo hướng công nghiệp, sản xuất hàng hóa phục vụ du lịch, dịch vụ cao cấp, đẩy mạnh XK, gia tăng giá trị và bền vững để thủy sản trở thành ngành kinh tế quan trọng, chiếm tỷ trọng chủ yếu trong nghề nông nghiệp của tỉnh.
Theo đó, phấn đấu đến năm 2020, kinh tế thủy sản chiếm 3% GDP của tỉnh, đóng góp 60 - 65% GDP trong khối nông - lâm - ngư nghiệp; giá trị sản xuất thủy sản đạt trên 6.000 tỷ đồng; tốc độ tăng trưởng sản xuất đạt từ 13 - 14%/năm; tổng sản lượng thủy sản đạt trên 130.000 tấn, trong đó sản lượng khai thác đạt trên 60.000 tấn; giá trị xuất khẩu thủy sản đạt trên 100 triệu USD; tạo việc làm cho khoảng 62.000 lao động.
Hình thành 3 trung tâm nghề cá và 1 trung tâm thương mại nghề cá gắn với hệ thống hạ tầng sản xuất, hậu cần nghề cá đồng bộ. Đến năm 2030, giá trị sản xuất thủy sản tăng bình quân 8 - 9%/năm; tổng sản lượng thủy sản tăng bình quân 7 - 8%/năm; giá trị xuất khẩu thủy sản tăng 10 - 15%. Nghị quyết cũng xác định những nhiệm vụ và những giải pháp trọng tâm cho từng lĩnh vực.
Triển khai Nghị quyết 13, tỉnh Quảng Ninh đã tập trung hỗ trợ hình thành các vùng nuôi, bãi triều tập trung tại các địa phương Vân Đồn, Đầm Hà, Hải Hà, Quảng Yên; khuyến khích hoạt động khai thác đánh bắt với công nghệ chọn lọc; tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp (lĩnh vực thủy sản); giành nguồn lực xây dựng hạ tầng nuôi trồng thủy sản...
“Điểm nhấn nổi bật là sự chuyển dịch cơ cấu khai thác hải sản theo hướng giảm phương thức đánh bắt tận thu, hủy diệt nguồn lợi; tăng các loại nghề có tính chọn lọc cao thân thiện với môi trường như lưới rê, chài chụp, câu, tàu dịch vụ...”, ông Công cho hay.
Năm 2016, Quảng Ninh dự kiến đạt 4.475 tỷ đồng giá trị SX thủy sản; tổng sản lượng thủy sản đạt 103.000 tấn; diện tích nuôi trồng thủy sản ước đạt 20.729ha… Trong 5 năm, sản lượng thủy sản nuôi trồng đạt 183.000 tấn, bình quân tăng 9,1%/năm. |