Ngày 6/12, tại Hà Nội, Bộ NN&PTNT tổ chức hội nghị toàn thể Chương trình hỗ trợ quốc tế (ISG) năm 2016 với chủ đề “Hợp tác quốc tế vì tăng trưởng nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu và thời tiết cực đoan”.
|
Ảnh: VGP/Đỗ Hương |
Phát biểu tại hội nghị, bà Louise Chamberlain, quyền Trưởng Đại diện thường trú của Chương trình Phát triển LHQ (UNDP) tại Việt Nam cho rằng, hạn hán, xâm nhập mặn vừa qua là cảnh báo đối với Việt Nam cũng như các quốc gia khác. Điều này cũng cho thấy cần quan tâm hơn nữa trong việc giải quyết các chính sách, chương trình.
Các rủi ro, cực đoan của biến đổi khí hậu gây ra cần được tính toán trong các chính sách, chương trình của ngành. Cần điều chỉnh, thiết kế để phù hợp với biến đổi khí hậu. Thông qua hỗ trợ kỹ thuật, UNDP đã và đang triển khai lồng ghép quản lý các rủi ro về khí hậu, thiên tai vào các chính sách, chương trình trong các ngành chính, trong đó có ngành nông nghiệp, thiết kế các chương trình quản lý rủi ro dựa vào cộng đồng, giảm phát thải… ở cộng đồng ven biển.
Nông nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ, thách thức. Nguy cơ, thách thức lớn nhất mang tính lâu dài là tác động của biến đổi khí hậu. Năm 2016 là năm điển hình Việt Nam phải đối phó với các dạng hình cực đoan của thời tiết.
Trước đó, năm 2012, Chính phủ Việt Nam đã công bố kịch bản tác động của biến đổi khí hậu với Việt Nam. Nhưng đến nay, biến đổi khí hậu diễn biến nhanh hơn và cực đoan hơn so với kịch bản. Hiện nay các cơ quan chuyên môn Việt Nam chuẩn bị ban hành kịch bản biến đổi khí hậu mới với Việt Nam. Những số liệu cho thấy những tác động của biến đổi khí hậu là cực đoan hơn kịch bản năm 2012.
Ông Christian Berger, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền CHLB Đức tại Việt Nam cho rằng, nông nghiệp, thủy lợi hoặc bảo vệ bờ biển là những nhân tố quan trọng cho sự thích ứng khí hậu của Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, nếu thiếu sự phối hợp liên kết mạnh mẽ trong khu vực, những nỗ lực của Bộ NN&PTNT, các sở và các tổ chức khác sẽ khó mang lại thành công.
Đồng bằng sông Cửu Long hiện đang là vùng cung cấp 75% sản lượng gạo xuất khẩu, 50% sản lượng trái cây, 80% sản lượng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam. Do đó tác động của biến đổi khí hậu cộng với tác nhân khác, vùng này sẽ biến đổi hoàn toàn cục diện sản xuất. Những vấn đề này đang đặt ra thách thức lớn đối với Việt Nam. Ngoài ra, 6 vùng kinh tế khác cũng chịu tác động của biến đổi khí hậu tương đương như vậy.
Ông Christian Berger cho biết Đức đã và đang hỗ trợ ngành nông nghiệp định hướng phục hồi vùng ven biển Đồng bằng sông Cửu Long trước tác động của biến đổi khí hậu. Chính phủ Đức sẵn sàng tiếp tục đồng hành trong những lỗ lực của ngành.
Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, Chính phủ Việt Nam có những hành động quyết liệt để thích ứng biến đổi khí hậu trong đời sống, trong tái cơ cấu kinh tế, trong cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp. Bộ NN&PTNT đang cùng địa phương hoạch định những chương trình thích ứng cụ thể.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường bày tỏ Việt Nam đánh giá cao sự giúp đỡ, cộng tác, chia sẻ cộng đồng quốc tế. Hy vọng thời gian tới, cộng đồng quốc tế tiếp tục cùng chung tay, chia sẻ với Việt Nam những kinh nghiệm ứng phó với biến đổi khí hậu, những định hướng trong phát triển bền vững, những tăng trưởng bảo đảm an sinh, sinh kế cho người dân. Bộ trưởng kỳ vọng với kinh nghiệm, quyết tâm, sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, Việt Nam sẽ thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu./.