Xuất khẩu rau quả: Tiềm năng còn rộng mở
15:28 - 02/12/2016
Từ đầu năm đến nay, rau quả là mặt hàng xuất khẩu (XK) có sự tăng trưởng vượt bậc với mức bình quân 30%/tháng. Kim ngạch XK mặt hàng này dự kiến tăng cao hơn nữa nếu giảm bớt chi phí logistics.
Xoài Việt Nam đã được cấp phép xuất khẩu sang Australia


Kim ngạch xuất khẩu có thể đạt 5 tỷ USD

Theo nhận định của bà Phan Thị Diệu Hà - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), rau quả là một trong những điểm sáng trên bức tranh XK nông - lâm - thủy sản nói riêng và XK cả nước nói chung.

Thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, đến hết tháng 10/2016, kim ngạch XK rau quả đạt xấp xỉ 2 tỷ USD, tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm 2015. Dự kiến hết năm nay, kim ngạch XK rau quả có thể đạt 2,5 tỷ USD.

Ông Hoàng Trung - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) - chia sẻ, năm nay tiếp tục là năm “thiên thời, địa lợi” cho trái cây Việt khi nhiều thị trường tiếp tục mở cửa cho sản phẩm như Australia mở cửa cho trái xoài sau 9 năm đàm phán và chuẩn bị mở cửa cho trái thanh long; Đài Loan cấp phép trở lại cho trái thanh long sau nhiều năm gián đoạn… Các thị trường khó tính đồng loạt mở cửa không những giúp đa dạng hóa thị trường cho XK, mà còn tạo tiền đề để nhiều thị trường khác cùng mở cửa cho trái cây Việt.

Bên cạnh đó, XK rau quả được nhận định còn nhiều tiềm năng mở rộng bởi các loại rau quả của Việt Nam ngày càng được thị trường nước ngoài ưa chuộng. Nếu nỗ lực hơn, kim ngạch XK mặt hàng này trong tương lai hoàn toàn có thể đạt mức 5 tỷ USD/năm chứ không chỉ là con số 2,5 tỷ USD như hiện nay.

Giải bài toán chi phí vận chuyển

Năng lực cạnh tranh của rau quả, đặc biệt là trái cây Việt Nam hoàn toàn có thể nâng cao hơn nữa nếu chi phí giá thành được giảm bớt, trong đó có chi phí logistics - một trong những chi phí lớn nhất của các doanh nghiệp XK. Theo báo cáo Ngân hàng Thế giới vừa công bố, chi phí logistics (vận tải, lưu kho, làm thủ tục hải quan…) ở Việt Nam cao hơn Thái Lan 6%, Malaysia 12%, còn so với Singapore thì cao hơn tới 3 lần. Trong tổng số chi phí của chuỗi cung ứng, riêng chi phí vận tải chiếm đến 50%, kho bãi chiếm 30%.

Ví dụ khi XK sang Australia, giá mua trái vải tại Việt Nam chỉ 20.000 đồng/kg (chiếm 12,7% giá thành), nhưng riêng cước máy bay từ Việt Nam đến Australia mặc dù đã được Vietnam Airlines hỗ trợ một phần nhưng vẫn đang khá cao, lên tới 2,95 USD/kg (chiếm 42,2% giá thành).

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp (DN) Việt vẫn sử dụng hình thức vận chuyển bằng cách giao cho các DN vận tải và không quan tâm đến lộ trình của các DN này. Do đó, DN XK được khuyến cáo chọn lựa và sử dụng dịch vụ từ những công ty cung cấp dịch vụ logistics chuyên nghiệp để tiết kiệm tối đa chi phí. Đơn cử, thay vì chỉ vận chuyển theo kinh nghiệm, nếu DN XK sử dụng dịch vụ của nhà cung cấp dịch vụ logistics đi giao hàng từ nhà vườn hay kho lạnh ra đến cảng sẽ được các DN này lập kế hoạch trước và điều động số lượng xe, lộ trình tối ưu nhất, nhằm tiết kiệm thời gian tối đa cho DN XK.

Theo các chuyên gia, ngoại trừ một số loại trái cây bắt buộc phải đi bằng đường hàng không, phải tận dụng tối đa việc vận chuyển bằng đường biển bởi chi phí chênh lệch cao hơn hẳn. Tuy nhiên, đi tàu thì chất lượng trái cây không cao bằng máy bay và mất đến 40 ngày mới tới nơi, trong khi đi máy bay chỉ mất một ngày. Do đó, DN phải đầu tư mạnh hơn cho công nghệ chế biến, bảo quản, giúp sản phẩm giữ được độ tươi ngon lâu hơn.

Nguồn: Báo Công thương
Thêm bình luận :
Họ và tên
Email

Bài đọc nhiều nhất

ĐBSCL: Mua tạm trữ 760.000 tấn gạo