Xây dựng Nghệ An thành tỉnh điển hình trong phát triển kinh tế hợp tác
Ngày 6/12, tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đã có cuộc làm việc với Hội Nông dân và Liên minh Hợp tác xã (HTX) tỉnh Nghệ An.
|
Toàn cảnh buổi làm việc. Ảnh: Văn Dân |
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân bày tỏ vui mừng với những thành quả tỉnh Nghệ An đạt được trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn 3 năm trở lại đây. Điển hình là năng suất, sản lượng lúa và ngô cao nhất từ trước đến nay, góp phần rất lớn trong phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
Tốc độ tăng trưởng nông nghiệp được duy trì từ 3-4%/năm của Nghệ An là một thành tích cao so với cả nước, góp phần ổn định kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thiện Nhân, lĩnh vực nông nghiệp đóng góp 26% GDP của toàn tỉnh Nghệ An, tổng số lao động hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp lớn nhưng thu nhập bình quân của nông dân hiện nay chỉ bằng 1/4 của ngành công nghiệp, dịch vụ.
Đánh giá thành tích nông nghiệp Nghệ An là rất đáng khích lệ, nhưng Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cho rằng giải bài toán thu nhập cho nông dân rất khó. “Đây là vấn đề của cả nước, chứ không riêng gì của Nghệ An”, ông Nguyễn Thiện Nhân nói.
Theo người đứng đầu MTTQ Việt Nam, để giải bài toán này, HTX kiểu mới phải thu hút được nhiều hộ nông dân làm ăn cá thể tham gia. Khi đó, liên kết giữa các hộ cá thể sẽ giúp có lợi thế về giá khi mua nguyên liệu đầu vào và bán sản phẩm đầu ra. Có HTX kiểu mới, DN sẽ không phải đối phó với rủi ro trong sản xuất, còn nông dân sẽ thông qua HTX kiểu mới để yên tâm sản xuất, tăng thu nhập.
“Vấn đề nằm ở sự quản lý của HTX, phát huy được cách làm ăn giỏi, tư duy sản xuất lớn và mô hình quản trị tốt”, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nói và khuyến khích Nghệ An nâng cao tỉ lệ, để năm 2017 là năm đột phá của HTX kiểu mới trong tỉnh.
Ông Nguyễn Thiện Nhân mong muốn Nghệ An lấy kinh tế hợp tác làm trọng tâm và gắn với sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng trong việc xây dựng chương trình phát triển kinh tế-xã hội 5 năm. Theo đó, tỉnh cần hỗ trợ để người nông dân hiểu về kinh tế hợp tác, để những hộ nông dân giỏi là nòng cốt trong xây dựng HTX kiểu mới, có chương trình bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực để lãnh đạo, quản lý HTX.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cũng lưu ý Nghệ An phải xác định được sản phẩm chủ lực, phù hợp với điều kiện tự nhiên, dự báo được xu hướng thị trường và phải có địa chỉ hỗ trợ cụ thể để nông dân yên tâm sản xuất, không đơn độc. Nghệ An cần sẵn sàng về khoa học, kỹ thuật, phương thức tiêu thụ sản phẩm, cơ chế hỗ trợ vốn, trong đó ưu tiên hỗ trợ HTX qua quỹ hỗ trợ nông dân, và cuối cùng là sẵn sàng về mô hình để nhân rộng. Với những HTX hiện có, ông Nguyễn Thiện Nhân đề nghị Nghệ An rà soát các HTX có đủ điều kiện, sẵn sàng để xây dựng thành HTX điển hình với những chỉ tiêu cụ thể.
“Cần có một lộ trình để khuyến khích nông dân tham gia HTX. MTTQ Việt Nam cam kết đồng hành với Liên minh HTX và Hội Nông dân tỉnh trong 4 năm tới để xây dựng Nghệ An thành tỉnh điển hình, gương mẫu trong phát triển kinh tế hợp tác và xây dựng nông thôn mới”, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khẳng định.
Tại cuộc làm việc, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cũng dành thời gian chia sẻ về vấn đề an toàn thực phẩm (ATTP). Hoan nghênh Nghệ An đã làm tốt công tác này, nhưng ông Nguyễn Thiện Nhân cho rằng cái gốc của ATTP phải là sản xuất an toàn có thu nhập cao.
“Đó là con đường lâu dài. Chừng nào nông dân còn thu nhập thấp thì họ còn phải làm ăn gian dối. Giám sát ATTP chỉ là biện pháp thứ hai, bởi không có lực lượng giám sát nào có thể giám sát tất cả các hộ, các đơn vị sản xuất. Cái chính là phải có nơi mua nông sản, thực phẩm an toàn với giá cao hơn. Như thế mới có động lực cho nông dân sản xuất an toàn”, ông Nguyễn Thiện Nhân nói.
Theo báo cáo tình hình phát triển nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An năm 2016 và định hướng năm 2017, trong năm 2016, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp tỉnh Nghệ An vẫn đạt mức tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế nội ngành tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực.
Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất năm 2016 ước đạt 4,5%. Cơ cấu kinh tế nội ngành chuyển dịch đúng hướng như nông nghiệp 79,82%, lâm nghiệp 6,53%, ngư nghiệp 13,65%. Đến cuối tháng 12/2016, toàn tỉnh có 36 xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2016, nâng tổng số xã đạt chuẩn là 145/431 xã trong toàn tỉnh (đạt 33,64%). Hai đơn vị cấp huyện (thị xã Thái Hòa và thành phố Vinh) hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Hiện nay, tỉnh Nghệ An có 650 hợp tác xã; trong đó có 461 hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp, 132 hợp tác xã phi nông nghiệp và 57 quỹ tín dụng nhân dân.
Mục tiêu trong năm 2017, tỉnh Nghệ An phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp tăng 4-4,5%; phấn đấu có ít nhất 20 xã và 1 huyện (Nam Đàn) đạt chuẩn nông thôn mới; xây dựng mỗi huyện, thành phố, thị xã 3 mô hình hợp tác xã kiểu mới để nhân rộng; tập trung xây dựng Liên hiệp Hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ sản xuất an toàn gắn với chuỗi giá trị; hoàn thành chuyển đổi hợp tác xã theo Luật Hợp tác xã năm 2012.